Xung quanh chính sách tăng giá gạo của Thái Lan
Đăng ngày: 8/9/11Chính phủ mới của Thái Lan đang xây dựng chính sách thu mua gạo với giá bảo hộ nhằm tăng thu nhập cho người trồng lúa.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Na Ranong cho biết, chính sách giá bảo hộ dự kiến sẽ thực thi từ ngày 7/10/2011 và sẽ tạm thi hành trong 1 năm.
Đảng cầm quyền Thái Lan nhấn mạnh rằng động thái này nhằm làm dịu khó khăn cho nông dân trong nước.
Tuy nhiên các đảng đối lập ở Thái Lan, đứng đầu là Đảng Dân chủ, đã phản đối chính sách mới này. Phần lớn các nhà xuất khẩu lo lắng, sau khi chính sách mới nâng cao giá gạo, vị thế nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới trong mấy chục năm qua của Thái Lan rất có thể sẽ nhường lại cho nước khác.
Giới xuất khẩu gạo Thái Lan cho rằng, chính sách mới sẽ làm cho giá gạo ở Thái Lan tăng 25%.
Hiện nay, các nhà nhập khẩu gạo nước ngoài vẫn chưa có phản ứng gì đối với giá gạo Thái Lan tăng cao. Tuy nhiên điều một số chuyên gia kinh tế lo ngại là do châu Á chiếm tới 87% lượng tiêu thụ gạo của toàn cầu, chính sách mới về gạo của Thái Lan rất có thể sẽ tăng thêm áp lực lạm phát cho châu Á.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) cho biết giá lương thực quốc tế hiện nay tiếp cận mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, so với các loại lương thực khác thì giá gạo vẫn dao động ở mức thấp, thu nhập của người trồng lúa Thái Lan tăng chậm, kinh tế nông thôn phát triển không mạnh.
Quan chức của FAO phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho rằng, giá gạo Thái Lan gia tăng, một mặt sẽ kích thích các nước lớn khác về xuất khẩu gạo tăng thêm sản lượng, mặt khác người tiêu dùng có thể sẽ chuyển sang sử dụng các loại lương thực thay thế, như lúa mì và ngô.
Bởi vậy, hiệu quả của cạnh tranh và loại lương thực thay thế sẽ quyết định giá gạo.
Từ Khóa: Gạo, Thái Lan, Cạnh Tranh, Giá Gạo, FAO, Chính Sách, Nông Thôn,