Xuân này Ma Giảng đã khá giả
Đăng ngày: 13/2/12Sinh ra trong một gia đình nghèo người dân tộc Chăm ở buôn Tân Hòa, xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa (Phú Yên), tuổi thơ của Ma Giảng luôn bị cái đói, cái nghèo bám riết. Ước mơ thoát khỏi cái nghèo vươn lên làm giàu luôn là niềm mong mỏi của ông cũng như nhiều gia đình người Chăm ở xã vùng cao này.

Từ vốn vay của ngân hàng
Một ngày đầu năm mới 2012, chúng tôi đến thăm gia đình ông Ma Giảng, một nông dân sản xuất giỏi ở buôn Tân Hòa, được người dân trong làng kính phục. Trò chuyện với chúng tôi, Ma Giảng kể: Khi lập gia đình, vợ chồng sinh đến 6 đứa con nên cuộc sống vốn đã nghèo lại càng thêm khó khăn hơn rất nhiều. Vì bận chăm sóc con nên người vợ không có thời gian lên nương rẫy phụ giúp ông. Người bạn đồng hành cùng ông lúc bấy giờ là cái rựa và cây cuốc. Ngày ngày lên nương, tay phát rẫy, tay đào lỗ, cứ thế mà vỡ đất đồi trồng lúa, bí, ngô, khoai... vừa chống đói cho gia đình, vừa có thức ăn chăn nuôi heo, gà để cải thiện cuộc sống. Thế nhưng các con của Ma Giảng hết đứa này đến đứa khác bị bệnh sốt rét triền miên, làm được đồng nào đều phải mua thuốc men chữa bệnh cho con. Mặc dù vậy, ông không hề nản lòng. Ông tâm sự: “Có lúc tôi gần như kiệt sức vì không biết xoay xở thế nào, nhưng tôi suy nghĩ rằng từ bao đời nay ông bà mình sống nhờ cái đất này, thì mình cũng bám đất này để mà sống chứ. Đất đai ở Sơn Phước rộng và tốt lắm, chỉ tại mình không có vốn và không biết cách làm ăn thôi”.
Và tình cờ, vào những năm cuối thập niên 90, trong một lần đưa con đi chữa bệnh ở trung tâm huyện Sơn Hòa ông thấy người Kinh trồng cây mía lên xanh mơn mởn, nhìn thấy sướng con mắt, ưng cái bụng. Lân la hỏi chuyện và được bà Huế vui vẻ nói cho ông biết cách trồng cây mía và hiệu quả của cây mía. Biết vậy, nhưng không có tiền mua giống mía. Vì thích quá nên ông mạnh dạn đề nghị bà Huế cho ông làm thuê một thời gian và trả công ông bằng giống mía để ông trồng thử. Suốt 2 năm liền với cái rựa và cây cuốc cùng với ít mía giống ông cứ đào lỗ trồng mãi mà chỉ được 3 sào mía. Ép lấy đường bán chẳng được bao nhiêu. Nghèo đói vẫn cứ bám lấy gia đình ông.
Năm 2000, Ma Giảng được Ngân hàng Phục vụ người nghèo (nay là NHCSXH) cho vay vốn mua bò để cày đất sản xuất. Có “con bò của ngân hàng”, có giống mía, Ma Giảng như bắt được vàng. Thế là ông không kể sớm trưa trong 3 ngày ông cùng “con bò của ngân hàng” đã cày khai hoang 8 sào đất trồng mía. Năm đầu tiên thu hoạch mía, ép lấy đường bán được 7 triệu đồng. Vợ chồng ông vô cùng mừng rỡ. Đã có tiền chữa bệnh cho con và đặc biệt là biết cách làm ăn rồi. Sướng quá! Năm sau ông mở rộng diện tích lên 1,5ha và trồng giống mía mới, nhưng vì không biết được kỹ thuật, lại không có vốn nên cây mía không phát triển. Có vụ, khi thu hoạch xong chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình và trả bớt một phần nợ vay cho ngân hàng… Sau những vụ mùa thu nhập thấp, Ma Giảng lại trăn trở làm sao để cho cây mía phát triển tốt và năng suất cao?.
