Từ TPCP, tính lại bài toán lãi suất
Đăng ngày: 28/6/11Từ mức 13%/năm, sau 2 tuần, lãi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) chỉ còn 12,3%/năm.

Nhưng từ hiện tượng này của thị trường trái phiếu, tất cả các NHTM đang phải đặt lại phép tính lãi suất cho mình.
Lịch sử đang lặp lại?
Cũng thời gian này năm 2010, lãi suất TPCP từ 12,10%/năm (thời điểm tháng 3/2010) đã giảm xuống 10,60%/năm (trung tuần tháng 6/2010). Tuy giảm nhưng lãi suất TPCP cao, trong khi lãi suất tái chiết khấu giấy tờ có giá (GTCG) thấp, đã giúp các NHTM lớn - những người mua nhiều nhất TPCP có khoản lợi lớn mà gần như không phải mất tí "mồ hôi" nào. Thời điểm đó, nếu dùng tiền huy động trên thị trường I (khoảng 11%/năm) để mua TPCP (10,60%/năm), mức lỗ của NHTM là chưa đến 1%. Tuy nhiên cũng thời điểm đó, lãi suất tái chiết khấu GTCG chỉ 6%/năm, nếu đem số TPCP này tái chiết khấu, các NHTM thu lời khoảng 4,6%/năm, trừ đi khoản lỗ trên vẫn còn lời đến 4%/năm.
Tuy nhiên, tình hình này đã khác xa với năm 2010. Hiện lãi suất huy động trên thị trường I ít nhất cũng 14%/năm (theo NHNN, lãi suất huy động bình quân thực tế là trên 15%/năm); lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng (thị trường II) vào khoảng 11,17%/năm; và lãi suất tái chiết khấu GTCG là 13%/năm.
Nếu đem tiền huy động được trên thị trường I (lãi suất trên 15%/năm) mua TPCP (lãi suất 12,3%), các NHTM sẽ lỗ tối thiểu khoảng 3%. Nếu tiếp tục mang TPCP tái chiết khấu sẽ cộng lỗ thêm. Như vậy, việc các NHTM đẩy mạnh mua vào TPCP không phải từ nguồn lợi do chênh lệch lãi suất như năm 2010. Vậy tại sao các NHTM lại tích cực tham gia đấu thầu TPCP với lượng đặt thầu vượt trội trong những phiên vừa qua?
Trái với diễn biến của các phiên đấu thầu TPCP tháng 5/2011, sang đầu tháng 6, thị trường trái phiếu có thay đổi bất ngờ. Ví dụ, trong phiên đấu thầu ngày 2/6, lãi suất TPCP loại kỳ hạn 3 năm, 5 năm đều ở mức 13%/năm với số lượng đặt thầu gấp 5 lần khối lượng chào thầu. Đến phiên 12/6, lãi suất TPCP đã "hạ nhiệt" còn 12,3%/năm. Chỉ "nhanh chân" hơn có 10 ngày, các NHTM tham gia phiên đấu thầu ngày 2/6 đã có mức chênh lệch 1%/năm. Với khối lượng vài ngàn tỷ đồng thì khoản lợi nhuận này cũng không hề nhỏ. Song đây không phải lý do chính để các NHTM nhiệt tình với TPCP, mà nguyên nhân chính là họ đang phải tìm đầu ra cho nguồn vốn huy động. Thanh khoản của các NHTM đã cải thiện rất nhiều so với những tháng trước. Còn với những NHTM dư dả về nguồn vốn (thường là những NHTM lớn) thì càng phải tìm đầu ra cho nguồn vốn đã huy động, khi tăng trưởng tín dụng bị khống chế dưới 20% (hiện đã có ngân hàng vượt mức tăng trưởng tín dụng mà NHNN cho phép). Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, tỷ lệ cấp tín dụng/huy động vốn của nhiều NHTM hiện khá thấp, trung bình chỉ 50 - 60%/tổng vốn huy động, thấp hơn nhiều so với mức trần 80% mà NHNN cho phép.
