Tín dụng chính sách mang lại cuộc sống mới
Đăng ngày: 16/1/12Xã vùng cao Thanh Chăn, huyện Điện Biên (Điện Biên) trước đây phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như: phá rừng, ô nhiễm môi trường, nghèo khó, dịch bệnh và nạn khan hiếm nước sạch.

Theo báo cáo của Trung tâm y tế huyện, khi đó, số hộ sử dụng nước sạch ở các bản, trong đó có xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên chỉ chiếm khoảng 40% nên chất lượng cuộc sống nơi đây không được đảm bảo.
Tuy nhiên đến nay, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp từ phía người dân, đặc biệt là được NHCSXH cho vay vốn ưu đãi, tình hình NS&VSMTNT ở huyện Điện Biên nói chung, xã Thanh Chăn nói riêng đã có diện mạo hoàn toàn mới. Các công trình thủy lợi và nước sạch có ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của đồng bào dân tộc Thái, Dao, Mông. Hiện công trình nước sạch giúp 85% dân số trong xã có nước hợp vệ sinh để sử dụng. Đặc biệt, đa số hộ gia đình ở các bản đã áp dụng xây dựng 3 công trình vệ sinh phù hợp với thực tế của địa phương. Ông Hồ Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn cho biết: "Đạt được kết quả đó là do Thanh Chăn đã làm tốt công tác xã hội hóa đầu tư vào các hoạt động, cung cấp NS&VSMTNT".
Sau 5 năm thực hiện chương trình cho vay NS&VSMTNT, NHCSXH huyện Điện Biên đã giải ngân cho 5.218 hộ vay vốn với dư nợ gần 14 tỷ đồng để xây dựng các công trình NS&VSMTNT. Tại xã Thanh Chăn nơi có đến 90% đồng bào DTTS sinh sống và được liệt vào danh sách vùng có khó khăn về nước sạch và ô nhiễm nặng về môi trường. Từ giữa năm 2009, trạm cấp nước sạch trên địa bàn đi vào vận hành, hơn 200 hộ dân được vay vốn để xây bể chứa nước sạch, bắc đường ống dẫn nước từ đường ống chính của nhà máy nước về tận nhà nên bà con rất phấn khởi. Ông Lò Văn Yên ở bản Hoang Lếnh Can tâm sự: Có được nước sạch để dùng và nhà vệ sinh phù hợp tiêu chuẩn là nhờ phần lớn vào sự giúp đỡ của NHCSXH quan tâm đến những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc nghèo như chúng tôi.
Còn đối với bà con người Mông ở bản Thác Mây thì Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh và NHCSXH huyện đã phối hợp chặt chẽ đầu tư cho bản có công trình nước sạch sinh hoạt là hoàn toàn phù hợp. Bởi vì trước đây, cứ đến mùa khô người dân trong bản luôn sống trong cảnh thiếu nước "khô kiệt". Trong sinh hoạt cũng như sản xuất. Nhưng đến nay, chỉ cần ra sân, vào bếp, người Mông trên núi cao vặn vòi là có nước sạch dùng. Chị KMệ bao năm mơ ước, nay Nhà nước giúp cho gia đình có nước sạch. "Nhà mình có 5 người, dùng nước của nhà máy thoải mái mỗi tháng hết có 10 khối nước, mà giá nước lại rất rẻ, có 3 nghìn đồng/khối thôi", chị KMệ bộc bạch.
Có thể nói, việc cho vốn vay và sự đồng thuận của người dân, nên công trình cấp nước ở xã vùng cao Thanh Chăn với quy mô lớn đã được xây dựng và kịp hoàn thành phục vụ nhân dân vùng núi cao Điện Biên trong dịp này. Từ những việc như vậy đã góp thêm cho xã sớm hoàn thành đủ 15 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới vào năm 2015.
Bài và ảnh Lã Tài