Vùng ven biển Nga Sơn với việc cải tạo đồng cói
Đăng ngày: 23/2/12Vài năm trước, hầu hết đồng cói của huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) bị hoang hóa, nhiều bãi cói bị bồi cao hơn cả mét khiến bà con nông dân dần dần phải bỏ nghề cói, dệt chiếu. Nhiều nhà cày cấy được nhưng chỉ làm tự phát, manh mún, không mang lại hiệu quả.
Từ thực trạng đó, vào năm 2008, UBND huyện Nga Sơn ban hành đề án "phát triển kinh tế vùng cói ven biển giai đoạn 2008 - 2015" và động viên các ngành, nhân dân đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo những vùng hoang hóa và hạ thấp mặt bằng ruộng đất. Theo đó, NHCSXH giải ngân kịp thời hàng tỷ đồng đến tận vùng nguyên liệu cói. Đông đảo hộ nông dân phấn khởi sử dụng vốn vay ưu đãi vào cải tạo đồng cói, làm cho năng suất, sản lượng cói đạt khá cao; thu nhập tương đối ổn định, nhiều hộ thoát hẳn nghèo, khấm khá nhờ trồng cói.
Anh Đào Sĩ Hòe ở thôn 6, xã Nga Tân vui mừng chỉ tay về phía đồng cói xanh ngắt nói: "Tôi vay 30 triệu đồng với lãi suất thấp để đầu tư trồng 8 sào cói. Trước đây vì để đất hoang hóa cỏ dại mọc. 8 sào đất nhưng tính ra mỗi nơi chỉ trồng được một ít, vẻn vẹn gom lại cũng chỉ được 1 sào cói. Được vay vốn ưu đãi tôi đã tiến hành nạo vét lại ruộng, đắp bờ vùng giữ nước ngọt vào đồng và trồng lại 8 sào cói, thu hoạch cho năng suất cao hơn nhiều".
Ông Nguyễn Đức Duy là hàng xóm của anh Hòe trước đây cũng để ruộng hoang, nay nhờ có vốn vay NHCSXH tiếp sức đã gieo cấy cây trồng trở lại. Ông Duy cho biết: "Gần 10 sào cói của gia đình được quy hoạch một chỗ, thuận lợi cho việc tưới tiêu, thu hoạch. Đây là năm đầu thu hoạch song năng suất cao gấp 3,4 lần năm trước, đạt 50 - 60 tạ/ha, giá bán khá cao, từ 18 - 20 nghìn đồng/kg cói. Nếu không có chủ trương cải tạo đồng ruộng của huyện và đồng vốn vay kịp thời của NHCSXH làm bà đỡ thì bà con vùng biển chúng tôi còn lâu mới thoát nghèo khó, ổn định cuộc sống được".
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn Triệu Văn Phương: Hiện tại 8 xã ven biển trong tổng số 27 xã, thị trấn thuộc huyện Nga Sơn đã sử dụng hơn 1,5 tỷ đồng vốn vay của NHCSXH với 800 lượt hộ vay trong 3 năm qua đã chuyển diện tích lúa xen cói sang trồng cói hiệu quả là 375ha, cải tạo hạ thấp mặt bằng để trồng 810ha cói. Từ khi có vốn ưu đãi trợ giúp, diện tích cói 2 vụ toàn huyện tăng lên 3.278 ha, năng suất 79,5 tấn/ha, sản lượng đạt 32 nghìn tấn. Việc tăng vốn cho vay của NHCSXH đã giúp cho đề án cải tạo đồng cói Nga Sơn thành công, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân ven biển.
Lê Việt Tùng