Lạc quan nhưng... cảnh giác
Hiện lãi suất huy động tuy cao, nhưng các NHTM vẫn không thể ngừng hay giảm huy động, vì còn phải giữ thị phần. Do đó các NHTM chỉ còn cách tối ưu hóa trong sử dụng vốn huy động. Hơn nữa, trong các kênh đầu tư (ngoài tín dụng) thì đầu tư cho TPCP vẫn an toàn và thanh khoản tốt nhất (gần như bằng tiền mặt). Ông Trần Chí Thanh - Giám đốc khối nguồn vốn ngoại hối NHTMCP Quốc tế cho rằng: Nếu tính về lãi suất, trong ngắn hạn các NHTM đang lỗ khi mua TPCP. Tuy nhiên, nếu xét trong vòng 1 vài tháng tới, khi mặt bằng giảm thì TPCP vẫn là kênh đầu tư an toàn mà hiệu quả. Vì trong bối cảnh thắt chặt chính sách tiền tệ, rủi ro của các NHTM có nguy cơ tăng. Việc nắm giữ một khối lượng TPCP nhất định sẽ giúp các NHTM dễ xoay xở hơn khi có rủi ro, nhất là rủi ro thanh khoản.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trong một chu kỳ tăng - giảm, từ tháng 6/2011 mặt bằng lãi suất đã vượt qua đỉnh, bắt đầu đi xuống. Thực tế, xu hướng giảm lãi suất đang ngày càng rõ hơn. Một số NHTM đã giảm lãi suất huy động. Lãi suất kỳ hạn 9 tháng của NHTMCP An Bình chỉ còn 12,5%/năm; kỳ hạn 18 tháng trở lên là 12%/năm. Mức lãi suất 12%/năm cũng được NHTMCP Nhà Hà Nội áp dụng cho kỳ hạn tương tự. Ngoài ra, một số NHTMCP khác cũng đã hạ lãi suất huy động như: Kiên Long, Kỹ Thương, Đại Á, Việt Nam Thịnh Vượng... Và không ít NHTM bắt đầu "oải" với việc phải "đi đêm" với khách hàng gửi tiền tiết kiệm.
Hạ mặt bằng lãi suất, ổn định thị trường là mong muốn của nhà làm chính sách, của các NHTM và doanh nghiệp. Thế nhưng, sẽ là quá lạc quan khi cho rằng lãi suất sẽ giảm mạnh. Tổng giám đốc một NHTM cho rằng, chỉ số CPI giảm sẽ "ép" mặt bằng lãi suất giảm trong quý III. Thế nhưng, sẽ rất khó đưa ra dự báo cho mặt bằng lãi suất của quý IV. Vì lúc đó, nếu lạm phát không giữ được như mong muốn, cộng với nhu cầu vốn tăng (theo quy luật hàng năm nhu cầu vay vốn cho sản xuất kinh doanh thường tăng trong những tháng cuối năm) hoặc giả sử có thay đổi về chính sách tiền tệ... sẽ khiến mặt bằng lãi suất có biến động. Ông cũng cho rằng, thị trường hiện rất nhạy cảm với chính sách, bất kỳ động thái nào của cơ quan quản lý cũng có tác động lập tức đến thị trường. "Đôi khi những nhận định thị trường bị thay đổi chỉ trong tuần. Chúng tôi chỉ có thể đưa ra dự báo dài hạn là 3 tháng và phải tính đến mọi kịch bản có thể xảy ra..." - một chuyên gia nói.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Phó giám đốc Ban Vốn và Kinh doanh vốn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, đồng thời là Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh trái phiếu Việt Nam cho rằng, việc lãi suất TPCP giảm sẽ tạo sức ép hạ lãi suất ngân hàng. Nhưng yếu tố quan trọng tác động đến lãi suất là lạm phát. Do đó, chỉ khi giữ được lạm phát trong tầm kiểm soát thì mặt bằng lãi suất mới giảm và đi vào ổn định.
Theo Thời báo Ngân hàng