Thống đốc nói về lợi ích nhóm ngân hàng
Đăng ngày: 14/11/12Năm nay, NHNN đã thanh tra toàn diện 27 TCTD và phát hiện ra nhiều sai phạm. Quan điểm của NHNN là nếu vi phạm chỉ dừng ở mức độ liên quan kinh tế thì sẽ tạo điều kiện cho khắc phục hậu quả.
Trong phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều 13/11, nhiều câu hỏi đặt ra với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về vấn đề nợ xấu và có hay không nhóm lợi ích ngân hàng.
Thống đốc NHNN cho biết, trong đợt thanh tra toàn diện tích cực từ đầu năm tới nay, ngoài thanh tra các NHTM yếu kém phải tái cơ cấu, thì NHNN đã thanh tra 27 tổ chức tín dụng trong toàn quốc. Đây là lượng các TCTD được thanh tra toàn diện lớn nhất từ trước tới nay.
Riêng về nợ xấu, nổi lên nhiều vấn đề. Nhiều TCTD bị chi phối bởi một nhóm cổ đông, dư nợ của nhóm này và các khách hàng liên quan đến nhóm cổ đông này chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng dư nợ của một TCTD, thậm chí chiếm đến 90%. Việc này vi phạm quy định nghiêm trọng pháp luật, đặc biệt là luật các TCTD.
Chính dư nợ của TCTD nằm trong một nhóm các cổ đông, khách hàng, mà đặc biệt lại liên quan nhiều đến bất động sản, khiến nợ xấu của bản thân TCTD đó tăng mạnh, dẫn đến thua lỗ trong thời gian qua.
Biện pháp xử lý của NHNN, theo thống đốc, sau một quá trình phát triển, qua công tác thanh tra giám sát thì cho thấy, ý thức chấp hành của nhiều TCTD yếu kém. Đến nay, NHNN kiên quyết thanh tra để phát hiện đầy đủ sai phạm, từ đó có biện pháp xử lý.
Tùy theo mức độ vi phạm nặng nhẹ để có giải pháp phù hợp. Nếu chỉ vi phạm về kinh tế, NHNN sẽ tạo điều kiện tối đa để các đối tượng này khắc phục được hậu quả để đảm bảo tiền của nhân dân, nhà nước phải được đảm bảo và trả về đúng đối tượng.
Về việc nợ xấu cao có tiếp tay của lãnh đạo ngân hàng, của cán bộ hay không. Thống đốc cho biết, có những TCTD bị thao túng bởi một nhóm cổ đông, mà nhóm đó giữ trọng trách lãnh đạo trong TCTD, dù cán bộ cấp dưới biết, nhưng cán bộ cấp cao vẫn quyết định, khiến cho dư nợ rơi vào nhóm cổ đông.
Về vay nợ giữa các ngân hàng, thống đốc cho biết là có hiện tượng này. Thị trường liên ngân hàng quy mô không lớn, cỡ 400 – 500 nghìn tỷ đồng. Về cơ bản thì đây là thị trường tích cực.
Nhưng trong suốt thời gian phát triển vừa qua, NHNN vẫn gần như bỏ trống quy định ngân hàng vay mượn lẫn nhau nên các ngân hàng luôn đứng trên quan điểm ngân hàng không được đổ vỡ và vẫn cho vay. Ngân hàng A biết ngân hàng B yếu kém, nhưng lãi cao, A vẫn cho B vay. Vì thế nhiều ngân hàng dựa vào nguồn vốn này để cho vay lại khách hàng lấy lãi cao hơn. Bản chất liên ngân hàng là để đảm bảo thanh khoản ổn định nhưng tình hình trên lại là vấn đề nhức nhối cần xử lý.
Về hoạt động tái cơ cấu, thống đốc cho biết, từ khi tái cơ cấu đến nay, NHNN chưa bắt ép TCTD nào phải tái cấu trúc, mà mới chỉ vạch rõ tình trạng của TCTD đó, để TCTD tự khắc phục, nếu tự xoay sở bằng cách bán tài sản, tìm cổ đông, thì được tự tái cấu trúc.
Vậy nên không thể nói là có lợi ích nhóm trong hoạt động tái cơ cấu. Riêng quản lý ngân hàng, các quy định của Nhà nước là rất chặt chẽ.
Còn về kết quả thanh tra, trong những lần thanh tra, kết luận phải được thông qua HĐQT của TCTD, và TCTD chấp nhận rồi mới ký vào kết luận. Trong vòng 90 ngày, TCTD được quyền khiếu nại về kết luận thanh tra, nên không có việc áp đặt kết luận thanh tra ở đây.
Đối với việc thành lập công ty xử lý nợ xấu, tạm gọi là AMC, thống đốc cũng khẳng định không có lợi ích nhóm ở đây. Bởi lẽ, đề án thành lập ra công ty mua bán nợ không phải là đề án của NHNN. NHNN chỉ được Chính phủ giao cho thay mặt Chính phủ soạn thảo và nghiên cứu kinh nghiệm trong và ngoài nước để đề xuất mô hình hoạt động, nội dung hoạt động của công ty này.
Thành Hưng
Theo TTVN
Từ Khóa: PT, Vi Phạm, Kinh Tế, KT, NHNN, Nhân Dân, Đối Tượng,