Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên hoạt động độc lập?
Đăng ngày: 12/11/10Trái phiếu do Uỷ ban chứng khoán Nhà nước quản lý mà Bộ Tài chính lại là cấp trên của Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Như thế giống như một đại biểu từng nói là "vừa đá bóng, vừa thổi còi".
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) lấy dẫn chứng về vướng mắc của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc điều hành thị trường chứng khoán hiện nay.
Trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán sáng 10/11, mặc dù là vấn đề chuyên ngành, có ít đại biểu đăng ký phát biểu nhưng hầu hết các ý kiến đều thống nhất là nên tăng thêm quyền cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đề nghị nên thành lập Ủy ban Chứng khoán theo mô hình độc lập vì hiện nay 70% các nước trên thế giới, trong đó có 5 nước G7 đang thực hiện theo mô hình này.
“Tôi nhớ ở Quốc hội Khóa XI vào năm 2006 khi thảo luận vấn đề này thì Bộ trưởng Bộ Tài chính lúc đó là đồng chí Nguyễn Sinh Hùng có nói "trước chúng ta hãy tổ chức Ủy ban Chứng khoán này trong phạm vi của Bộ Tài chính đã, sau đó sau năm 2010, khoảng năm 2012 thì chúng ta sẽ tổ chức Ủy ban chứng khoán Nhà nước độc lập chăng", ông Thuyết nói.
Từ kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cũng kiến nghị nên đưa ra một số thẩm quyền và quy trách nhiệm rõ Ủy ban Chứng khoán có quyền và có trách nhiệm chứng minh hành vi làm giá, đầu cơ lũng đoạn trên thị trường.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh |
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, hiện nay trong luật cũng đã trao cho Ủy ban Chứng khoán khá nhiều quyền và Ủy ban Chứng khoán cũng đã có những công việc tương đối độc lập trong quản lý thị trường chứng khoán, đặc biệt từ khâu cấp phép, đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề, cho thành lập công ty và toàn bộ trong việc thanh tra, kiểm tra. Chỉ những vướng mắc lớn thì mới trình lên Bộ tài chính.
Bộ trưởng cũng bày tỏ sự đồng tình với việc trao cho Ủy ban chứng khoán được một số quyền để thẩm định các nghiệp vụ, khi phát hiện ra có thể lũng đoạn chứng khoán hoặc gian lận hoặc nội gián, hiện nay chưa được ghi trong luật.
Về vấn đề có nên giao quyền điều tra cho Ủy ban Chứng khoán không, Bộ trưởng nói: “Rất nhiều uỷ ban chứng khoán khác người ta được trao quyền này, và chúng tôi cũng rất muốn được trao quyền này”.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng không nên ghi là “được điều tra”, mà nên đặt điều kiện là chỉ được điều tra khi có liên quan đến một số các đối tượng có nghi vấn, không phải tất cả. Nếu không sẽ vi phạm vào các quyền khác của công dân, của nhà đầu tư.
Theo Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, vấn đề giao cho Ủy ban Chứng khoán quyền được xác định chứng minh chứng cứ do gian dối, thao túng thị trường chứng khoán thì cũng cân nhắc mối quan hệ giữa thẩm quyền của Bộ quản lý nhà nước và cơ quan trực thuộc.
“Mặc dù mang tính đặc thù nhưng nó liên quan đến một lĩnh vực nhạy cảm đó là quyền bảo mật về thư tín giữa các loại hình thức của thư tín và quyền bảo mật về tiền gửi của dân cư cũng như các tổ chức khác. Cho nên có thể cân nhắc để rồi xác định mức độ như thế nào cho hợp lý”, Phó Chủ tịch QH lưu ý.
Theo Như Mai
Bee