Xuân về nơi rẻo cao
Đăng ngày: 7/2/12Huyện miền núi rẻo cao Quế Phong (Nghệ An) xưa nay được ví von như "thủ phủ hoa anh túc".

Hoa anh túc và nghèo đói
Vào những ngày này, chúng tôi có dịp ngược lên vùng rẻo cao Quế Phong - nơi một thời được ví von như "thủ phủ hoa anh túc" của miền Tây xứ Nghệ.
Quay trở lại những năm 80, 90 của thế kỷ trước, phía sau những triền núi cao nơi đây là những cánh đồng hoa anh túc tỏa sắc tím rợp trời vùng biên. Bà con đồng bào Mông, Thái, Khơ Mú nơi đây xem "thuốc phiện" là "lộc" trời ban nên quanh năm suốt tháng chỉ bám lấy loài cây này mà không nhận thức được hậu quả khôn lường mà nó mang lại.
Của nhà làm ra nên chuyện đàn ông nghiện thuốc phiện là bình thường. Khắp các bản làng, hầu như nhà nào cũng có bộ bàn đèn, khói bay nghi ngút quanh năm. Và rồi cuộc sống cũng heo hút như ánh đèn dầu trên bàn thuốc. Thò Chư Xa (57 tuổi), người dân tộc Mông ở bản Huồi Mới 1, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong là một ví dụ điển hình. Ông Xa nghiện thuốc phiện hơn 10 năm trời. Đó là quãng thời gian mà cả gia đình ông Xa phải khốn đốn theo làn khói của nàng tiên nâu. Cứ đến mùa là lên rẫy trồng thuốc phiện để vừa dùng vừa bán cho mấy "tay" buôn từ dưới xuôi lên. "Hồi đó, đồng bào Mông trồng thuốc phiện nhiều lắm! Nhà mình cũng trồng, vừa để hút, vừa để bán. Mình nghiện thuốc phiện chẳng lên rẫy làm được như người ta, chỉ suốt ngày ôm đèn điếu. Nhà nghèo! Vợ con buồn lắm!", ông Xa nhớ lại.
Nguồn thuốc phiện có sẵn nên các "tay" buôn bán ma túy từ khắp mọi miền đất nước ngược xuôi về Quế Phong "ăn hàng". Nhiều người dân địa phương dính vào mua bán, vận chuyển khiến gia đình tán gia bại sản, dính vào vòng lao lý. Ông Lô Xuân Thu - Chủ tịch UBND xã Tri Lễ nhớ lại: "Thời kỳ đó, hầu như nhà nào cũng trồng thuốc phiện trên nương. Đến mùa thì thu hoạch bán cho người dưới xuôi lên mua. Tình hình phức tạp lắm! Nhiều gia đình trong nhà lúc nào cũng có đèn, điếu. Đàn ông ở nhiều bản trong xã chỉ biết chích mủ, hút thuốc phiện. Kinh tế của nhiều hộ gia đình theo đó mà lâm vào túng quẫn".
Ngày qua ngày, cuộc sống của đồng bào vùng rẻo cao Quế Phong cứ xoay quanh vòng luẩn quẩn nghèo đói. Trẻ con lớn lên cứ như cây cỏ, không được học hành, người lớn ngày càng chìm sâu vào khói thuốc. Chỉ đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, cùng với chủ trương của Nhà nước về xóa bỏ cây anh túc, cuộc sống của bản làng mới dần thay da đổi thịt, thoát khỏi sự quyến rũ chết người của nàng tiên nâu.
Đồng hành cùng người nghèo
Quế Phong là huyện nghèo nằm trong 62 huyện nghèo cả nước, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao nhưng nếu so với nhiều năm trước thì Quế Phong đang thoát nghèo nhanh và bền vững. Cùng với sự đầu tư của Chính phủ trong chương trình 30a, nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH huyện thực sự là người bạn đồng hành giúp đồng bào các dân tộc nơi đây thoát nghèo.
Theo chân các cán bộ NHCSXH huyện, chúng tôi tìm về xã Quế Sơn - một xã có tuổi đời mới chỉ vẻn vẹn 6 năm và cũng là xã có tỷ lệ thoát nghèo ấn tượng nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH. Quế Sơn thành lập năm 2005, cả xã có 838 hộ với hơn 3.500 nhân khẩu, bao gồm người Kinh, Thái, Khơ Mú (dân tộc thiểu số chiếm 48%) thì có đến 65% là hộ nghèo. Mà nguyên nhân của cái nghèo cũng xuất phát từ tập quán canh tác lạc hậu, từ quỹ đất sản xuất eo hẹp có hơn 74ha ruộng lúa, còn lại là núi đá... Thế nhưng, từ khi bà con trong bản làng được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm nhanh hàng năm, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát được nghèo, thậm chí làm giàu.
