Tín dụng chính sách với hộ đồng bào DTTS: Thực trạng và giải pháp
Đăng ngày: 3/2/12Trong những năm qua, đồng bào DTTS ở miền núi, vùng sâu, vùng xa luôn được Đảng và Nhà nước ta đầu tư nhiều chương trình, chính sách để phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, XĐGN, nâng cao trình độ dân trí…
Nhiều kênh tiếp cận vốn cho đồng bào DTTS
Việt Nam là một quốc gia đa thành phần dân tộc với 54 dân tộc anh em, trong đó có tới 53 DTTS. Trừ người Hoa, Khmer và người Chăm, 50 nhóm dân tộc còn lại chủ yếu sinh sống ở vùng nông thôn hoặc miền núi xa xôi và chịu những bất lợi về xã hội và kinh tế ở những mức độ khác nhau. Tuy chỉ chiếm 13% số dân cả nước (khoảng gần 11 triệu người) song tỷ lệ hộ nghèo của nhóm đồng bào các DTTS cao hơn 5 lần so với người Kinh và chiếm trên 50% số hộ nghèo theo tiêu chí mới (Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ).
Cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước giao cho NHCSXH thực hiện đối với hộ đồng bào DTTS đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Hiện nay, Nhà nước đã ban hành 3 chương trình tín dụng chính sách dành riêng cho đối tượng là hộ đồng bào DTTSĐBKK, với những ưu đãi đặc biệt về các điều kiện vay vốn như: Lãi suất cho vay, thời hạn vay, mức vay..., đó là: Chương trình cho vay hộ đồng bào DTTSĐBKK theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 126/2008/QĐ-TTg; chương trình cho vay hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg; chương trình cho vay thực hiện một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt đến năm 2010 cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn theo Quyết định số 1592/QĐ-TTg.
Ngoài ra, từ nguồn vốn NHCSXH đang đảm nhận, hộ đồng bào DTTS còn được thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách khác: Chương trình cho vay hộ nghèo; cho vay ưu đãi lãi suất đối với người nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ tại 62 huyện nghèo; cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg; chương trình cho vay NS&VSMTNT theo Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg; cho vay hỗ trợ XKLĐ theo Quyết định số 365/2004/QĐ-NHNN; chương trình cho vay hỗ trợ đẩy mạnh đi XKLĐ tại 62 huyện nghèo theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg; chương trình cho vay GQVL; chương trình cho vay thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn theo Quyết định 92/2009/QĐ-TTg; chương trình cho vay hộ gia đình SXKDVKK theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg; cho vay mua nhà trả chậm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và một số chương trình nhận ủy thác đầu tư của nước ngoài.
Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đã đến được 100% các thôn, bản, làng trên toàn quốc. Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách dành cho hộ đồng bào DTTS chủ yếu đầu tư vào các đối tượng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi trâu, bò, xây dựng nhà ở, công trình NS&VSMTNT, hỗ trợ kinh phí học tập... đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho trên 3,2 triệu lượt hộ, giúp cho hộ đồng bào DTTS tự tin và tăng dần vị thế trong xã hội, đồng thời từng bước quen dần với cơ chế thị trường.
Nhờ đồng vốn ưu đãi của Chính phủ, hộ đồng bào DTTS nghèo trên toàn quốc có thêm cơ hội tổ chức SXKD, đầu tư mua cây con giống, vươn lên tìm hướng thoát nghèo, góp phần quan trọng giúp cho trên 55 nghìn hộ thoát nghèo/năm (giai đoạn 2006 - 2010).
Tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế đó là: Nhu cầu vay vốn của hộ đồng bào DTTS lớn, trong khi nguồn vốn cho vay có hạn, mức cho vay của một số chương trình tín dụng còn quá thấp, nên hiệu quả kinh tế - xã hội đạt được chưa cao; việc xác định đối tượng hộ nghèo còn bất cập so với thực trạng nghèo đói ở địa phương, danh sách hộ nghèo không được cập nhật kịp thời, trong khi thiên tai, dịch bệnh, ốm đau bệnh tật… và các nguyên nhân khách quan bất khả kháng khác phát sinh thường xuyên làm tăng thêm số hộ nghèo, gây khó khăn cho việc thực hiện tín dụng chính sách của Nhà nước; một bộ phận hộ đồng bào DTTS còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách chế độ, xem việc vay vốn như chính sách cho không của Nhà nước, sử dụng vốn kém hiệu quả, có hiện tượng đã thoát nghèo nhưng chây ỳ không trả nợ. Mặt khác, có một bộ phận người nghèo là đồng bào DTTS chưa biết sử dụng vốn nhưng chưa được các cơ quan, chính quyền, hội, đoàn thể quan tâm giúp đỡ, hướng dẫn cách làm ăn nên họ chưa mạnh dạn vay vốn; chưa có cơ chế kết hợp chặt chẽ giữa công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư... với hoạt động vay vốn để giúp đỡ người nghèo, nên đã hạn chế hiệu quả của vốn vay.
