Vốn về vững chãi vùng biên giới
Đăng ngày: 3/2/12Cùng với sự đầu tư, hỗ trợ từ nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác, nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH đang tạo thêm động lực để bà con nhiều vùng biên giới vượt khó khăn vươn lên cuộc sống no ấm, khá giả.
Nguồn vốn ưu đãi là điều thể hiện rõ nét nhất sự quan tâm của Chính phủ đối với đồng bào vùng cao, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới.
Thoát nghèo bền vững
Hạ Lang (Cao Bằng) là huyện nghèo hưởng chính sách đầu tư theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Trong số 14 xã, thị trấn của huyện thì có tới 8 xã giáp biên giới. Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, các địa phương trong huyện, đặc biệt là các xã vùng biên đang từng bước đổi thay. Dòng vốn ưu đãi của NHCSXH đã và đang góp phần tạo nên những mô hình giảm nghèo bền vững.
Một ngày đầu Xuân Nhâm Thìn khi những tia nắng sớm đã kịp làm khô mặt lá, anh Hoàng Văn Nghiệp, ở xóm Bản Lung, xã biên giới Đồng Loan, huyện Hạ Lang lách cách mở cửa chuồng thả đàn dê hơn 50 con đi ăn. Nhiều người trong bản ngoài xã đều biết rằng, gia đình anh Nghiệp đã thoát nghèo nhờ mô hình nuôi dê. “Mình gây dựng đàn dê này từ số tiền 15 triệu đồng vay của NHCSXH. Với số tiền đó, mình mua được 16 con dê giống. Dê rất dễ nuôi lại mắn đẻ nên chẳng mấy lúc mà có cả một đàn đông đúc...”. Đồng bào dân tộc nói không quá lời. Từ đàn dê 16 con ban đầu, chỉ sau 3 năm anh Nghiệp phát triển lên tới 60 - 70 con. Năm nào anh cũng có dê để bán, khi thì khách mua buôn mang sang biên giới, lúc thì khách từ dưới Bắc Kạn về gom. Trừ đi số anh bán, số anh chia đàn gây giống cho bà con trong xã, hiện đàn dê của gia đình anh vẫn còn tới 50 con. Sau khi trả vốn gốc và lãi của món vay 15 triệu đồng năm nào, hiện anh Nghiệp đang được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng vốn chương trình hộ gia đình SXKDVKK. Theo ông Hoàng Anh Thơ - Chủ tịch UBND thì toàn xã Đồng Loan chỉ có vài chục ha lúa nước và cũng chủ yếu cấy được vụ mùa. Vốn ưu đãi từ NHCSXH chủ yếu được bà con trong xã dùng để mua máy cày, máy bừa, đầu tư phát triển sản xuất như trồng rừng kinh tế; chăn nuôi gia súc như trâu, bò, lợn, dê... Mô hình phát triển đàn dê thịt hàng hoá đang phát triển và tỏ ra phù hợp với điều kiện nhiều thôn, bản núi đã khó khăn, thiếu nước ở xã biên giới Đồng Loan. Chỉ trong vòng vài năm, toàn xã đã phát triển được vài chục đàn dê với mức bình quân 20 con/đàn/hộ.
Xã Quang Long cũng là xã giáp biên giới của huyện Hạ Lang. Ông Triệu Văn San - Chủ tịch Hội ND xã cho biết, toàn xã có diện tích trồng ngô rất lớn tới gần 900ha. Chính vì nguồn ngô hạt, phụ phẩm từ cây ngô dồi dào nên ở đây nhiều năm nay bà con có nghề nuôi lợn, vỗ béo trâu, bò. Nhiều hộ đã sử dụng rất hiệu quả vốn vay ưu đãi của NHCSXH để chăn nuôi vỗ béo trâu, bò. Trâu, bò gầy được bà con mua với giá thấp ở các nơi về nuôi vỗ béo từ 1 - 3 tháng thì được bán với giá cao. Anh Lý Văn Sậy ở thôn Luông Duối vay 25 triệu đồng chương trình cho vay hộ gia đình SXKDVKK năm 2009 để đầu tư chăn nuôi lợn thịt và bò sinh sản. Anh khoe: “Kinh tế gia đình giờ ổn rồi. Bò nuôi béo được giá là bán thôi. Ngoài số đã bán, gia đình mình vẫn còn 5 con bò đẹp, sinh sản tốt...”.
Vùng biên thêm vững chắc
Nói về tác động của các chương trình tín dụng ưu đãi từ NHCSXH, ông Hoàng Anh Thơ, Chủ tịch UBND xã Đồng Loan cho biết: “Các chương trình tín dụng ưu đãi đã góp phần đảm bảo ASXH của một xã biên giới như Đồng Loan. Bên cạnh nguồn vốn cho vay hộ nghèo thông thường, cho vay hộ gia đình SXKDVKK, thì chương trình cho vay hộ nghèo theo Nghị quyết 30a với mức 5 triệu đồng/hộ không lãi; chương trình 167 cho vay làm nhà ở đã kịp thời động viên, chia sẻ khó khăn với đồng bào nghèo vùng cao...”. Theo chân ông Thơ, chúng tôi vào thăm gia đình anh Triệu Văn Thống ở bản Mèo. Cuối năm 2010, vợ chồng anh Thống đã thay được ngôi nhà dột nát bằng căn nhà mái ngói, tường cứng khang trang. Căn nhà của vợ chồng anh Thống được xây dựng và hoàn thiện nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và bà con lối xóm, trong đó NHCSXH cho vay 8 triệu đồng, vốn ngân sách Trung ương, địa phương và doanh nghiệp hỗ trợ 27 triệu đồng. Bà con, anh em trong thôn, xóm dòng họ người cho tiền, người góp công, nguyên vật liệu. Với cách làm đó, những năm qua trên địa bàn huyện biên giới Hạ Lang đã có hàng nghìn hộ nghèo được xây nhà kiên cố từ nguồn vốn của chương trình 167.
