Thông tin hoạt động ngân hàng được công khai tại xã Tình đất - nghĩa ngân hàng
Đăng ngày: 3/2/12Mây bồng bềnh bay, len lỏi vào những ngôi nhà trên sườn núi, khiến tôi liên tưởng Xuân Trường - một xã ở Đà Lạt giống như một Tam Đảo thu nhỏ.
Chỉ có một điểm khác là nếu người dân Tam Đảo chọn su su làm thương hiệu nông sản thì Xuân Trường, lấy cà phê làm "cây thoát nghèo".
Có một Tam Đảo trong lòng Đà Lạt
Dường như cái lạnh của miền Bắc cũng theo chân tôi đến xứ sở của Đà Lạt "đồi núi trập trùng" như lời bài hát Mimosa của nhạc sĩ Trần Kiết Tường. Dù trên người khoác chiếc áo "chống đại hàn" nhưng ông Huỳnh Thanh Lân - Giám đốc NHCSXH (VBSP) tỉnh Lâm Đồng vẫn không ngừng suýt xoa vì lạnh quá. Bên ấm trà nóng, hàn huyên mấy câu chuyện nhưng cuối cùng cũng xoay quanh đề tài vốn tín dụng ưu đãi của tỉnh Lâm Đồng. Ông Lân kể về mấy hộ gia đình tiêu biểu, dù có hoàn cảnh khó khăn nhưng được tín dụng HSSV tiếp sức đã cho con cái ăn học nên người, rồi nhiều tấm gương điển hình về thoát nghèo. Ông cũng nhắc tới địa danh Xuân Trường (Vĩnh Phúc, Lâm Đồng) - một xã Anh hùng thời chống Mỹ, được chọn thí điểm chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhìn xa xa, thấp thoáng những mái nhà trải dài từ lưng chừng lên trên đỉnh núi Xuân Trường giống như một Tam Đảo thu nhỏ. Xuân Trường có thành tích ấn tượng là xã Anh hùng trong chiến tranh chống giặc Mỹ và được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang năm 2002. Ngày nay, người dân Xuân Trường cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất.
Đến Xuân Trường vào dịp thu hoạch cà phê - cây trồng chính, "cây thoát nghèo" được Phó phòng KHNVTD chi nhánh làm "công tác dân vận" Nguyễn Hữu Quang đưa tôi đi tác nghiệp. Từng làm cán bộ tín dụng "cắm chốt" 3 năm ở Xuân Trường nên nhìn phong cách nói chuyện thân mật với cán bộ chính quyền xã cho tới tổ chức hội, đoàn thể là biết anh Quang đã bám sát cơ sở như thế nào. Người Xuân Trường tự hào vì được trời phú cho chất đất màu mỡ lại cộng thêm khí hậu thuận lợi để trồng cà phê. Nếu như Đà Lạt có độ cao trung bình 1.500 mét so với mặt nước biển thì Xuân Trường có độ cao khoảng 1.600 mét. Thường thì Xuân Trường thấp hơn Đà Lạt từ 1 - 20C. Người dân Xuân Trường sống tập trung vào một khu giống như thị trấn Tam Đảo, nhưng canh tác ở khu khác. Người dân Xuân Trường chọn hai loại giống cà phê Moka và Katimo (thuộc họ Arabica). Theo các hộ nông dân trồng cà phê, hai giống cà phê này rất hợp với đất ẩm ở Đà Lạt, chỉ cần làm cỏ bón phân là cây cà phê xanh tốt. Gần đây, giống Katimo cho năng suất tốt hơn nên người dân đang chuyển dần sang loại này với sản lượng trung bình 15 tấn/ha. Bà Nguyễn Thị Thu Trúc - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường cho biết, nhờ lợi thế "được mùa lại được giá" của cà phê trong 2 năm qua, nên thu nhập bình quân đầu người đã đạt 20 triệu đồng/năm. Cà phê được giá, năng suất cao kiến người dân đang chuyển đổi từ chè sang cà phê. Trong khi diện tích cà phê của Xuân Trường khoảng 230ha, thì diện tích chè chỉ 30ha. Tôi nhẩm tính, nếu đạt năng suất 15 tấn/ha thì cả xã Xuân Trường đạt gần 3.500 tấn cà phê tươi và nhân với giá cà phê khoảng 14 nghìn đồng/kg thì doanh thu từ cà phê của cả xã xấp xỉ 50 tỷ đồng.
