Thống đốc yêu cầu hỗ trợ khắc phục thiệt hại do xâm nhập mặn
Đăng ngày: 03/09/2016Ngày 9/3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã ban hành chỉ thị về việc hỗ trợ người dân chống hạn, xâm nhập mặn.
![]() |
Người dân Đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại nặng do hiện tượng xâm nhập mặn vào các cánh đồng trồng lúa. |
Theo đó, tại Chỉ thị số 03/CT-NHNN về việc hỗ trợ khắc phục thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn và khôi phục sản xuất tại các tỉnh Đồng bằng song Cửu Long, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nêu rõ: Do ảnh hưởng của El Nino, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương, tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long là hết sức nghiêm trọng.
Và để hỗ trợ khắc phục thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn, giúp người dân, tổ chức kinh tế ổn định sản xuất và đời sống, Thống đốc yêu cầu:
Đối với tổ chức tín dụng: Chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát thiệt hại vốn tín dụng do hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long; Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi: Trên cơ sở số liệu thiệt hại vốn tín dụng đã được xác định, tổ chức tín dụng xem xét thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay theo thẩm quyền và khả năng tài chính của tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch trên địa bàn căn cứ vào Quyết định công bố thiên tai do hạn hán, xâm nhập mặn của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố khẩn trương hướng dẫn, phối hợp với khách hàng hoàn thiện hồ sơ đề nghị khoanh nợ và tổng hợp số liệu báo cáo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố và Trụ sở chính của tổ chức tín dụng để khoanh nợ theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Thông tư hướng dẫn số 10/2015/TT-NHNN ngày 22/7/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Đồng thời tiếp tục cho vay khôi phục sản xuất, ổn định đời sống: tổ chức tín dụng chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch căn cứ vào khả năng phục hồi sản xuất của khách hàng tiếp tục cho vay để khách hàng thực hiện phương án, dự án sản xuất kinh doanh theo quy định. Tổ chức tín dụng chủ động huy động, điều hoà để đảm bảo nguồn vốn cho các nhu cầu vay khôi phục sản xuất của khách hàng.
Chủ động tiếp cận, tham gia đầu tư vào các dự án, chương trình đầu tư các công trình phòng, chống, hạn chế hạn hán, xâm nhập mặn, công trình nước sạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với quy định về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng;
Căn cứ vào khả năng tài chính, tổ chức tín dụng thực hiện công tác hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân tại các địa phương bị thiệt hại nghiêm trọng, nhất là đối với đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn, nhằm giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội: Chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, xác định tình hình và số thiệt hại vốn tín dụng do hạn hán, xâm nhập mặn các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long để gia hạn nợ, khoanh nợ, xóa nợ theo quy định tại Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Ưu tiên đảm bảo nguồn vốn để cho vay theo các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, bao gồm cả các đối tượng có nợ bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn chưa trả được nợ cho ngân hàng và đang được xem xét xử lý theo quy định.
Cân đối nguồn vốn để ưu tiên cho chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn đối với các vùng bị thiệt hại nặng do hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long: Phối hợp với các Sở, ban, ngành địa phương rà soát, xác định các vùng, đối tượng bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn để chỉ đạo các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, khoanh nợ, xóa nợ cho khách hàng bị thiệt hại, đồng thời tiếp tục cho vay mới để hỗ trợ khách hàng sản xuất, kinh doanh theo nội dung của Chỉ thị này.
Trường hợp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố công bố tình hình thiên tai do hạn hán, xâm nhập mặn, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố đầu mối tổng hợp tình hình thiệt hại từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng và số liệu tổng hợp đề nghị khoanh nợ trên địa bàn để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xác nhận, làm cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Thông tư số 10/2015/TT-NHNN.
Định kỳ trước ngày 10 hàng tháng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế) tình hình hỗ trợ khắc phục thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn theo mẫu biểu đính kèm Chỉ thị này.
Ngoài ra, Thống đốc cũng yêu cầu Vụ Tín dụng các ngành kinh tế tổng hợp tình hình thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long; tham mưu cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong việc chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các biện pháp hỗ trợ khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn, khôi phục sản xuất tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Làm đầu mối phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để tham mưu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề xuất Thủ tướng Chính phủ các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và tổ chức tín dụng chống hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.
Theo petrotimes.vn