Tiếp sức mạnh đến vùng nghèo Phước Sơn
Đăng ngày: 15/2/12Câu chuyện về những hộ đồng bào dân tộc Cà Tu, Gia Rai ở huyện Phước Sơn (Quảng Nam), 1 trong 62 huyện nghèo nhất nước được vay và sử dụng vốn tín dụng chính sách để học nghề, phát triển nghề thủ công đan mây tre kiếm ra tiền, ổn định đời sống, bắt đầu từ những cố gắng và phối hợp chặt chẽ triển khai dự án xóa nghèo bền vững của NHCSXH với Chi cục Kiểm lâm ở tỉnh Quảng Nam.
Theo nguồn tin của ngành kiểm lâm thì nguyên liệu mây, tre ở vùng miền núi Phước Sơn rất dồi dào. Nếu biết biến những thứ nguyên liệu đó thành sản phẩm hàng hóa thì đồng bào DTTS kiếm ra tiền, xóa nghèo không khó khăn lắm. Nhưng muốn vậy trước hết phải tìm cách giúp bà con có vốn liếng, có kiến thức khôi phục, phát triển nghề thủ công truyền thống. Còn ông Nguyễn Quang Dinh - Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Nam chia xẻ: "Vốn thì không thiếu, nhưng muốn xóa nghèo nhanh, bền vững thì phải có sự quyết tâm cao, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, tiến hành xây dựng dự án cụ thể nhằm hướng dẫn các hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS sử dụng đồng vốn vay đúng lúc, đúng việc, công khai và minh bạch".
Bằng nhiều nguồn vốn được kêu gọi, trong đó: chủ yếu là vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, NHCSXH và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam đã bàn thảo kỹ lưỡng, thống nhất xây dựng, triển khai dự án đầu tư vốn ưu đãi để đào tạo, phát triển ngành nghề thủ công cho khu vực nông thôn, chú trọng đến 3 huyện nghèo thuộc chương trình 30a là Phước Sơn, Tây Giang và Nam Trà My. Thế là từ đầu năm 2008, với số vốn đầu tư ban đầu của NHCSXH dành riêng cho dự án này, hơn 5 tỷ đồng, ngành kiểm lâm đã mở liền mấy lớp đào tạo nghề đan mây tre cho các vùng dân tộc - miền núi. Ngay sau khi lớp học kết thúc, NHCSXH đã tạo điều kiện để bà con sống được với nghề mới bằng cách cho vay vốn GQVL kịp thời đến tận hộ gia đình. Có nghề, có vốn nên nhiều gia đình nông dân nghèo chủ động mua nguyên liệu, vật tư, thiết bị và mở nhà xưởng phát huy được lợi thế nghề mây tre đan. Nhiều sản phẩm làm ra như: Bàn ghế mây, lục bình, lẵng hoa... được tiêu thụ không chỉ ở thị trường trong tỉnh mà còn ra cả Hà Nội hay xuất bán sang Lào, Thái Lan.
Lấy nguồn vốn NHCSXH làm điểm tựa vững chắc, hàng trăm hộ đồng bào dân tộc CàTu ở huyện Phước Sơn thoát nghèo, trở lên khá giả bởi nghề đan mây tre. Chị Kan Phượng ở xã Đằng Giang cho biết: "Được vay 30 triệu đồng của NHCSXH để làm nghề thủ công tại nhà ở thôn quê, mình mừng lắm. Lâu nay, dân nghèo chỉ biết đan lát mấy thứ vật dụng nhỏ phục vụ gia đình thôi, chưa biết làm nghề thủ công làm ra hàng hóa bán để kiếm tiền. Bây giờ, nhờ có NHCSXH và Hạt Kiểm lâm giúp đỡ, bà con đã sản xuất được rất nhiều sản phẩm mây tre đan được người tiêu dùng yêu thích và gia đình mình cũng hết nghèo khổ rồi". Ông Hồ Sỹ Đáp ở xã Bình Sơn khoe vừa rồi nhà ông bán 4 bộ bàn ghế mây đan trị giá 20 triệu đồng cho một nhà hàng ở TP. Đà Nẵng. Ngần ấy tiền bán sản phẩm thủ công đã giúp cho gia đình ông lần đầu tiên làm được căn nhà mới đón Xuân, ăn Tết ấm áp.
Được biết, với vùng nguyên liệu dồi dào hơn 1.000ha mây trồng và tre khoanh nuôi tự nhiên cùng 25 tỷ đồng trong tổng dư nợ 172 tỷ đồng của huyện Phước Sơn với NHCSXH đã trở thành nguồn nguyên liệu ổn định và sự tiếp sức mạnh cho hàng nghìn hộ DTTS thoát nghèo bền vững. Thành quả của dự án cho vay vốn tín dụng ưu đãi để đào tạo, phát triển nghề thủ công ở huyện nghèo 30a như Phước Sơn, Quảng Nam mang ý nghĩa vô cùng lớn lao.