Từ đó, ông quyết tâm tìm tòi học hỏi kỹ thuật trồng mía cho năng suất cao. Các mô hình giới thiệu giống mía mới cũng như các lớp tập huấn do huyện tổ chức tại xã ông đều tranh thủ tham gia và áp dụng cho ruộng mía nhà mình. Sau mỗi lần như vậy, ông lại rút ra một kinh nghiệm và cây mía nhà ông dần được cải thiện, năng suất vụ sau luôn cao hơn vụ trước. Năm 2007, Ma Giảng đã mạnh dạn vay vốn chương trình cho vay hộ gia đình SXKDVKK 20 triệu đồng từ NHCSXH huyện Sơn Hòa để mua thêm bò lai Sin, tiền vốn còn lại ông đầu tư phân bón, thuốc diệt cỏ và giống mới. Từ đây, ông đã có thêm bò để cày đất và khai hoang mở rộng diện tích mía lên 5ha, 10ha rồi 16ha. Ba năm trở lại đây, Ma Giảng đã có đủ kinh nghiệm và kiến thức kỹ thuật trồng mía, ông thay bằng giống mía tím và bón phân 2 đợt vào thời kỳ có nước, có độ ẩm cao. Trong quá trình sinh trưởng của cây mía ông luôn làm sạch cỏ, chăm sóc đúng quy trình khoa học kỹ thuật nên năm nào mía của gia đình cũng phát triển tốt và sản lượng năm sau tăng hơn năm trước. Vụ mía năm 2009 với giống mía tím năng suất đạt 85 tấn/ha thu nhập 150 triệu đồng. Năm 2010, ông thay bằng giống K92 năng suất đạt tới 100 tấn/ha, sau khi trừ chi phí ông thu lãi 200 triệu đồng. Hết năm 2011, 6ha mía của ông cho thu nhập khoảng 250 triệu đồng. Ông cười sung sướng bảo: “Có được như hôm nay là nhờ vốn vay ngân hàng cả đấy!”.
Đến giấc mơ làm giàu...
Do tập quán canh tác lạc hậu từ bao đời nay của người Chăm rất khó thay đổi. Cho nên, mấy năm trước mặc dù, cán bộ NHCSXH tuyên truyền vận động cho vay vốn giúp bà con làm ăn, nhưng họ phân vân vì chưa biết sử dụng tiền vay làm vào việc gì. Thấy vậy, Ma Giảng đã dành thời gian thường xuyên đi đến từng nhà để giải thích cho họ thấy giá trị của việc trồng cây mía và cây lúa nước so với cây lúa rẫy và thực tế làm ăn của gia đình ông. Bằng sự kiên trì và tấm lòng chân thực ông giải thích mãi rồi bà con cũng hiểu và làm theo, nhiều hộ mạnh dạn xin vay vốn của NHCSXH để làm ăn. Hơn 10 hộ gia đình người Chăm trong làng còn được Ma Giảng giúp từ 3 đến 5 triệu đồng tiền vốn không lấy lãi. Đồng thời, ông cũng hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc mía, làm lúa nước nên bà con đã biết làm ăn có của dư của để, có nhà xây khang trang. Cuộc sống dân làng đã đổi thay rất nhiều so với trước.
Ông Sô Quốc Hùng - Chủ tịch Hội ND xã Sơn Phước cho biết: “Chúng tôi rất thán phục ông Ma Giảng, từ một nông dân nghèo khổ nhất làng mà bằng ý chí, nghị lực và vốn vay NHCSXH ông đã trở thành người giàu có, một điển hình nông dân sản xuất giỏi cấp huyện. Và nhờ có vốn của NHCSXH cùng với sự giúp đỡ của Ma Giảng mà nhiều người dân trong làng đã biết cách làm ăn và thoát khỏi đói nghèo. Điều đáng mừng là ý thức sử dụng vốn vay đúng mục đích và trả nợ vay, trả lãi đúng, hiện nay các tổ viên Tổ TK&VV trong xã ai cũng tham gia gửi tiền tiết kiệm tại NHCSXH, được nhiều lợi ích lắm, vừa có tiền tiết kiệm, lúc đến hạn trả nợ lại có một khoản khá khá trả cho ngân hàng để ngân hàng cho các hộ khó khăn hơn được vay.”
Còn Ma Giảng thì vui mừng khoe: “Gia đình tôi đã tích lũy được một số vốn kha khá hiện đang gửi tại ngân hàng. Vừa rồi tôi cho con gái 30 triệu đồng để xây nhà ở riêng. Cho anh con trai út đi học lái xe ô tô để năm 2012 mua xe tải kinh doanh vận chuyển hàng hóa, vận chuyển mía cho bà con dân làng bán cho nhà máy đường Sơn Hòa được thuận tiện hơn”.
Năm mới Nhâm Thìn 2012, Ma Giảng đã bước sang tuổi 60, do lăn lộn với cuộc sống nên trông ông khắc khổ và già hơn tuổi rất nhiều. Nhưng bù vào đó là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao nhất là mơ ước làm giàu của Ma Giảng đã thành hiện thực.
Quang Lâm