Tiếc con săn sắt, làm sao bắt con cá rô?
Đăng ngày: 6/6/11Có những chê trách rằng, doanh nghiệp Việt… dại khi không mua bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Vậy thì, vì sao lại “dại”?
Luật sư Võ Nhật Thăng, Trọng tài viên, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết, chỉ khoảng 20-30% doanh nghiệp trong nước biết tới hình thức bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Trong khi đó, trên thực tế đã có rất nhiều tranh chấp xảy ra đối với trường hợp “quên" mua bảo hiểm.
Doanh nghiệp bảo hiểm: Chưa dám mạo hiểm
Quyết định số 2011/QĐ-TTg về thực hiện thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu đã xác định mục tiêu đến cuối năm 2013, tối đa 3% kim ngạch xuất khẩu sẽ được bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Nhưng đến thời điểm này mới chỉ có 3 doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, gồm Tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí (PVI), Tổng Công ty Bảo Minh (Bảo Minh) và Công ty TNHH Bảo hiểm QBE. Trong đó, QBE có 2 hợp đồng đạt doanh thu phí bảo hiểm tín dụng xuất khẩu hơn 4 tỷ đồng, Bảo Minh có 6 hợp đồng, đạt doanh thu phí 3 tỷ đồng.
Thực tế ở Việt Nam, các công ty bảo hiểm vẫn gặp khó khăn lớn ở mạng lưới, mối quan hệ để thẩm định khách hàng nước ngoài, thu xếp được nhà tái bảo hiểm. |
Theo ông Nguyễn Anh Đức, Trưởng Phòng bảo hiểm hỏa hoạn rủi ro (Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt), đây là một lĩnh vực kinh doanh quốc tế mang tính chuyên môn cao, chính vì thế các doanh nghiệp bảo hiểm cũng… sợ rủi ro.
Tuy đã có một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang chuẩn bị triển khai bảo hiểm tín dụng xuất khẩu dưới hình thức kết hợp với một số công ty nước ngoài, trong đó có Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC), Bảo Việt..., nhưng những công ty này chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Lấy kinh nghiệm của “người trong cuộc”, ông Đức cho rằng, doanh nghiệp bảo hiểm thận trọng trong việc triển khai bảo hiểm tín dụng xuất khẩu là bởi muốn bán được sản phẩm này, họ phải có mối quan hệ rộng rãi với các doanh nghiệp, ngân hàng nước ngoài, từ đó mới thẩm định được năng lực thanh toán của doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài, đồng thời phải thu xếp được nhà tái bảo hiểm.
Yêu cầu này không phải doanh nghiệp bảo hiểm nào cũng đáp ứng được.
Thực tế ở Việt Nam, các công ty bảo hiểm vẫn gặp khó khăn lớn ở mạng lưới, mối quan hệ để thẩm định khách hàng nước ngoài, thu xếp được nhà tái bảo hiểm. Mặt khác, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu còn đòi hỏi doanh nghiệp bảo hiểm có đủ năng lực đánh giá rủi ro thương mại, rủi ro chính trị đến với nhà nhập khẩu, ngân hàng và khả năng biến động chính trị tại nước nhập khẩu. Làm sao có được thông tin đầy đủ để đánh giá tương đối chính xác rủi ro nói trên cũng là cả một thách thức lớn với doanh nghiệp bảo hiểm.
Doanh nghiệp xuất khẩu: Lực bất tòng tâm
Về phía các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, Luật sư Thăng nhìn nhận, doanh nghiệp chưa nhận thức hết các rủi ro có thể gây tổn thất đối với hàng hóa của mình trong giao dịch ngoại thương.
15-20% là mức chi phí bảo hiểm trong tổng giá thành hàng hóa |
“Doanh nghiệp Việt Nam hiện còn ở thế yếu trước đối tác nên không giành được quyền mua bảo hiểm cho hàng hóa. Không chỉ hạn chế trong khả năng nhận biết về rủi ro pháp lý quốc tế mà nhiều nhà xuất khẩu trong nước thậm chí không có khái niệm bảo hiểm xuất khẩu là một loại chi phí nên không đưa chi phí bảo hiểm vào giá thành”, ông Thăng bình luận.
Mặt khác, ông Tạ Quang Cận, Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Udomxay Nam Định cho biết: “Chúng tôi cũng đã biết đến loại hình dịch vụ bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, nhưng cho đến thời điểm hiện tại để tiếp cận được dịch vụ này thì không biết phải liên lạc với đơn vị nào để triển khai. Mọi thông tin liên quan về dịch vụ bảo hiểm tín dụng xuất khẩu đều rất ít”.
Cũng với ý “thanh minh”, ông Bùi Văn Thành, Giám đốc Công ty cổ phần chế biến xuất khẩu thủy sản Nghệ An cho rằng, ngoài việc các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chưa quen với thông lệ quốc tế, họ còn chủ quan cho rằng, với kinh nghiệm xuất khẩu nhiều năm của họ thì rủi ro người mua không thanh toán hay phá sản rất thấp. Đồng thời, mua bảo hiểm tín dụng xuất khẩu sẽ làm tăng chi phí, dẫn đến tăng giá…
Đồng tình với quan điểm trên, ông Hà Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bắc Giang chia sẻ, giá bảo hiểm cao cũng tác động tới tính cạnh tranh sản phẩm trên thị trường. Đối với thị trường mới, doanh nghiệp nên lựa chọn phương thức bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, còn đối với thị trường quen thuộc lâu năm, doanh nghiệp sẽ phải có hình thức bảo hiểm khác, ông Hoa tư vấn. Luật sư Thăng cũng cho rằng, đối với khu vực hay gặp rủi ro thì doanh nghiệp nên mua bảo hiểm tín dụng.
Thay lời kết
Được coi là điều kiện tiên quyết đối với tất cả các quốc gia muốn đẩy mạnh xuất khẩu và hỗ trợ xuất khẩu an toàn, loại hình bảo hiểm này rất cần được Nhà nước có chính sách đầu tư, khuyến khích phát triển, song song với việc được trích lập dự phòng rủi ro hoặc bảo lãnh của Chính phủ đối với xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực theo hợp đồng ký kết giữa các Chính phủ.
Sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc đánh giá rủi ro thương mại, rủi ro chính trị đến với nhà nhập khẩu, ngân hàng nước nhập khẩu và khả năng biến động chính trị tại nước nhập khẩu… cũng là vô cùng quan trọng.
Được biết, Bộ Công Thương cũng đã đề cập đến giải pháp nhanh chóng triển khai thành lập Công ty Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Mô hình công ty này đang được Bộ Công Thương và Bộ Tài chính hoàn thiện sau khi tham khảo kinh nghiệm một số nước. Đây cũng chính là giải pháp nâng cao khả năng của loại hình bảo hiểm vốn rất mới mẻ này tại Việt Nam.
Theo Ngọc Thu
Doanh nhân