Tình đất - nghĩa ngân hàng
Xuân Trường đã "thay da đổi thịt" song những ký ức thăng trầm của người nông dân với cây cà phê thì vẫn chưa ai quên. Người Xuân Trường không quên chuyện "ngân hàng cứu cà phê" thời điểm năm 2008. Khi ấy do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cà phê rớt giá thê thảm, ngược lại giá phân bón tăng mạnh. Không có vốn, cộng thêm suy nghĩ thiếu lạc quan cho rằng đang đầu tư vào lĩnh vực không sinh lời, nhiều hộ trồng cà phê đứng ngồi không yên. "Chẳng lẽ lại bỏ đất, bỏ cây" - ông Nguyễn Thanh Hùng, thôn Trung Xuân nhớ lại. Đúng lúc đó, nguồn vốn VBSP được chuyển về Xuân Trường, hộ vay ít được 10 triệu đồng, hộ vay nhiều thì 20 - 30 triệu đồng. Nguồn vốn VBSP được ví như nguồn vốn của nghĩa tình, tiếp sức cho người dân vượt qua khó khăn. Có vốn. người dân mua phân bón, quên nỗi lo rớt giá, tiếp tục chăm sóc cà phê để đạt thành quả như ngày nay.
Ông Triệu Bảo Linh, một người Hoa thuộc diện hộ nghèo được vay 20 triệu đồng của VBSP trồng cây cà phê tâm sự: "Với số tiền vay của VBSP, tôi đã mua giống cà phê và phân bón để trồng 1,5ha cà phê. Năm 2010, vườn cà phê của tôi đã cho thu hoạch 20 tấn bán được 200 triệu đồng, trừ các chi phí thuê nhân công chăm sóc, thu lãi khoảng 150 triệu đồng". Gia đình ông Linh luôn tự hào khi trở thành một trong những hộ thoát nghèo từ trồng cà phê. Bà Nguyễn Thị Thu Trúc cho biết, Xuân Trường có 1.860 hộ, khoảng 6.280 nhân khẩu, năm 2011, xã đã có 6 hộ thoát nghèo, chỉ còn 24 hộ chưa thể thoát nghèo, chủ yếu là những hộ neo đơn.
Niềm vui của người dân Xuân Trường ngày càng được nhân lên khi có gần 100% hộ gia đình được sử dụng nước sạch. Trước đây, người dân phải đi lấy nước ở một cái "mó nước" gánh về nhà dùng. Sau này "nâng đời" xây được đập chứa nước, nhưng nguồn nước không đạt chuẩn vệ sinh theo tiêu chí của Bộ NN&PTNT. Thậm chí khi nguồn nước sạch đã dẫn từ nhà máy về xã nhưng nhiều người dân vẫn không có tiền dẫn nước về nhà. Và một lần nữa nguồn vốn VBSP lại phát huy hiệu quả khi cho hàng trăm hộ vay vốn chương trình xây dựng công trình nước sạch.
Cán bộ tín dụng Nguyễn Hữu Quang cho biết thêm, nhiều người vay vốn VBSP chuyển luôn tiền qua Công ty nước sạch để họ lắp đặt, theo thiết kế của nhà máy nước, tránh sử dụng vốn sai mục đích. Nâng niu cuốn Sổ vay vốn của VBSP, bà Nguyễn Thị Nhứt, thôn Trường Xuân 1 tâm sự: năm 2007 bà được vay 4 triệu đồng để lắp đặt hệ thống nước sạch, đến nay bà đã trả hết nợ. Nhưng hiện bà Nhứt vẫn đang vay 10 triệu đồng của chương trình cho vay hộ gia đình SXKDVKK để chăm sóc cây cà phê. Với 5 sào cà phê, năm 2010 thu được 3 tấn, năm 2011 ước thu hoạch được 5 tấn. "Nhà chỉ hai mẹ con, được như vậy là ăn Tết to rồi" - bà Nhứt khoe với chúng tôi.
Ra về, tôi cứ thầm nghĩ, người dân Xuân Trường có thể tự hào là xã thí điểm xây dựng chương trình nông thôn mới. Và một tin vui được bà Nguyễn Thị Thu Trúc chia sẻ, đến nay trụ sở UBND xã đang được xây dựng, điện, đường. trường học, trạm y tế đã đầy đủ trong 19 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới. Xuân Trường đã đạt được 14 tiêu chí, trong đó, để đạt được tiêu chí về nước sạch có sự đóng góp lớn từ nguồn vốn của VBSP. Một số tiêu chí như lao động, chợ, học nghề... và phấn đấu đạt được vào năm 2015. Rời Xuân Trường vào buổi chiều tà, trên xe trở về TP. Đà Lạt, gió rít mạnh qua những rặng phi lao hai bên đường, những chiếc xe tải chở cà phê cũng vội vã rời Xuân Trường để về thành phố. Tôi nói với Nguyễn Hữu Quang, giá như Đà Lạt mạnh dạn đưa Xuân Trường trở thành một điểm du lịch như Tam Đảo ở ngoài Bắc thì cực kỳ lý thú và hấp dẫn... Và biết đâu lần sau trở lại vùng đất này tôi sẽ được đến Xuân Trường - điểm du lịch mới của xứ sở mộng mơ.
Quang Cảnh