Giải pháp và kiến nghị
Thứ nhất, tiếp tục ưu tiên tập trung phân bổ vốn các chương trình tín dụng chính sách cho các địa phương là vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn - nơi tập trung nhiều hộ đồng bào DTTS. Tập trung chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, tích cực đôn đốc, thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn để cho vay quay vòng. Cải tiến thủ tục vay vốn; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc duy trì và thực hiện nghiêm túc công tác giao dịch lưu động tại xã, đảm bảo việc giải ngân, thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm... được thực hiện tại xã.
Thứ hai, nâng cao chất lượng hoạt động của đơn vị nhận uỷ thác và Tổ TK&VV. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên tổ chức các khoá đào tạo, tập huấn cho cán bộ tổ chức hội, đoàn thể làm dịch vụ ủy thác và Ban quản lý Tổ TK&VV. Phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, củng cố hoạt động của các Tổ TK&VV.
Thứ ba, Tăng cường bổ sung cán bộ, thực hiện luân chuyển, điều động sắp xếp bố trí cán bộ có tâm huyết, có năng lực tổ chức triển khai nhiệm vụ từ Trung ương, tỉnh cho các chi nhánh NHCSXH còn khó khăn và các Phòng giao dịch của NHCSXH tại các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, nơi tập trung nhiều hộ nghèo và hộ đồng bào DTTS.
Thứ tư, để thiết lập cơ chế tạo lập nguồn vốn ổn định của NHCSXH, đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan có sự điều chỉnh về cơ chế tạo lập vốn cho NHCSXH theo phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”, tức là nguồn vốn được tạo lập từ các nguồn: Nhà nước cấp, NHCSXH tự huy động và nhận ủy thác từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, vốn đóng góp tự nguyện từ các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp. Trong đó: Ngân sách Nhà nước Trung ương cấp bổ sung vốn điều lệ, vốn cấp chương trình hàng năm cho NHCSXH, đề nghị được đưa vào dự toán ngân sách Nhà nước, được Quốc hội thông qua hàng năm để NHCSXH và các Bộ, ngành liên quan chủ động thực hiện và đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ngoài ra, đề nghị Quốc hội quy định một tỷ lệ nhất định từ nguồn vượt thu ngân sách Trung ương hàng năm để bổ sung nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách.
Thứ năm, đề nghị các Bộ, ngành tăng cường kiểm tra và chỉ đạo các địa phương trong việc thống kê, rà soát, bổ sung hộ nghèo, hộ tái nghèo để hộ nghèo; chủ động điều chỉnh, bổ sung kịp thời vào danh sách thuộc diện nghèo của địa phương, để đảm bảo hộ nghèo được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi theo văn bản số 5889/VPCP-KTTH ngày 27/8/2011 của Văn phòng Chính phủ. Bố trí 01 cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý giảm nghèo tại xã để có điều kiện sâu sát chương trình giảm nghèo.
Cuối cùng, để đồng vốn tín dụng chính sách đầu tư mang lại hiệu quả thiết thực, đề nghị các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể làm tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư... tạo điều kiện cho hộ nghèo được phổ biến kiến thức, cách thức sản xuất, chuyển giao kỹ thuật, giúp người nghèo SXKD có hiệu quả, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Đến hết năm 2011, tổng dư nợ tín dụng đối với hộ đồng bào DTTS là 18.750 tỷ đồng, với trên 1,5 triệu khách hàng còn dư nợ, dư nợ bình quân đạt 12,5 triệu đồng/hộ. Tập trung ở một số vùng miền như sau: Vùng Tây Bắc: Dư nợ cho vay hộ đồng bào DTTS đạt 3.847 tỷ đồng, với gần 320 nghìn hộ còn dư nợ, chiếm tỷ trọng 88%/tổng số khách hàng còn dư nợ. Vùng Đông Bắc: Dư nợ đạt 7.732 tỷ đồng, với 572 nghìn hộ còn dư nợ, chiếm tỷ trọng 54%/tổng số khách hàng. Vùng Bắc Trung Bộ dư nợ đạt 2.386 tỷ đồng, với trên 180 nghìn hộ còn dư nợ, chiếm tỷ trọng 17,5%/tổng số khách hàng còn dư nợ. Tây Nguyên dư nợ đạt 2.360 tỷ đồng, với gần 200 nghìn hộ còn dư nợ, chiếm tỷ trọng 40%/tổng số khách hàng. Duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long dư nợ đạt 2.425 tỷ đồng, với 240 nghìn hộ còn dư nợ, chiếm tỷ trọng 12,6%/tổng số khách hàng còn dư nợ. |
Trần Lan Phương