Tuyên bố của Ủy ban tiền tệ và tài chính quốc tế IMF
Đăng ngày: 30/10/12Ngày 13/10/2012, Ủy ban tiền tệ và tài chính quốc tế (IMFC) của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã thông qua tuyên bố chung với 6 nội dung cơ bản hướng tới những giải pháp quyết liệt để phục hồi sự tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng cho nền kinh tế toàn cầu.
Thứ nhất, IMFC khuyến cáo các nước phát triển cần phải thực hiện các cải cách cơ cấu cần thiết và các kế hoạch tài khóa đáng tin cậy. IMFC cho rằng khu vực đồng Euro đã đạt được những tiến bộ đáng kể, đặc biệt là việc Ngân hàng trung ương Châu Âu quyết định thực hiện các hoạt động tiền tệ quyết liệt và cho ra đời Cơ chế ổn định Châu Âu, tuy nhiên IMFC mong muốn có thêm các biện pháp khác nữa, bao gồm xây dựng kịp thời một liên minh ngân hàng hiệu quả và tài khóa mạnh mẽ hơn để củng cố khả năng linh hoạt của liên minh tiền tệ và đẩy mạnh các cuộc cải cách cơ cấu nhằm thúc đẩy tăng trưởng và tạo công ăn việc làm ở cấp quốc gia. Đối với Mỹ cần tập trung vào vấn đề tài khóa, nâng mức trần các khoản nợ và xây dựng kế hoạch tài khóa toàn diện; trong khi Nhật Bản cũng cần chú trọng công tác củng cố tài khóa trung hạn và đảm bảo nguồn tài trợ cho ngân sách năm nay, IMFC lưu ý.
Thứ hai, hoạt động tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi đang chậm lại, điều đó phản ánh cầu trong nước và ngoài nước yếu đi, và trong một số trường hợp, phải thắt chặt chính sách để đối phó với sức ép lạm phát. Các rủi ro đang tích tụ tại một số quốc gia do giá cả các mặt hàng phi lương thực giảm xuống trong khi giá cả lương thực lại tăng lên. Các quốc gia này cần phải đảm bảo tính linh hoạt trong việc thực hiện các chính sách để hỗ trợ tăng trưởng cho phù hợp với sự cân bằng toàn cầu. Tác động tiềm ẩn từ các chu chuyển vốn xuyên quốc gia có quy mô lớn và không ổn định cần phải được giám sát một cách chặt chẽ. Ngoài ra, IMFC kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các quốc gia ở khu vực này.
Thứ ba, đối với các nước thu nhập thấp, mặc dù tăng trưởng đang ở mức độ cao, vị thế tài khóa và dự trữ của các nước này lại yếu kém và cần phải phục hồi các biện pháp bảo vệ. Trong ngắn hạn, nếu cần thiết IMF phải được cung cấp đủ nguồn lực để hỗ trợ thêm tài chính cho các quốc gia có thu nhập thấp. IMFC hoan nghênh quyết định của Ban giám đốc điều hành IMF trong việc sử dụng 2,7 tỷ đôla Mỹ nguồn lợi nhuận thu được từ việc bán vàng dự trữ làm một bộ phận trong chiến lược để đảm bảo tính bền vững dài hạn cho các thể thức tài trợ ưu đãi của IMF.
Thứ tư, IMFC cho rằng cần thực hiện các chương trình chính sách toàn cầu, trong đó chú trọng tới nhiệm vụ xử lý cuộc khủng hoảng hiện nay và xây dựng một cơ sở vững chắc cho tăng trưởng trong tương lai, các chính sách tạo công ăn việc làm và tăng trưởng, xử lý nợ bền vững, củng cố các hệ thống tài chính và cắt giảm tình trạng mất cân đối toàn cầu. IMFC cam kết củng cố các nguồn lực tăng trưởng trong nước tại các nền kinh tế có ngân sách thặng dư, tăng cường tiết kiệm quốc gia, đồng thời thúc đẩy khả năng cạnh tranh tại các nước thâm hụt ngân sách, và tăng cường tính linh hoạt trong chế độ tỷ giá một cách hợp lý. IMFC khẳng định lại sự cam kết tránh mọi hình thức bảo hộ thương mại và đầu tư.
Thứ năm, IMFC đánh giá cao việc tăng cường khuôn khổ thanh tra giám sát của IMF thông qua việc ban hành Quyết định thanh tra giám sát thống nhất, Chiến lược thanh tra tài chính và xây dựng Báo cáo ngành đối ngoại thử nghiệm.
Cuối cùng, IMFC hoan nghênh công tác cải cách quản trị IMF, bao gồm cam kết cho vay của các thành viên đưa nguồn vốn cho vay sẵn có cho IMF lên tới 461 tỷ đôla Mỹ; tăng cường hoạt động của Ban giám đốc điều hành IMF cùng với các ý kiến đóng góp của các đại biểu thành viên; xác định công thức cổ phần đóng góp.
Từ Khóa: IMF, Quản Trị, Vay, Cho Vay, Ý Kiến, Xác Định, Đóng Góp,