Khi điều kiện kinh tế đã bớt khó khăn, các hộ vay vốn ưu đãi đã bắt đầu làm quen với hình thức tiết kiệm của NHCSXH. Anh Nông Văn Phệ, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Luông Duối, xã Quang Long chia sẻ: “Phát triển nghề vỗ béo trâu, bò, có thu nhập được cải thiện nên bà con vận động nhau thực hiện tiết kiệm và gửi tiền tiết kiệm cũng dễ dàng, bình quân mỗi hộ vay vốn có một khoản tiết kiệm tại NHCSXH. Chúng tôi xác định, món tiền gửi ngân hàng cũng là hình thức tích cóp và tạo thói quen chi tiêu, sử dụng tiền bạc hợp lý...”. Tỉnh Cao Bằng có 311km đường biên. Tính đến nay, nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã đến được tất cả các thôn, xóm, bản, xã vùng biên. Ông Phan Thông - Chủ tịch Hội ND tỉnh Cao Bằng cho biết: “Nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH không chỉ giúp hàng chục nghìn hội viên Hội ND có vốn đầu tư sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt mà còn góp phần giúp các hội, đoàn thể tham gia uỷ thác củng cố, kiện toàn tổ chức, cán bộ hội, đoàn thể có điều kiện vận động nhân dân, nhất là ở các xã vùng biên giới tốt hơn. Khi điều kiện kinh tế từng bước được cải thiện, thì tình hình an ninh, trật tự vùng biên càng thêm vững chắc”.
Điều ông Thông thổ lộ càng được chúng tôi thấy rõ khi lên thăm xã biên giới Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Xã có 16,5km đường biên giới giáp với nước bạn Trung Quốc. Nếu như trước đây là một trong nhiều xã nghèo nhất thì nay Bản Lầu lại là một trong số ít xã thuộc diện trù phú bậc nhất của huyện Mường Khương. Tất cả đều nhờ sự nhạy bén, chịu khó học hỏi, áp dụng mô hình mới, kiến thức KHKT mới vào công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nền nông nghiệp hàng hoá điển hình.
Có vốn sản xuất, bà con các dân tộc vui mừng đón Tết. Xuân này khá giả lại có thêm tiền gửi tiết kiệm, dành dụm chi tiêu
Đến Bản Lầu không ai không trầm trồ nức nở khen trước các cánh đồng chuối xanh bạt ngàn, đều tăm tắp, những nương dứa gai đầy những quả ngọt và những rừng cao su đang hứa hẹn cho những mùa thu hoạch tốt. Sự trù phú của xã Bản Lầu không thể không nói tới sự có mặt của nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH. Cách đây hơn 3 năm anh Thào Dùng, ở thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu còn thuộc diện hộ nghèo. Được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng đầu tư trồng dứa và chuối, sau 3 năm, gia đình anh không chỉ trả hết vốn vay mà còn tích luỹ được nguồn vốn để gửi tiết kiệm, đầu tư tái sản xuất. Cốc Phương là bản trồng chuối mô, dứa đầu tiên của xã Bản Lầu. Cả bản có 47 hộ dân tộc Mông, nhờ chuối, dứa mà hiện nay bản không còn hộ nghèo. Xã đã xuất hiện hàng chục hộ triệu phú, tỷ phú chuối, dứa, như các hộ ông Thào Diu, Thào Chính Minh, Thào Dì, Vàng Seo Dìn... Ông Phạm Đăng Thế - Chủ tịch Hội ND xã Bản Lầu khẳng định, việc xây nhà lầu đối với các hộ giàu ở Bản Lầu là chuyện nhỏ. Đã có vài hộ mua xe hơi... Nhiều triệu phú, tỷ phú ở xã Bản Lầu với nhà cao cửa rộng, thậm chí sắm được xe hơi láng coóng vốn xuất thân từ hộ nghèo. Và đồng vốn ban đầu họ gây dựng nên những rừng chuối mô, nương dứa gai, rừng cao su lại là vốn vay từ NHCSXH...
Với sự tác động tích cực của nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, Bản Lầu đang từng ngày thay da đổi thịt, đang tiến gần tới nhiều tiêu chí đạt được trong xây dựng nông thôn mới. Nhưng điều quan trọng nhất khi khách ở xa về thăm Bản Lầu là không khí an bình nơi vùng biên từng một thời nghèo khó này. Thiếu tá, Đồn phó quân sự Đồn biên phòng Bản Lầu Nguyễn Đình Tuất tâm sự: “Kinh tế phát triển, đời sống của bà con tăng lên nên ai cũng hay lam hay làm. Dân làm không hết việc, thanh niên khoẻ mạnh một ngày chặt chuối, chặt dứa, vận chuyển chuối, dứa cũng có mấy trăm nghìn đồng. Thu nhập tốt, công việc có quanh năm nên thanh niên ở đây tránh được cảnh “nhàn cư vi bất thiện”.
Phương Đông