UB Thường vụ Quốc hội: Đề nghị bỏ quy định về thuế đối với nhà
Đăng ngày: 27/05/10Có 13/17 ý kiến của Đại biểu quốc hội phát biểu tại Hội trường tán thành việc chưa quy định về thuế đối với nhà ở.
Chiều qua 25/05, Quốc hội đã nghe Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật thuế nhà, đất.Sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.
Nội dung chính thảo luận tập trung vào 3 nhóm vấn đề:
Thứ nhất, là các đối tượng chịu thuế, không chịu thuế và nghĩa vụ của người nộp thuế, quy định tại Điều 2, Điều 3 và Điều 4;
Thứ hai, là giá tính thuế quy định tại Điều 6;
Thứ ba, về thuế suất và miễn giảm thuế, quy định tại Điều 7, Điều 9 và Điều 10.
13/17 ý kiến của Đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường tán thành
Trong nội dung thứ nhất, đối tượng chịu thuế là nhà ở, có 13/17 ý kiến của Đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường tán thành việc chưa quy định về thuế đối với nhà ở như đề nghị của UBTVQH.
Tuy nhiên, theo ý kiến của đại biểu Cao Thành Văn - Bạc Liêu “nếu đưa được diện nhà đầu cơ cho thuê với mọi hình thức vào để điều chỉnh trong luật này thì tôi nghĩ đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân hơn và cũng tương xứng với công sức của Quốc hội đã dành thời gian nghiên cứu thông qua tại 2 kỳ họp” và đại biểu Phạm Lễ Chi - Quảng Ninh “mong muốn sớm có quy định để điều tiết đối với vấn đề đầu cơ nhà theo hướng có đạo luật về thuế để điều tiết với đối tượng nhiều nhà, nhất là nhà có hoạt động đầu cơ.”
Theo giải trình của UBTVQH trước đó: Hiện có 2 loại ý kiến khác nhau về việc đưa hay không đưa nhà ở vào diện chịu thuế.
Đa số ý kiến ĐBQH chưa tán thành với việc đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế vì: nhà ở là tài sản riêng gắn liền với công sức, sự tích lũy lâu dài của người dân. Mặt khác, Nhà nước hiện đang khuyến khích và ban hành nhiều chính sách phát triển nhà ở cho người dân.
Một số ý kiến cho rằng, việc đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế tại thời điểm hiện nay là cần thiết, nhằm tăng cường công tác quản lý, từng bước điều tiết nguồn thu vào NSNN; hạn chế tình trạng đầu cơ nhà ở.
UBTVQH cho rằng, mặc dù việc áp dụng thuế đối với nhà ở góp phần tăng cường công tác quản lý nhà ở, đất ở, song trước mắt chưa nên đưa nhà ở vào diện chịu thuế vì:
Việc áp dụng thuế nhà ởtại thời điểm hiện nay chưa có sự đồng thuận cao trong nhân dân. Hơn nữa, khi nền kinh tế chưa ổn định, việc áp dụng thuế nhà ở sẽ tác động đến tâm lý và làm tăng thêm nghĩa vụ tài chính đối với một bộ phận người dân;
Một trong những mục tiêu áp dụng thuế đối với nhà ởlà nhằm hạn chế đầu cơ nhà ở, song trên thực tế giá trị nhà ở lại gắn liền với giá trị đất và đầu cơ lại tập trung vào đất, căn cứ vào vị trí, địa thế của đất mà không phải đầu cơ giá trị xây dựng nhà trên đất. Do vậy, để hạn chế đầu cơ thì phải tập trung áp dụng công cụ điều tiết đối với đất;
Áp dụng thuế nhà ở thực chất là áp dụng thuế tài sản. Nếu chỉ áp dụng thuế tài sản đối với nhà ở thì chưa bảo đảm tính hợp lý, công bằng của một sắc thuế;
Dự kiến số thu từ thuế nhà ở cho NSNN không lớn, trong khi đó chi phí cho công tác hành thu lại không nhỏ.
Giá trị nhà bao gồm giá trị xây dựng nhà và giá trị đất tùy thuộc vị trí ấn định
Bộ trưởng Bộ Tài chính, Vũ Văn Ninh – Ban soạn thảo luật: Trước hết, về quan điểm đánh thuế đối với nhà, tôi xin báo cáo trước đây khi ta thiết kế ban đầu cũng có dự kiến đánh thuế với nhà. Khi đó đánh thuế với nhà là đánh thuế trên giá trị của nhà, chúng ta tách nhà riêng và đất riêng. Giá trị nhà này không phải giá trị của nhà bao gồm cả nội thất mà chỉ là giá trị của nhà tính theo m2 sàn xây dựng, có nghĩa là giá trị nhà xây dựng. Sau khi có ý kiến của nhân dân, ý kiến của đại biểu Quốc hội kỳ trước, chúng tôi về nghiên cứu, xem xét một cách cụ thể, trong bản giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu.
Ông lý giải thêm: Nhà gắn với vị trí đất nhất định. Giá trị của nó gồm giá trị sàn xây dựng và giá trị đất.Nhà xây ở gần hồ Hoàn Kiếm, diện tích như nhau, thiết kế như nhau với một cái nhà xây dựng ở ngoại ô Thành phố Hà Nội thì giá trị ngang nhau, tạm thời chúng ta gọi là ngang nhau, có khi xây ở ngoài còn rẻ hơn. Trong khi cũng căn nhà như vậy tại Lai Châu, giá trị nhà có khi đắt hơn do chi phí vận chuyển nguyên vật liệu;
Thứ 2, giá trị khác nhau khi nhà, căn hộ nằm tại vị trí khác nhau. Do đó, chúng ta chủ yếu điều tiết vào đất.
Phó chủ tịch Quốc hội – Nguyễn Đức Kiên phát biểu kết thúc phiên thảo luận về vấn đề thuế nhà: Còn để ngăn chặn đầu cơ thì thuế này chỉ góp một phần, còn rất nhiều biện pháp khác và chính sách thuế khác, trong đó có cả thuế thu nhập cá nhân, thuế tài sản, rồi các quy định và các biện pháp hành chính khác nữa. Với tư cách nhà ở khi giao dịch trở thành hàng hóa sẽ có chính sách thuế liên quan đến giao dịch tài sản” |
Theo Quốc Hội Việt Nam