Xử lý nợ xấu: Sẽ khó khăn vì các ngân hàng thiếu minh bạch
Đăng ngày: 09/26/2013Hãng kiểm toán Ernst&Young vừa tổ chức hội thảo giới thiệu báo cáo “Kết quả khảo sát ngân hàng tại các thị trường mới nổi năm 2013, xu thế toàn cầu và vấn đề của ngân hàng Việt Nam”, trong đó đưa ra nhiều nhận định đáng chú ý về lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam.
Ông Victor Ong (phải) và các chuyên gia của Ernst&Young tại cuộc gặp mặt báo chí chiểu 26/9
Bên lề hội thảo, các chuyên gia phân tích và tư vấn của hãng là ông Victor Ong, lan Baggs và Steven Lewis đã có cuộc trao đổi cởi mở với báo giới về chủ đề xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Theo các chuyên gia, hiện có tình trạng số liệu về nợ xấu tại Việt Nam không chính xác do các ngân hàng không thật sự minh bạch thông tin.
Tuy vậy, các chuyên gia này cũng cho rằng: số liệu nợ xấu không minh bạch không phải là chuyện riêng của Việt Nam, mà là vấn đề mà nhiều quốc gia đang đối mặt.
Trên thực tế, vẫn có những "vùng xám" để ngân hàng lách, nên quá trình xử lý nợ xấu chắc chắn sẽ còn nhiều thách thức. Chính vì vậy, trước mắt Việt Nam cần chuẩn hóa các tiêu chí về nợ xấu, từng bước minh bạch hóa vấn đề này cũng như các số liệu khác về ngân hàng nói chung.
Được hỏi về vai trò và khả năng xử lý nợ xấu của Công ty quản lý tài sản quốc gia (VAMC), các chuyên gia cho rằng công ty sẽ hoạt động tương tự như bộ phận xử lý nợ xấu của các ngân hàng, khác chăng là có trường hợp công ty này sẽ phải đàm phán đồng thời đối với nhiều ngân hàng cho một khoản nợ nào đó.
"AMC không có áp lực về lợi nhuận, nêncó thể thực hiện được công việc đó một cách tốt nhất. Gần đây có quan ngại liên quan đến việc vốn điều lệ của công ty là quá thấp so với lượng nợ xấu trên thị trường, tuy nhiên theo chúng tôi vì các khoản nợ sẽ được mua với giá thấp, nên khoảng cách giữa vốn điều lệ và tổng nợ xấu không phải là vấn đề lớn, mà quan trọng nhất vẫn là cách thức xử lý cụ thể", ông Victor Ong nói.
Chuyên gia này cũng nói rằng, các cơ quan quản lý cần đưa ra các điều kiện ngặt nghèo hơn trong việc đánh giá nợ xấu để số liệu được công khai minh bạch hơn nếu muốn thực hiện được mục tiêu đưa nợ xấu về mức 3-4% vào năm 2015.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng xử lý nợ xấu cần được coi là một nhiệm vụ chung, không thể trông cậy hết vào Ngân hàng Nhà nước và VAMC.
"Ở đây cần vai trò của các ngân hàng, doanh nghiệp và các cơ quan liên quan khác. VAMC không phải là chiếc đũa thần mà cần một lộ trình để giải quyết, để có thể tiến hành các hoạt động mua bán có chất lượng", ông Victor Ong nói.
Trong khi đó, ông Steven Lewis cho biết hiện nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến quá trình xử lý nợ xấu của Việt Nam.Tuy nhiên, từ kinh nghiệm tư vấn cho nhiều ngân hàng, các chuyên gia của Ernst&Young nhận thấy các quy định pháp lý hiện hành sẽ là thử thách đối với các nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua bán nợ xấu tại Việt Nam.
Theo ndh.vn