Gia đình chị Phan Thị Cảnh, anh Hồ Văn Khương ở xóm Hải Lâm II là một ví dụ điển hình về việc sử dụng hiệu quả vốn vay từ NHCSXH để phát triển kinh tế, thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Năm 2005, anh chị lập gia đình với "của hồi môn" là mấy ha đất đồi bạc màu. Anh chị bàn nhau xin gia nhập Tổ TK&VV và được NHCSXH huyện Quế Phong giải ngân 5 triệu đồng. Với số vốn này, anh chị đầu tư chăn nuôi lợn nái và lợn thịt. Năm 2008, anh chị trả được hết nợ cũ và xin vay tiếp 15 triệu đồng đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi theo hình thức hàng hóa. Đến nay, sau 6 năm, gia sản của cả nhà là 16 con lợn nái, 50 con lợn thịt, 1ha ao nuôi cá và 200 con vịt bầu. Hàng năm trừ chi phí thu nhập của gia đình cũng ngót nghét 100 triệu đồng. Anh Khương chia sẻ: "Nếu không có vốn vay của NHCSXH thì nhà tôi không biết khi nào mới thoát được nghèo. Sắp tới tôi sẽ vay vốn tiếp để mở rộng quy mô chăn nuôi sang cả bò thịt".
Bước sang năm 2012, hợp tác xã chuyên cây con Quế Sơn do anh Khương và 9 hộ trong xóm thành lập, anh được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm hợp tác xã. Đây là một sự kiện đánh dấu bước phát triển mới của không chỉ gia đình anh mà còn của xã viên khác bởi họ cũng là những người thoát nghèo và làm giàu từ nguồn vốn vay ưu đãi. "Chúng tôi thành lập hợp tác xã để hỗ trợ nhau kỹ thuật, vốn, đầu vào và cả đầu ra. Chúng tôi sẽ cùng nhau vay vốn NHCSXH để tăng quy mô sản xuất", Chủ nhiệm Khương hồ hởi cho biết.
Cũng tại xã Quế Sơn, gia đình bà Ngân Thị Minh (52 tuổi), dân tộc Thái từng là một hộ đã thoát nghèo "ngoạn mục" từ vốn vay của NHCSXH. Với 15 triệu đồng, gia đình bà mua được trâu phục vụ sản xuất, trồng 60ha keo. Giờ đây, gia đình đã có nhà cửa khang trang, con cái được học hành đầy đủ. "Ông nhà tôi là thương binh hạng 2/4, nhà lại đông con nên kinh tế khó khăn lắm! May có nguồn vốn vay của ngân hàng mà đầu tư phát triển sản xuất, kinh tế khấm khá hơn", bà Ngân phấn khởi chia sẻ.
Giờ đây, đồng bào người Mông ở xã Tri Lễ từ bỏ cây thuốc phiện, chăm lo phát triển kinh tế
Đánh giá về hiệu quả của nguồn vốn vay từ NHCSXH đối với quá trình thoát nghèo của xã. Ông Trần Văn Đức - Phó bí thư Đảng ủy xã Quế Sơn cho biết: "Hiện nay, cả xã có gần 700/838 hộ được tiếp cận nguồn vốn của NHCSXH huyện. Đây thực sự là động lực phát triển kinh tế của địa phương. Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của chúng tôi giảm được 12% xuống còn 35%. Tốc độ giảm nghèo nhanh và thực sự bền vững. Chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích bà con vay vốn NHCSXH để phát triển kinh tế, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10% trong năm tới".
Còn tại xã Tri Lễ nguồn vốn vay từ NHCSXH đang được triển khai khá hiệu quả. Nhiều hộ đồng bào người Mông được vay vốn mua trâu, bò phát triển kinh tế. Quá khứ buồn về sự đói nghèo do lệ thuộc vào "nàng tiên nâu" đã phai nhạt. Cuộc sống ấm no, hạnh phúc đang dần hiện hữu ở nơi trời và đất giao hòa này. Xồng Xay Hờ, một người Mông ở Tri Lễ được vay vốn chia sẻ: "Mình làm được nhiều việc lắm, nhờ có tiền vay ngân hàng mà nhà mình giờ đã no đủ, không đói kém nữa rồi".
Hiện nay, NHCSXH huyện Quế Phong đang triển khai 9 chương trình cho vay từ hộ nghèo, hộ gia đình SXKDVKK, HSSV, XKLĐ... tại 14 xã, thị trấn trên toàn huyện. NHCSXH đã ủy thác cho 4 tổ chức hội, đoàn thể là Hội ND, Hội PN, Hội CCB và Đoàn TN thành lập 325 Tổ TK&VV ở 187 thôn, bản. Người dân có nhu cầu vay sẽ được bình xét và vay vốn. Cán bộ hội sẽ thường xuyên đôn đốc, kiểm tra mục đích sử dụng và hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc NHCSXH huyện Quế Phong cho hay: "Nguồn vốn tín dụng đã đến được đúng địa chỉ, người đi vay cũng đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức về vấn đề sử dụng nguồn vốn. Vì vậy, hiệu quả xã hội và hiệu quả kinh tế thu được rất khả quan".
Mục tiêu của NHCSXH là góp phần vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia XĐGN, tạo việc làm và ổn định xã hội. Và ở rẻo cao Quế Phong, miền Tây xứ Nghệ, nguồn vốn tín dụng của NHCSXH đang thực sự đồng hành cùng đồng bào các dân tộc thực hiện những mục tiêu trên.
Thành Duy