Vốn tín dụng chính sách ở vùng cao Trung Sơn
Đăng ngày: 16/2/12Là xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Phú Thọ, địa hình phức tạp, đời sống người dân ở xã Trung Sơn, huyện Yên Lập còn nhiều khó khăn, chủ yếu là tự cấp tự túc, mùa giáp hạt vẫn thiếu đói.

Hiện nay, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã đến được nông dân ở 15 khu hành chính, là đòn bẩy quan trọng phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, phục vụ hiệu quả đời sống đồng bào DTTS vùng đặc biệt khó khăn, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, nhiều HSSV được đi học đại học, cao đẳng…
Toàn xã Trung Sơn có 1.255 lượt hộ thuộc diện đối tượng chính sách đang vay vốn tại NHCSXH huyện, với tổng dư nợ 10,516 tỷ đồng thông qua 20 Tổ TK&VV của 2 đơn vị nhận ủy thác (Hội ND, Đoàn TN). Trong đó, có 238 hộ nghèo với dư nợ 2,952 tỷ đồng; 141 hộ HSSV có hoàn cảnh khó khăn dư nợ 983 triệu đồng; 482 hộ SXKD VKK dư nợ 3,694 tỷ đồng; 89 hộ đồng bào DTTS vùng đặc biệt khó khăn dư nợ 440 triệu đồng; hỗ trợ về nhà ở 304 hộ, 2,432 tỷ đồng và 1 trường hợp đi XKLĐ. Ông Lê Thế Hùng - Phó giám đốc NHCSXH huyện cho biết: Dư nợ cho vay các đối tượng chính sách ở xã Trung Sơn ngày càng tăng, chất lượng tín dụng tốt, không có nợ quá hạn. Theo tính toán, từ năm 2009 trở lại đây, tổng số hộ vay vốn và dư nợ tăng gần 4 lần, số HSSV có hoàn cảnh khó khăn được đi học tăng hơn 4 lần, số hộ SXKD VKK tăng gần 19 lần... Nếu như trước đây, người dân thường vay theo các món nhỏ 3 - 7 triệu đồng (chủ yếu để đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm) thì nay đã mạnh dạn vay 15 - 30 triệu đồng (trồng rừng keo, quế, bương), nhiều hộ xin vay với hạn mức cao hơn để phát triển sản xuất...
Anh Triệu Tài Dương, dân tộc Dao ở xóm Thành Xuân cho biết: "Là hộ nghèo, tôi đã mạnh dạn vay tiền của NHCSXH đầu tư mua trâu, xóa nhà tạm. Ngoài hơn 1 sào ruộng vỡ hoang, tôi trồng được 1ha rừng, nuôi thêm lợn, gà để tăng thu nhập...". Anh Đinh Văn Lâm - Bí thư Đoàn TN xã cho biết: "Từ năm 2006, Đoàn TN tham gia nhận ủy thác nguồn vốn của NHCSXH. Hiện nay, Đoàn TN xã có 10 Tổ TK&VV, nguồn vốn chính sách cấp đều, 3 - 4 lần/năm". Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo xã cho biết: Từ hơn 10 năm nay, nguồn vốn ngân hàng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với đồng bào. Nguồn vốn của NHCSXH đã đầu tư chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, đời sống người dân tăng lên rất nhiều so với trước đây. Hiện nay, trong xã đã xuất hiện một số mô hình VAC cho thu nhập khá như ở xóm Cả, Sặt, Đồng Măng...
Nguồn vốn nào của Nhà nước cũng là hữu ích, đặc biệt càng quan trọng hơn với đồng bào người dân tộc ở Trung Sơn, trong thời gian tới NHCSXH tiếp tục cho vay theo các chương trình, tập trung vào phát triển sản xuất, mua máy móc nông nghiệp, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, SXKDVKK, phát triển đại gia súc, trồng rừng, thâm canh tăng năng suất... Hy vọng với sự phối kết hợp của chính quyền xã với ngành ngân hàng, sẽ nhanh chóng giải quyết các vấn đề còn tồn tại, sớm đưa đồng vốn đến tay đồng bào dân tộc và sử dụng có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Nguyễn Quang Minh