Tín dụng ưu đãi giúp bà con các dân tộc ở Gia Lai vươn lên thoát nghèo
Đăng ngày: 26/11/12Với phương châm hoạt động vì người nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận với kênh tín dụng ưu đãi của Nhà nước, 10 năm qua, những chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH tỉnh Gia Lai đã tiếp thêm sức mạnh cho công tác giảm nghèo, ổn định dân sinh trên địa bàn.
Hiệu quả mang lại
Nhờ đồng vốn ưu đãi của Nhà nước, đối tượng vay vốn là những người nghèo, hoàn cảnh khó khăn có cơ hội giảm nghèo và vươn lên ổn định cuộc sống. Rời quê hương Hưng Hà (Thái Bình), vợ chồng anh Nguyễn Xuân Khanh ở khối phố 10, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa cùng hai con nhỏ đi xây dựng vùng kinh tế mới. Hơn mười năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", chí thú làm ăn nhưng đói khổ vẫn đeo đuổi gia đình anh. Năm 2005, với sự hướng dẫn của Hội Nông dân huyện, anh được vay vốn ưu đãi của NHCSXH huyện Krông Pa để đầu tư sản xuất. Với nghị lực và quyết tâm thoát nghèo, mảnh đất gò đồi bạc màu, cằn trơ sỏi đá ngày nào, giờ đã được vợ chồng anh xây dựng thành một trang trại rộng gần 10ha bạt ngàn màu xanh của cây điều, cam, bưởi, chuối... Số diện tích còn lại, gia đình anh tận dụng trồng thêm vài sào cỏ voi để phục vụ thức ăn cho đàn bò hơn 30 con và đàn dê gần 400 con.
Anh Khanh tâm sự: Không chỉ được giúp đỡ về vốn vay, việc tư vấn kỹ thuật nông - lâm nghiệp của cán bộ Hội Nông dân huyện đã giúp gia đình anh xây dựng trang trại của mình thành một mô hình sản xuất nông nghiệp khép kín, mỗi năm thu về gần 100 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí sản xuất.
"Theo số liệu từ NHCSXH tỉnh Gia Lai, tính đến hết tháng 9/2012, tổng dư nợ cho vay đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn là hơn 515 tỷ đồng, với tổng số hộ còn dư nợ là gần 106 nghìn hộ. Tổng số lượt hộ được vay từ trước đến hết tháng 9/2012 là 1,6 triệu hộ". |
Đến thăm nhà anh Rơ Lan Hoa, người dân tộc Gia Rai ở làng Bi, xã Ia Grai, nhìn vườn cao su xanh ngát hơn 1ha của anh, ít ai nghĩ rằng trước đây từng là bãi đất bỏ hoang, cỏ dại um tùm. Để làm được điều kỳ diệu này, anh Hoa đã được huyện Đoàn Thanh niên phối hợp NHCSXH cho vay 30 triệu đồng để làm kinh tế. Không chỉ trồng cao su, anh còn dùng số tiền được vay trồng cà phê.
Một trường hợp khác là gia đình chị Ksor HLak, hội viên phụ nữ làng Breng 2, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai. Từ 7 triệu đồng vay, đầu tiên chị mua 3 con bò, dần dần bò sinh sản chị bán rồi mua lại đất mở rộng diện tích sản xuất. Nhờ chịu khó tích cóp và học hỏi cách làm ăn của chị em trong làng, đến nay chị đã có 500 gốc cà phê, 200 cây sầu riêng, hơn 5 sào lúa nước.
Thông qua nguồn vốn của NHCSXH cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể, đã có hàng nghìn hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Gia Lai được tiếp thêm nguồn lực vượt qua khó khăn. Nguồn vốn hỗ trợ của NHCSXH tỉnh Gia Lai đã giúp cho hàng trăm nghìn hộ thoát nghèo, góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 14,32%, thu nhập bình quân đầu người đạt 12,43 triệu đồng/năm.
Đồng hành cùng người nghèo
Trên đường về xã vùng sâu Ia Broăi, Giám đốc NHCSXH huyện Ia Pa, Lê Hoài Nam nói với chúng tôi: Bất kể thời tiết mưa hay nắng, cứ đến ngày 21 hàng tháng là chúng tôi về xã giải ngân, rồi ngày 21 tháng sau lại về thu lãi, thu gốc, giải thích, hướng dẫn bà con làm thủ tục vay vốn. Bà Kpă HMranh, Tổ trưởng Tổ TK&VV phụ nữ buôn Ia Rniu xác nhận: Thủ tục cho hộ nghèo vay vốn ngày càng đơn giản, giảm giấy tờ và sự rườm rà, phiền hà không cần thiết; đồng vốn được giải ngân đúng địa chỉ và được hỗ trợ, tư vấn, giám sát sử dụng đúng mục đích nên đã phát huy hiệu quả. Trao đổi thêm về vấn đề này, Giám đốc NHCSXH tỉnh Gia Lai, Lê Văn Chí tâm sự: Nếu các Ngân hàng Thương mại đặt mục tiêu là lợi nhuận thì NHCSXH lại đặt hiệu quả xã hội và lợi ích các đối tượng vay vốn lên trên hết. Chính vì vậy, mục tiêu của chúng tôi là làm sao đồng vốn vay đến được với người nghèo, người gặp khó khăn nhanh nhất, thuận lợi nhất. Năm 2012, ngoài một số chương trình cho vay theo đúng các đối tượng đã triển khai, ngân hàng sẽ ưu tiên vốn cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế khó khăn; đồng thời, chủ động huy động các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đặc biệt, ngân hàng tập trung cho chương trình hỗ trợ người nghèo chưa có nhà ở, nhà tạm bợ, hư hỏng, dột nát ở vùng sâu, vùng xa, người đồng bào dân tộc thiểu số, đề án đã được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt và theo kế hoạch, năm 2012 sẽ tạo điều kiện cho hơn 10.820 hộ dân nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số vay. Theo đề án này, mỗi hộ sẽ được vay 22,4 triệu đồng/hộ, trong đó địa phương hỗ trợ 7 - 8 triệu đồng, NHCSXH sẽ cho vay 8 triệu đồng/hộ với lãi suất ưu đãi 3%/năm. Ngoài ra, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ từ 7,2 đến 8,4 triệu đồng/hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn và tiếp tục huy động nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp đối với dân nghèo tại địa phương. Các hộ dân nghèo vay theo diện này sẽ được miễn lãi suất trong 24 tháng.
Để tín dụng chính sách đến được tận tay người dân nghèo, NHCSXH tỉnh Gia Lai đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể, chính quyền địa phương bình xét đúng đối tượng, bảo đảm tính công khai minh bạch, giải ngân kịp thời cho người dân, giúp họ sớm có điều kiện ổn định nơi cư trú và tránh được những thất thoát, những tiêu cực không đáng có.