Tiếp cận vốn ưu đãi, dân vùng lòng hồ vươn lên
Đăng ngày: 6/3/12Thời gian qua, NHCSXH huyện Mai Châu (Hòa Bình) đã không ngừng nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động, mở rộng cho vay đối với hộ nghèo, đối tượng chính sách, HSSV có hoàn cảnh khó khăn, cho vay GQVL.

Chúng tôi có mặt tại Phúc Sạn, xã nghèo nhất huyện Mai Châu vào những ngày này. Xã có 507 hộ, hơn một nửa thuộc vùng lòng hồ Thủy điện Hòa Bình, trong đó có tới 70% số hộ thuộc diện nghèo. Hơn 40 năm qua từ ngày những người dân Phúc Sạn hiến đất, hiến nhà cho công trình thủy điện, thì cũng ngần ấy năm họ phải vật lộn với cuộc mưu sinh.
Ông Bùi Văn Yêu - Bí thư Đảng ủy xã tâm sự: "Thu nhập chính của người dân trong xã chỉ dựa vào 2 nguồn là trồng luồng và nuôi cá lồng, tuy vậy cũng chỉ 30% số hộ có đủ điều kiện đầu tư vào nghề này, bởi rủi ro rất cao. Ngoài ra, vài chục ha đất nông nghiệp phân bố ở các thung lũng và chân núi nên việc canh tác của bà con gặp nhiều khó khăn".
Chủ tịch Hội ND xã, ông Nguyễn Văn Chương cho biết thêm: "Phúc Sạn có 20ha ruộng lúa nằm dưới chân núi hoặc ẩn sâu trong những thung lũng nhỏ hẹp, chưa mưa đã úng ngập, chưa nắng đã hạn. Điển hình như vụ xuân vừa rồi chỉ cấy được 10ha; 85% đất rừng trồng luồng, 15% diện tích còn lại là rừng tự nhiên. Nhà nhiều có 2 - 3ha luồng, ít thì 1ha nhưng luồng trồng đã mấy chục năm nên đang già cỗi dần". Theo tính toán 1ha luồng có thể trồng 200 gốc, 1 năm thu được 3 cây/gốc. Với giá trung bình 20 nghìn đồng/cây, số tiền thu được khoảng 12 triệu đồng/ha/năm.
Từ ngày rời vùng lòng hồ, cuộc sống của người dân Phúc Sạn bớt bấp bênh theo con nước, nhưng không vì thế mà họ quên đi lợi thế của lòng hồ đem lại. Chăn nuôi, đánh bắt thủy sản tại vùng lòng hồ là nghề kiếm cơm của không ít người dân Phúc Sạn. Người được coi là tiên phong trong việc "đưa luồng hạ thủy" để nuôi trồng thủy sản chính là ông Bùi Văn Kế.
Theo ông Kế: "Trước đây khi mới lên bờ, cuộc sống của gia đình tôi chỉ trông chờ vào 1ha luồng. Cách đây mấy năm tôi quyết định vay 20 triệu đồng từ NHCSXH Mai Châu để đầu tư làm bè, đóng lồng thả cá. Mới đầu chỉ dám nuôi 1 - 2 lồng cá thịt, gần đây có vốn tôi quyết định đầu tư lên 10 lồng, trong đó 3 lồng ươm cá giống, 7 lồng nuôi cá trắm đen, rô phi đơn tính, dầm xanh. Với giá bình quân 70 nghìn đồng/kg như hiện nay, mỗi năm tôi thu lãi hơn 30 triệu đồng".
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc NHCSXH huyện Mai Châu, NHCSXH huyện luôn chủ động xây dựng kế hoạch nhằm triển khai, thực hiên việc giải ngân nhanh chóng và đồng bộ ở các địa phương. Để thực hiện cho vay hiệu quả, ngân hàng phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể, kiện toàn các Tổ TK&VV, nâng cao năng lực quản lý vốn cho các Tổ trưởng. Từ đó, các tổ chức hội, đoàn thể các Tổ TK&VV đã phát huy tốt vai trò uỷ thác. Trong triển khai cho vay, ngân hàng không chỉ đảm bảo đúng quy trình nghiệp vụ của mình, quan tâm việc tuyên truyền, chuyển vốn đến tận tay người cần vốn mà còn đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng vốn hiệu quả. Vì vậy, trong quá trình cho vay, cán bộ ngân hàng còn phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể bám sát điều kiện của địa phương và mục đích vay vốn để hướng dẫn, định hướng và kiểm tra quá trình sử dụng vốn.
Đối với các xã vùng đặc biệt khó khăn, việc tuyên truyền định hướng giúp bà con sử dụng vốn hiệu quả luôn được quan tâm. Thông qua tín dụng ưu đãi, đồng vốn chính sách đã đến tay hộ gia đình nghèo, các đối tượng chính sách trên địa bàn, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, thực hiện XĐGN, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân.
Ông Yêu khẳng định: "Những năm qua nhờ nguồn vốn của NHCSXH cùng với sự đầu tư đúng hướng, các hộ vay vốn ở xã Phúc Sạn, đặc biệt là hộ đồng bào DTTS ĐBKK đã phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi để vươn lên thoát nghèo bền vững".
Thành Vinh