WTO cảnh báo sự gia tăng bảo hộ mậu dịch
Đăng ngày: 15/6/11Các quốc gia thương mại trên thế giới đang gia tăng bảo hộ mậu dịch sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhằm hạn chế xuất khẩu các mặt hàng lương thực và nguyên liệu thô cũng như thiết lập các rào cản nhập khẩu mới.
Trong “Báo cáo đánh giá thái độ bảo hộ của hơn 180 quốc gia trên thế giới” công bố cuối tuần qua, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho rằng những hạn chế đối với xuất khẩu hàng hoá - từ bông của Ấn Độ và lúa mì của Ucraina tới đất hiếm và than đá của Trung Quốc - đều là những mối nguy hại.
Xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng gia tăng đi ngược lại với những cam kết do các nền kinh tế công nghiệp hoá hàng đầu thế giới đưa ra nhằm chống lại chủ nghĩa bảo hộ và ứng phó với những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu mới đây.
WTO nhấn mạnh những hạn chế thương mại trong 6 tháng qua đã rõ ràng gia tăng so với giai đoạn 6 tháng trước đó. Những biện pháp mới nhằm hạn chế xuất khẩu hàng hoá, nhất là các mặt hàng nguyên liệu thô và nông sản, đã được các nước đưa ra với nhiều lý do.
Báo cáo của WTO cho thấy, việc thiếu các quy định toàn cầu về hạn chế xuất khẩu đã dẫn đến sự ra đời của ít nhất 30 “hàng rào” mới được các nước đưa ra trong giai đoạn từ tháng 10/2010-4/2011. Những rào cản này bao gồm hạn ngạch và các mức thuế xuất khẩu.
Bên cạnh các quy định hạn chế xuất khẩu, các quốc gia thương mại cũng ngày càng sử dụng đến những rào cản nhập khẩu phi truyền thống, như thủ tục hải quan rườm rà và các yêu cầu khắt khe hơn đối với lương thực-thực phẩm và sản phẩm liên quan đến sức khoẻ.
Những căng thẳng về giá cả hàng hoá và lương thực, vốn tăng nhanh trong thời gian vừa qua, có thể gia tăng sau các phát hiện nêu trên của WTO. Và vấn đề này có thể sẽ chi phối chương trình nghị sự của các các cuộc họp sắp tới của G20, trong đó có cuộc họp về nông nghiệp vào ngày 22-23/6 và hội nghị các bộ trưởng tài chính G20 từ ngày 14-15/10.
Các quy định thương mại toàn cầu cho phép các thành viên áp dụng biện pháp hạn chế xuất khẩu nếu chúng giúp giảm nhẹ tình trạng thiếu lương thực ở trong nước cũng như các nguy cơ về môi trường, cho dù các hạn chế đó có thể gây tổn hại đến những nước nhập khẩu ròng lương thực và thậm chí gây ra tình trạng thiếu lương thực trầm trọng.