T.S Lê Đăng Doanh: NHNN nên đứng ra xuất-nhập vàng thay doanh nghiệp
Đăng ngày: 6/10/11Ông Lê Đăng Doanh cũng nêu giải pháp nên tạo ra quá trình chuyển đổi từ vàng vật chất sang vàng “giấy” do NHNN đứng ra đảm bảo và điều tiết để tránh vàng hóa nền kinh tế.
Trước khả năng Ngân hàng Nhà nước tính chuyện áp trần lãi suất huy động vàng để ngăn chặn hiện tượng lãi suất bị đẩy lên quá cao, trao đổi với phóng viên, TS. Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế cao cấp cho rằng dùng biện pháp hành chính không phải cách khôn ngoan để thiết lập trật tự thị trường vàng.
PV: Ngân hàng Nhà nước vừa nhóm họp với 12 ngân hàng thương mại lớn tại Hà Nội để bàn cách quản lý thị trường vàng, trong đó, có tính chuyện sẽ áp trần lãi suất huy động, theo ông, giải pháp này có hiệu quả không?
TS Lê Đăng Doanh: Áp trần lãi suất là dùng biện pháp hành chính để can thiệp vào thị trường vàng. Điều này có thể có hiệu lực nhất định nào đó song không thể giải quyết được tình hình thực tế hiện nay.
Vấn đề là độ “lệch pha” giữa giá trong nước và thế giới rất lớn. Lâu nay cơ quan quản lý Nhà nước không có cách gì để “rút” vàng từ két sắt đưa vào lưu thông. Giải pháp tốt nhất, căn cơ nhất, theo tôi, vẫn phải là giải pháp thị trường thì mới “dập tắt” được hiện tượng đầu cơ làm giá.
Trước đây, các doanh nghiệp chỉ cần đăng ký 8-12% vốn thì có thể kinh doanh vàng 100%, tình hình bây giờ đã khác, người ta thấy kinh doanh vàng quá lãi nên đổ xô vào thị trường này. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải có cách trám lỗ hổng chính sách này, cần những điều kiện nghiêm ngặt cho DN muốn tham gia kinh doanh vàng.
PV: Từ trước tới nay, cứ biến động thị trường vàng thì NHNN lại dùng công cụ cấp quota nhập khẩu để điều tiết thị trường. Ông có rằng đây là giải pháp hợp lý?
TS Lê Đăng Doanh: Năm 2010, Trung Quốc đã nhập 500 tấn vàng khi giá thấp và giờ họ thu được khoản lợi nhuận rất lớn, Hàn Quốc thì nhập 25 tấn vàng, còn Việt Nam đang mắc phải nghịch lý: xuất vàng khi giá thấp và khi giá cao lại nhập vào. Thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế, nhưng không có ai đứng ra chịu trách nhiệm về vấn đề này. Cơ chế cấp quota nhập khẩu vàng của NHNN thời gian qua theo kiểu cơ chế xin- cho, khi vàng về tới nơi thì giá vàng đã hạ, DN thực tế cũng chẳng “mặn mà” gì với cách này.
Thay vì cấp quota nhập khẩu vàng cho các doanh nghiệp, NHNN nên đứng ra xuất - nhập khẩu để tránh thất thoát. Tôi cho rằng, nên trao thêm nghiệp vụ kinh doanh vàng cho các NHTM bên cạnh nhiệm vụ kinh doanh ngoại hối hiện nay. Để vàng trong nước liên thông với giá thế giới. Sàn giao dịch vàng phải khác với sàn giao dịch chứng khoán, vai trò cơ quan quản lý Nhà nước là can thiệp trực tiếp thông qua Sở giao dịch vàng.
PV: Nhưng nếu cứ cho nhập vàng thì tỷ giá ngoại hối cũng sẽ bị ảnh hưởng, thưa ông?
TS Lê Đăng Doanh: Thực tế, dấu hiệu tỷ giá căng thẳng là có, nhưng cũng chỉ một phần do nhập vàng thôi. Từ đầu năm tới nay, đồng nội tệ đã mất giá 22% do lạm phát, tỷ giá liên ngân hàng dù mới được điều chỉnh tăng thêm 10 đồng, ở mức 22.638 VNĐ/USD, thực tế giá VNĐ đã tăng nhiều so với đồng USD. Nếu không có chính sách điều hòa tỷ giá ngoại hối thì tình trạng USD hai giá, ba giá lại quay trở lại.
Tất nhiên, việc phá giá đột ngột 9,3% như hồi đầu năm nay cũng không phải cách tốt, vì nó gây sốc cho thị trường. Theo tôi, để đồng tiền VNĐ có biến động ở biên độ nhất định thì biện pháp cơ bản vẫn là phải kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
PV: Ông có nói liệu pháp thị trường tốt hơn là hành chính. Vậy cụ thể, giải pháp thị trường đó là gì để có thể hút được hàng ngàn tấn vàng đang “tồn” trong dân đưa vào lưu thông?
TS Lê Đăng Doanh: Tâm lý trữ vàng và bảo tồn đồng vốn dưới dạng vàng đã ăn sâu vào tiềm thức, được xem là cách cất giữ an toàn nhất của người dân. Để huy động được vàng trong dân, NHNN cần phải có thời gian và một giải pháp lâu dài.
Theo tôi, các NHTM nên đóng vai trò huy động. Nhưng để tránh vàng hóa nền kinh tế, NHTM sẽ không được đem vàng đó cho vay, mà phát hành chứng chỉ vàng – loại tài sản tài chính được mua bán trên sàn giao dịch vàng, biến từ vàng vật chất sang vàng “giấy”. Vàng vật chất “đẩy” sang NHNN tạo thành một kho vàng dự trữ quốc gia, NHNN phát hành chứng chỉ hay trái phiếu vàng cho NHTM.... Toàn bộ quá trình chuyển đổi từ vàng vật chất sang vàng “giấy” do NHNN đứng ra đảm bảo và điều tiết.
Nếu chúng ta chỉ chăm chăm dùng biện pháp hành chính áp trần lãi suất huy động vàng thì người dân sẽ để vàng trong két sắt và tìm kênh đầu tư USD, chứng khoán. Nguồn lực trong dân sẽ không được huy động.
PV: Xin cảm ơn ông vì cuộc phỏng vấn này.
Theo An Khê
GTVT
Từ Khóa: NHNN, DN, Doanh Nghiệp, Kinh Doanh, Tình Hình, Thị Trường, Chính Sách,