Từ nguồn vốn vay ưu đãi, Giồng Trôm được mùa nấm
Đăng ngày: 5/8/11Nghề trồng nấm bào ngư đang phát triển mạnh mẽ ở huyện Giồng Trôm (Bến Tre).

Đây là chương trình được Hội PN, Trung tâm dạy nghề phối hợp với NHCSXH huyện Giồng Trôm triển khai thực hiện từ năm 2008 đến nay. Phần đông số hộ sau khi học nghề trồng nấm bào ngư đã được vay vốn của NHCSXH với mức vay bình quân 20 triệu đồng/hộ để đầu tư làm nhà trại và mua phôi giống. Riêng xã Lương Hòa có đến 60 hộ vay hơn 1 tỷ đồng từ chương trình GQVL với lãi suất ưu đãi ngay từ đợt đầu tiên để mở mang nghề trồng nấm và nghề này đã lan rộng ra các xã lân cận như Bình Hoà, Mỹ Thạnh, Hường Sáng…
Vừa qua, Câu lạc bộ trồng nấm ở xã Lương Hoà đã thành lập và được Công ty thương mại thành phố Mỹ Tho ký hợp đồng tiêu thụ số lượng không hạn chế. Các hội viên trồng ít nhất được 1.000 phôi và nhiều nhất là 10.000 phôi. Một số loại nấm được thị trường tiêu thụ nhanh như bào ngư Nhật, bào ngư sò xám, bào ngư Hoàng Kim.
Ông Nguyễn Thành Dũng ở ấp số 2 xã Lương Hoà cho biết, từ khi vay vốn ưu đãi của NHCSXH tham gia trồng nấm bào ngư để GQVL, ông và một số hộ trong ấp đã bớt khó khăn. Cũng theo ông Dũng, do vốn đầu tư ban đầu khá lớn nên ông đã dùng toàn bộ số tiền vay của NHCSXH mua vật liệu cất đủ một nhà trại 4 gian lợp lá và trồng 3.000 phôi nấm. Sau 6 tháng, nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật ông đã thu lãi hơn 5 triệu đồng từ nghề trồng nấm bào ngư. Trong 3 chu kỳ tiếp theo, ông tập trung mua thêm phôi, chăm sóc tưới nước đều đặn nên lợi nhuận gấp 2 lần so với chu kỳ đầu. Vừa qua, ông Dũng còn nộp đủ lãi, trả hết nợ vay ngân hàng đợt đầu và làm đơn xin vay tiếp 100 triệu đồng của NHCSXH để đầu tư mở trang trại nấm bào ngư với 5 dãy nhà và 6 lao động thường xuyên trồng khoảng 20.000 phôi nấm.
Còn chị Nguyễn Thị Hồng, ngụ tại ấp số 4 xã Hường Sáng là một trong những điển hình vay vốn ưu đãi phát triển nghề trồng nấm trên quê hương Bến Tre Đồng Khởi, đã có sáng kiến chuyển từ mùn cưa cao su sang mùn tạp để sản xuất nấm nhằm hạ giá thành. Chị Hồng cho hay, nguyên liệu chính để trồng nấm vốn là loại mùn cưa cao su nhưng thời gian gần đây do giá loại mùn đó tăng cao nên chị đã tính toán và mạnh dạn sử dụng 20 triệu đồng vay của NHCSXH để đầu tư chuyển sang dùng thử mùn tạp để sản xuất nấm, giá thành chỉ khoảng 8 triệu đồng/xe mùn 6 tấn. Đến thời điểm này các trại nấm của chị phát triển rất tốt và cho thu hoạch khá cao. Như vậy, do biết cách sử dụng vốn vay ưu đãi đúng mục đích, riêng tính giá thành của loại mùn tạp thay thế chỉ bằng ¼ giá thành mùn cao su đã là khâu đột phá và thắng lớn đối với chị trong vụ nấm này. Bà Huỳnh Thị Sang - Chủ tịch Hội PN huyện Giồng Trôm cho biết, so với một số ngành nghề khác thì nghề trồng nấm bào ngư rất thích hợp với lao động nông nhàn và hộ nghèo. Thời gian qua, nhờ có thêm 17 tỷ đồng của NHCSXH huyện cho vay làm đòn bẩy mà chương trình đào tạo và phát triển nghề trồng nấm đã GQVL tăng thu nhập cho đại đa số nông dân trong huyện. Đồng vốn tín dụng ưu đãi đã và đang mở ra hướng mới cho công cuộc XĐGN và tạo nên phong trào thi đua sản xuất sôi động hẳn lên ở quê hương Đồng Khởi.
Đông Dư