Vùng lũ hồi sinh
Đăng ngày: 7/2/12Đầu Xuân về vùng rốn lũ của tỉnh Quảng Bình, chúng tôi thật sự ấn tượng bởi trên gương mặt của mỗi người, mỗi nhà đều bừng lên sắc diện mới, có lẽ sắc Xuân về đã thổi vào đó một luồng sinh khí an bình.

Chính sách thiện tâm
Các huyện Lệ Thủy, Minh Hóa, Quảng Trạch, Tuyên Hóa được coi là “túi nước” của tỉnh Quảng Bình nên “đến hẹn lại lên” khi những cơn mưa xối xả đổ xuống, những cơn gió quật ràn rạt trên mái nhà... thì lòng người dân lại thấp thỏm lo âu.
Chị Nguyễn Thị Phương, ở huyện Lệ Thủy, cho biết: “Thiên tai khó lường, Lệ Thủy lại là vùng thấp trũng nên thường xuyên ngập lụt, theo đó nước lũ còn cuốn trôi tất cả mùa màng của bà con trên bãi, trên đồng. Sau lũ bà con phải đào sâu cuốc bẫm, chăm sóc cây trồng mới mong bù đắp lại thiệt hại, ổn định đời sống. Ngoài sự nỗ lực của bà con thì nguồn vốn vay hỗ trợ khôi phục sản xuất sau lũ của NHCSXH đã giúp những gia đình bị thiệt hại vươn lên trong cuộc sống...”
Với phương châm XĐGN và đảm bảo ASXH nên trước những khó khăn của người dân vùng lũ, NHCSXH đã tiến hành cho khoanh nợ, giãn nợ và tạo điều kiện vay vốn khôi phục sản xuất. Bằng chính sách thiện tâm này, những hộ bị thiệt hại dưới 40% sẽ được đầu tư thêm vốn, gia hạn nợ. Với hộ thiệt hại từ 40 - 80% sẽ khoanh nợ tối đa 3 năm và những hộ thiệt hại trên 80% sẽ khoanh nợ tối đa 5 năm. Điều này có nghĩa là, trong 3 - 5 năm tới, người dân chưa phải trả nợ và lãi. Sau thời gian khoanh nợ, nếu hộ gia đình tiếp tục khó khăn, ngân hàng có thể khoanh nợ thêm 1 kỳ 5 năm nữa. Cùng với ngân hàng, các tổ chức hội, đoàn thể cũng đã góp sức để nguồn vốn vay đến được tận tay đối tượng bị thiệt hại.
Chúng tôi được biết từ đầu năm 2011 đến nay, NHCSXH đã quan tâm chỉ đạo và bổ sung chỉ tiêu kế hoạch dư nợ để chi nhánh cho vay các chương trình khắc phục hậu quả lũ lụt 2012: Hộ nghèo, NS&VSMTNT và cho vay hộ gia đình SXKDVKK với số tiền 45 tỷ đồng để bà con khắc phục hậu quả lũ lụt. Hiện tổng số hộ thuộc diện cho vay của NHCSXH là 6.056 hộ, như vậy bình quân mỗi hộ vay được 8 triệu đồng, với tổng nhu cầu vốn cho vay là 48.448 triệu đồng. Và dự kiến phân giao bổ sung chỉ tiêu kế hoạch dư nợ năm 2012 đối với chương trình cho người dân vay khôi phục sau lũ lụt các địa bàn như sau: Huyện Minh Hóa 3 tỷ đồng, Tuyên Hóa 5 tỷ đồng, Quảng Trạch 15 tỷ đồng, Bố Trạch 8 tỷ đồng, Đồng Hới 3 tỷ đồng, Quảng Ninh 5 tỷ đồng và Lệ Thủy 6 tỷ đồng.
Ấm lòng người dân vùng lũ
Từ những con số ấn tượng trên, chúng tôi đã có cuộc hành trình xuống tận các xã bị lũ lụt trong thời gian vừa qua để cảm nhận sự hồi sinh của người dân ở những vùng rốn lũ trên địa bàn tỉnh.
“Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của các nhà hảo tâm, và nguồn vốn vay từ NHCSXH để bà con sửa sang lại nhà cửa, mua giống gieo trồng, phân bón, chăn nuôi thì gia đình tôi khó mà vươn lên được. Ngoài ra, gia đình tôi còn được vay thêm khoản vay hỗ trợ HSSV để mấy đứa con đi có điều kiện theo học đại học, cao đẳng, cuộc sống gia đình tôi đang dần ổn định, con cái không còn lo phải nghỉ học giữa chừng nữa. Sắp tới tôi dự kiến xin ngân hàng vay thêm một món vay nữa để sửa sang nhà ở”, anh Võ Quốc Đạt, thôn Lộc Hạ, xã An Thủy (Lệ Thủy) tâm sự.
Anh Đặng Văn Tài, 35 tuổi, ở thôn Lộc Thượng cho biết: “Sau khi bão tan, lũ xuống... về nhà chỉ còn đống đổ nát. May nhờ nguồn vốn cho vay nhà ở, phục hồi sản xuất sau lũ của NHCSXH huyện Lệ Thủy, tôi vay 18 triệu đồng, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, bà con, người thân... vợ chồng tôi dựng lại ngôi nhà mới vững chãi và cao ráo hơn. Còn dư ra được chút tiền để mua cây giống, con giống khôi phục sản xuất trong gia đình. Tết này, có nhà mới rồi, cả nhà vui lắm, dù mưa nắng cũng bớt phải âu lo...”. Người xưa có câu “An cư mới lạc nghiệp”, chính vì có được nơi ăn ở ổn định vợ chồng anh Tài thấy yên tâm để chăm chỉ sớm hôm làm lụng nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.
Ngôi nhà được xây dựng sau lũ
đã giúp gia đình anh Đặng Văn Tài ổn định cuộc sống
Rời nhà anh Tài chúng tôi tìm đến trang trại chăn nuôi của anh Trần Văn Nghiệp ở huyện Lệ Thủy. Nói là trang trại nhưng gia đình anh Nghiệp chỉ có một ao nuôi mấy trăm con cá trắm, mè, rô phi... và một đàn vịt chạy đồng. Nhưng chỉ trong một đêm lũ về thế là cả gia tài mà gia đình anh Nghiệp tằn tiện, gom góp đều trôi theo dòng nước hung dữ. Tưởng là tay trắng không có chỗ để bấu víu nhưng nhờ 25 triệu đồng vốn vay ưu đãi hỗ trợ sau lũ của NHCSXH mà Tết này nhà tôi vui vẻ, ấm cúng hơn. Đã có cá, có vịt... bán trang trải nợ nần, đồng thời dư được một ít tiền để mua sắm cho ngày Tết và làm mâm cỗ cúng ông, bà được chu đáo hơn.
Thật kỳ diệu khi đồng vốn ưu đãi của NHCSXH như những “cánh én” đem đến mùa Xuân ấm áp và hạnh phúc cho nhiều gia đình khó khăn của vùng ngập lụt. Hy vọng trong năm mới nguồn vốn chính sách sẽ tiếp tục là “bà đỡ” gần gũi của người nghèo trong hành trình xây dựng quê hương Quảng Bình ngày càng giàu đẹp.
Phương Hiền