Tiếp sức cho người dân vùng lũ tiếp tục thoát nghèo
Đăng ngày: 13/2/12Thời gian qua, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp thoát được nghèo, từng bước vươn lên có cuộc sống ổn định là có công đóng góp rất lớn từ NHCSXH.

Vực dậy sản xuất sau lũ
Có mặt tại hộ gia đình anh Trần Thanh Phong, ngụ ấp K9, xã Phú Đức, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) trước đây có hoàn cảnh hết sức khó khăn, gia đình không có ruộng vườn để canh tác, sống chủ yếu bằng nghề làm thuê, làm mướn, Phong lại là lao động chính, cha mẹ tuổi đã cao, vì thế cái nghèo cái khó vẫn mãi đeo bám gia đình anh. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng Phong không những chí thú làm ăn mà còn tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động. Nhận thấy quyết tâm thoát nghèo của Phong nhưng vì hoàn cảnh gia đình thiếu vốn nên Ban giảm nghèo xã và Đoàn TN giới thiệu anh gia nhập Tổ TK&VV và được NHCSXH cho vay 3 triệu đồng vào năm 2006 để đầu tư nuôi cá quả. Trong năm 2006, Phong đầu tư 2 lồng nuôi (diện tích khoảng 16m2/lồng), một lồng nuôi cá quả thương phẩm, một lồng nuôi cá quả con để làm con giống. Với số vốn vay ưu đãi, tuy ít nhưng cũng đã giúp Phong trong lúc khó khăn, ngay trong năm đầu tiên Phong nuôi và xuất bán được 3 đợt cá quả thương phẩm với tổng số gần 1 nghìn kg, giá bình quân 30 nghìn đồng/kg, tổng thu nhập gần 30 triệu đồng. Thức ăn cho cá chủ yếu là cua, ốc do Phong tự đi bắt nên trừ chi phí con giống, thuốc chữa bệnh cho cá còn lãi gần 15 triệu đồng. Để giúp đỡ cho gia đình Phong thoát nghèo bền vững, NHCSXH tiếp tục cho anh vay vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, đặc biệt sau mùa lũ tại vùng Đồng Tháp Mười hầu như ai cũng thiếu vốn để đầu tư cho sản xuất, chính vì thế nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Ngoài nguồn vốn XĐGN thì nhiều hộ vay trên địa bàn xã Phú Đức, huyện Tam Nông cũng được vay vốn từ chương trình GQVL để đầu tư thực hiện dự án nuôi bò vỗ béo. Gia đình chị Lê Thị Tọt, ở ấp K9 được vay 15 triệu đồng từ chương trình GQVL, có vốn chị đầu tư mua 3 con bò về chăm sóc, cùng với thời gian và sự chăm sóc của mình, đàn bò lớn nhanh và sinh sản thêm được 1 con bê, chị suy tính với đà này, trong vài ba năm tới số tiền chị bán bò đủ để trả hết nợ cho ngân hàng và còn có vốn để đầu tư phát triển đàn bò.
Quản lý, cho vay các chương trình tín dụng có hiệu quả
Thường Thới Hậu A là một xã biên giới của huyện Hồng Ngự đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Để từng bước tạo điều kiện cho hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống, nhất là thoát được cảnh nghèo, cấp ủy, chính quyền xã đã xây dựng kế hoạch về công tác XĐGN trên địa bàn. Một trong những giải pháp hàng đầu để hỗ trợ hộ nghèo là vốn, qua điều tra thực tế xác định chính xác số hộ nghèo, NHCSXH huyện Hồng Ngự phối hợp với Ban giảm nghèo xã giải ngân các nguồn vốn tín dụng cho hàng trăm lượt hộ nghèo trên địa bàn, trong đó chủ yếu là vốn chương trình hộ nghèo trên 2,4 tỷ đồng, vốn cho vay SXKDVKK 1,2 tỷ đồng... Qua đó, tạo điều kiện cho hơn 300 hộ dân có điều kiện làm kinh tế cải thiện đời sống, thoát nghèo vươn lên có cuộc sống ổn định. Hiện tại, xã đang được NHCSXH huyện tiếp tục triển khai cho vay các chương trình như: Hộ nghèo, SXKDVKK, HSSV và NS&VSMTNT… đã giúp người dân có thêm điều kiện để mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Để thực hiện mục tiêu giúp bà con ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất sau lũ, NHCSXH huyện Hồng Ngự phối hợp với hội, đoàn thể tập trung công tác củng cố Tổ TK&VV, lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến ngư và trong cuộc họp của Tổ TK&VV, giám sát và kiểm tra việc sử dụng vốn vay, xây dựng kế hoạch về nguồn vốn và tiến hành giải ngân kịp thời để sau lũ bà con nông dân nghèo có vốn đầu tư vào sản xuất.
Chị Lê Thị Tọt, ngụ ấp K9, xã Phúc Đức, huyện Tam Nông vay vốn đầu tư chăn nuôi có hiệu quả
Mùa Xuân mới đã về, nước lũ đã rút, người dân tại vùng Đồng Tháp Mười lại bắt tay vào một vụ sản xuất mới, năm nay, người nghèo và các đối tượng chính sách khác yên tâm hơn vì nguồn vốn ưu đãi luôn sát cánh cùng họ để khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế XĐGN. Năm mới, hứa hẹn sẽ mang đến những mùa vụ bội thu, những ao cá đầy ắp cho bà con dân nghèo tại tỉnh Đồng Tháp.
|
|
Tại tỉnh Đồng Tháp, hàng năm Ban chỉ đạo XĐGN các địa phương đều tổ chức điều tra nắm số đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn để làm cơ sở đề ra công tác giảm nghèo, trong đó chú trọng phân loại đối tượng hộ nghèo có nhu cầu vay vốn, đồng thời phân công cho các hội, đoàn thể theo dõi và giúp đỡ hộ nghèo sử dụng nguồn vốn vay phát triển kinh tế. Nhiều địa phương đã phân công đoàn thể phụ trách, theo dõi chặt chẽ từng đối tượng hộ nghèo thuộc hội viên mình quản lý nhằm nắm bắt tâm tư nguyện vọng từng hộ để có các giải pháp hỗ trợ. Đến nay, toàn tỉnh có trên 201 nghìn khách hàng vay với tổng dư nợ trên 1.443 tỷ đồng |