Vĩnh Linh có nhiều mô hình trang trại - gia trại cho thu nhập cao
Đăng ngày: 8/11/12Huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) nằm ở vỹ tuyến 17 - nơi có con sông Bến Hải và cây cầu Hiền Lương làm chứng tích của thời kỳ hào hùng đấu tranh thống nhất đất nước, nay đang rất sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp, cũng như có cách làm hay về sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách và đưa tiến bộ KHKT vào xây dựng các mô hình phát triển theo hướng trang trại - gia trại đạt thu nhập cao, giúp người dân thoát nghèo nhanh, bền vững, không ngừng cải thiện đời sống.
Phân tích nguyên nhân đạt kết quả trên, ông Lê Văn Hiền - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh cho biết, nhờ chú trọng đổi mới việc cho vay, sử dụng vốn vay ưu đãi, thực hiện tốt công tác quy hoạch cải tạo đồng ruộng, dồn điền đổi thửa để tạo điều kiện cho từng làng xã, từng hộ gia đình tận dụng khai thác điều kiện tự nhiên, đất đai và nguồn lực để phát triển sản xuất theo hướng tập trung, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Nhờ cách làm sáng tạo, đa dạng, đặc biệt có sự tác động thiết thực của hơn 200 tỷ đồng vốn ưu đãi, vùng đất lịch sử này đã xuất hiện các mô hình tiêu biểu, cho thu nhập cao, được nhiều nơi tìm đến nghiên cứu, học tập như mô hình lúa - cá - lúa; lúa - cá - heo ở các xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Hòa, Vĩnh Thủy, đạt mức thu nhập tới 80 triệu đồng/ha. Mô hình khoai lang, khoai môn gối vụ sắn dây và lạc đỏ, rau màu trồng trên đất cát nghèo dinh dưỡng ở các xã Vĩnh Chấp, Hướng Lập, Vĩnh Tư vừa chống biến đổi khí hậu, vừa đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Ngoài ra, còn có các vùng chuyên canh như sản xuất lúa lai, nuôi trồng thủy sản dọc ven biển đã đầu tư vốn vay, ứng dụng tiến bộ KHKT thực hiện sản xuất theo hướng thâm canh, hàng hóa, tập trung xây dựng những cánh đồng màu lớn và trang trại, gia trại để giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập.
Ông Trần Đức Luân ở thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn, cho biết: "Việc Nhà nước cho vay vốn ưu đãi thuận lợi, kịp thời đã giúp tôi nuôi tập trung 2ha tôm, năng suất đạt 6 tấn/ha, cuối vụ thu hoạch bán được hàng tỷ đồng, trừ hết chi phí, lãi 300 triệu đồng trong thời gian 3 tháng". 7 năm về trước, ông Luân còn là hộ nghèo và cũng là người đầu tiên của xã Vĩnh Sơn vay vốn ưu đãi đứng ra nuôi tôm sú. Nhờ có chính sách phát triển nông nghiệp và sự hỗ trợ của Nhà nước, tạo điều kiện cho người dân được sở hữu ruộng đất và có vốn làm ăn, nên ông Luân mới có điều kiện, cơ hội thoát nghèo nhanh, làm giàu chính đáng.
Khi hỏi bí quyết nuôi tôm, ông Luân nói ngay là sử dụng vốn vay vào việc mua con giống tốt, cải tạo ao hồ sạch sẽ, hợp vệ sinh thì sẽ cho kết quả khả quan. Ông Trần Quang Mạnh - Chủ tịch Hội CCB xã cho rằng, trước đây việc nuôi trồng hải sản ở Vĩnh Sơn mạnh ai người ấy làm, nhưng từ khi huyện quy hoạch nuôi tôm tập trung, Nhà nước ưu tiên nhiều vốn vay đầu tư cho bà con, phần lớn các hộ nuôi trồng thuỷ sản đều lãi to, hộ ít nhất lãi 100 triệu đồng, có hộ vừa rồi còn lãi cao hơn.
Ông Võ Đức Quảng ở xã miền núi Hướng Lập nhờ có vốn vay làm bà đỡ đã trở thành chủ trang trại có đến 50ha cao su, trong đó 20ha đã được đưa vào khai thác. Bình quân mỗi ngày ông thu 6 tạ mủ nước, mỗi năm khai thác 8 tháng, như vậy cơ ngơi sản xuất của ông có giá trị đến 2 tỷ đồng.
Ông Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh, Lê Văn Hiền cho biết thêm. Ở Vĩnh Linh đã có hàng nghìn nông dân thoát nghèo bền vững, thu nhập cao nhờ phát triển phong phú các mô hình kinh tế nông nghiệp. Quan trọng là chủ trương phát triển nông nghiệp đa dạng của huyện và sự đổi mới trong công tác tín dụng chính sách, ưu tiên đầu tư vốn ưu đãi đã kích thích được sự hưởng ứng của người dân nên họ không ngừng tìm tòi để làm ăn có hiệu quả. Hiện tại bình quân thu nhập của huyện xấp xỉ 21 triệu đồng/người/năm. Vĩnh Linh tập trung phát triển nông nghiệp, phấn đấu nâng thu nhập đến năm 2015, đạt 30 triệu đồng/người/năm và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 5% trong toàn huyện.
Bài và ảnh Đông Dư