Vốn về đất đồng chiêm
Đăng ngày: 17/2/12Đội Bình là xã đồng chiêm trũng huyện Ứng Hòa, ngoại thành Hà Nội, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhưng vay vốn ngân hàng - đặc biệt đối với NHCSXH không có hiện tượng xâm tiêu, không có nợ quá hạn. Nhà nhà sử dụng vốn vay có hiệu quả.
Đó là chị Nguyễn Thị Nguyên ở thôn Triều Khê. Nhà có 1,2 mẫu ruộng, nuôi 2 con ăn học, chồng bị bệnh tiểu đường độ 3 quanh năm túng thiếu. Tháng 5/2011, chị được NHCSXH cho vay 15 triệu đồng. Làm gì cho đồng tiền sinh lãi? Được Tổ TK&VV tư vấn, chị mua 1 con bò, 1 lợn nái. Bò dùng để cày kéo, lợn nái mỗi lần đẻ chị để lại 1 con - nuôi lợn thịt. Số tiền còn thừa sau khi mua bò và lợn, chị làm thêm nghề đậu phụ, vừa có hàng bán có thu nhập hàng ngày, vừa tận dụng được phụ phẩm phục vụ chăn nuôi. Giáp tết năm ngoái, chị bán được gần 1 tấn lợn, có tiền trang trải thuốc thang cho chồng, giấy bút cho con học hành. Tết Nhâm Thìn giảm bớt được gánh nặng khó khăn.
Vợ chồng chị La Thị Nga ra ở riêng, bố mẹ nội ngoại đều nghèo khó không có gì cho con; gia sản vẻn vẹn chỉ có 1,2 sào ruộng. Tháng 4/2011, được ngân hàng cho vay 15 triệu đồng vốn XĐGN. Hai vợ chồng nuôi gà, vịt, đào ao thả cá, dăm ba tháng bán được 1 lần, thu lãi 5 - 7 triệu đồng. Có sức khỏe, trẻ; thuận vợ, thuận chồng chị Nga thuê thêm 6 - 7 sào ruộng, mùa nào thức đó trồng rau, màu, mỗi vụ thu về trên dưới 10 triệu đồng. Tổ trưởng Tổ TK&VV Dương Thị Thực nhận định: nhờ đồng vốn khởi động của ngân hàng, chẳng bao lâu nữa vợ chồng chị Nga sẽ thoát nghèo.
Có vốn vay của NHCSXH, năm 2012 - năm con Rồng, nông dân Đội Bình đề ra mục tiêu: các hộ nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo một cách bền vững. Nhiều nông dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Được ngân hàng cho vay 13,5 triệu đồng (giải quyết khó khăn đột xuất) anh Đặng Văn Hiền dồn điền, đổi thửa chuyển ruộng thành vườn trồng cây cảnh. Mới được hơn một năm, kết quả thu về chưa nhiều, nhưng nhìn vườn cây ai cũng thích. Anh Hiền quả quyết rằng: trồng cây cảnh hiệu quả hơn làm ruộng; chỉ 1 - 2 năm nữa anh sẽ thoát khỏi danh sách "hộ nghèo", vươn lên làm ăn khá.
Ở Đội Bình nhiều nông dân lập trang trại, nhưng có lẽ lớn nhất và có hiệu quả nhất là trang trại ông Đặng Đình Thông ở thôn Ngoại Độ. Từ năm 2004, ông Thông đã biết đấu thầu đồng trũng, ruộng bậc thang đào đất đắp bờ, lập trang trại chăn nuôi lợn. Với diện tích trên 2ha, ông chia trang trại làm 3 khu vực chăn nuôi khép kín, từ nuôi lợn sề đến lợn sữa tách mẹ và cuối cùng khu lợn thịt. Diện tích còn lại 4 mẫu ao, ông thả cá. Ngoài ra còn nuôi thêm hàng trăm con ngan, gà. Hỏi về kết quả SXKD, ông Thông khiêm tốn kể: làm trang trại vất vả lắm, 1 - 2 năm đầu lo kiến thiết cơ bản, tiếp đến tính chuyện làm ăn, nhưng đầy rủi ro vì dịch bệnh, thiên tai và thị trường. Cái khó lớn hơn là thiếu vốn. Nhìn trang trại bề thế, nhưng năm 2010, tôi hòa vốn, nói đúng hơn lãi không đáng kể. Đang lo thất bại, thì tháng 8/2011 NHCSXH cho vay 200 triệu đồng (vốn GQVL), thời hạn 2 năm, lãi suất 0,65%/năm. "Thoát hiểm", tôi vay tiếp NHNo&PTNT 500 triệu đồng đầu tư vào trang trại. Năm rồi, chăn nuôi được mùa, được giá, thu lãi gần 1 tỷ đồng.
"Nhờ NHCSXH nhiều nông dân được "cứu sinh". Tôi đang cố gắng làm ăn để sớm trả hết nợ NHNo&PTNT vì lãi suất quá cao. Theo tôi, lãi suất Ngân hàng thương mại chỉ nên ở mức vừa phải, những nông dân làm ăn như tôi mới có lãi" - ông Thông đề nghị.
Hồ Khánh Thiện