Thống đốc, điểm 8 và nửa giải Nobel
Đăng ngày: 14/11/12Trước nghị trường, cũng là trước 90 triệu người dân, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã tự nhận 8 điểm về công tác điều hành tiền tệ, và xin nhận “nửa giải Nobel” nếu giải quyết được một trong những vấn đề tăng trưởng - lạm phát - tỷ giá.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình tự nhận điểm 8 về công tác điều hành
Là người được quan tâm nhất trong phiên chất vấn, với 361 phiếu đại biểu muốn đặt câu hỏi, Thống đốc đã lần lượt giải thích những vấn đề nóng bỏng như độc quyền thị trường vàng, tín dụng cho doanh nghiệp, nghi vấn lợi ích nhóm trong tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và núi nợ xấu chưa có dấu hiệu giảm.
Trả lời và lý giải được hầu hết các vấn đề, Thống đốc tự chấm mình 8 điểm cho công tác điều hành. Trước yêu cầu của một số đại biểu về việc phải duy trì đồng thời mức tăng trưởng cao, níu lạm phát xuống thấp và giữ giá đồng tiền, Thống đốc đã nói vui rằng nếu làm được một trong những việc đó ông xin nhận “1/2 giải Nobel”. Và có lẽ Thống đốc đã khiêm tốn, bởi ai cũng hiểu bộ ba kinh điển “bất khả thi” giữa tăng trưởng - lạm phát và tỷ giá, dù rằng Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm để nâng cao hiệu quả sử dụng đồng tiền nhằm kéo hệ số tỷ lệ thuận giữa lạm phát và tăng trưởng xuống mức thấp hơn.
Có thể nói, Thống đốc đã có một phiên trả lời chất vấn khảng khái, tự tin và rất kiên định với quan điểm điều hành của mình. Không có sự bối rối nào trước câu hỏi rất nóng và gay gắt từ nghị trường, đồng nghĩa với việc NHNN sẽ không cân chỉnh lại chiến lược và giải pháp điều hành trong thời gian tới. Nhưng đằng sau điểm 8 mà Thống đốc tự nhận, vẫn còn rất nhiều điều mà cử tri và đại biểu muốn hỏi, muốn làm rõ hơn nữa.
Bằng chứng là sáng nay các đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, Dương Trung Quốc đã đặt những câu hỏi, đáng ra dành cho Thống đốc, về tín dụng cho doanh nghiệp và độc quyền vàng miếng tới người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Và còn nhiều băn khoăn khác: Làm sao để chống vàng hóa thành công và huy động vàng trong dân để tăng thanh khoản nhưng không để người dân chịu thiệt và lo lắng tức thời? Đồng tiền người dân có được từ chính sách huy động vàng sẽ được đầu tư vào đâu khi các thị trường đầu tư cơ bản như bất động sản, chứng khoán đều xám xịt? Làm sao để đồng vốn bơm vào nền kinh tế thực sự đến với khối sản xuất, không đi vào đầu cơ và không bị biến tướng thành đòn bẩy tài chính cho các nhóm lợi ích ở nhiều ngành khác nhau? Và có hay không những mục tiêu xen cài khác phía sau mục tiêu ổn định vĩ mô - chống vàng hóa - ổn định tỷ giá?
Những câu hỏi đó có lẽ sẽ còn theo suốt nhiệm kỳ của Thống đốc, cho đến lúc nào người cầm vàng không còn nơm nớp sợ “vàng rơi”, các doanh nghiệp tốt bớt kêu thiếu vốn, hệ thống ngân hàng trở nên khỏe mạnh và nền kinh tế “con hổ mới của châu Á” một thời không còn phải loay hoay chống chọi với lạm phát.
Từ Khóa: PT, TG, Ngân Hàng, NH, Đồng Tiền, Thống Đốc, Lạm Phát,