Thành công trong công tác XĐGN ở Lâm Đồng
Đăng ngày: 3/2/12Lâm Đồng là một tỉnh miền núi ở phía Nam Tây Nguyên, đời sống của người dân, nhất là đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.
Xác định công tác giảm nghèo, tạo việc làm cho người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Những năm qua tỉnh đã huy động tối đa mọi nguồn lực để thực hiện công tác XĐGN và đạt được những thành công đáng ghi nhận. Góp phần xây dựng nên những thành công ấy có đóng góp không nhỏ của vốn vay ưu đãi từ NHCSXH. Phóng viên chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Lâm Đồng.
Phóng viên: Năm 2011 nền kinh tế của nước ta gặp nhiều khó khăn, giá cả tăng cao, tình trạng lạm phát vẫn còn tiếp diễn ảnh hưởng đến hoạt động của NHCSXH, tỉnh Lâm Đồng đã có những biện pháp nào để hỗ trợ chi nhánh trong quá trình hoạt động?
Trả Lời: Từ khi NHCSXH tỉnh Lâm Đồng được thành lập đến nay, UBND tỉnh thông qua Ban đại diện HĐQT NHCSXH đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức hội, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với NHCSXH triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi. NHCSXH tỉnh tham mưu cho Ban đại diện phân bổ vốn tín dụng ưu đãi về các huyện, thành phố gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Trong khả năng có hạn, ngân sách địa phương cũng đã ủy thác cho NHCSXH hơn 34 tỷ đồng để cho vay, trong đó vốn ngân sách tỉnh là 27 tỷ đồng, vốn ngân sách cấp huyện là 7 tỷ đồng.
Hoạt động của NHCSXH tỉnh Lâm Đồng trong năm qua đã bám sát và triển khai có hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội tại địa phương phát triển, đảm bảo ASXH, tạo được niềm tin, chỗ dựa vững chắc của người nghèo và đối tượng chính sách khác.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về hoạt động của NHCSXH tỉnh Lâm Đồng trong việc giúp dân XĐGN và đảm bảo ASXH?
Trả lời: Với 9 chương trình cho vay qua 3.155 Tổ TK&VV do 4 tổ chức hội, đoàn thể thành lập và quản lý tại khắp các thôn, làng. NHCSXH tỉnh Lâm Đồng xây dựng 148 điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn thực hiện nhiệm vụ như là những “ngân hàng lưu động” để đưa đồng vốn đến tận tay hộ nghèo và đối tượng chính sách. Đến nay, tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh đạt 1.816 tỷ đồng với 102 nghìn hộ còn dư nợ. Trong đó, dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo là 663 tỷ đồng, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ là 39 tỷ đồng, GQVL 72,8 tỷ đồng, XKLĐ 13,6 tỷ đồng, HSSV 556 tỷ đồng, hộ gia đình SXKDVKK 370 tỷ đồng và 77 tỷ đồng chương trình cho vay NS&VSMTNT… Đó là những con số ấn tượng, mang đầy tính thuyết phục cho hiệu quả hoạt động của NHCSXH tỉnh, ngoài ra còn phải kể đến những nỗ lực không biết mệt mọi của cán bộ viên chức và người lao động trong toàn chi nhánh. Họ đang ngày đêm âm thầm chuyển tải vốn vay ưu đãi đến tận tay người thụ hưởng, giúp dân XĐGN và thực hiện các mục tiêu trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh đang triển khai. Những năm qua, nguồn vốn của NHCSXH giúp hàng nghìn lượt hộ thoát nghèo, HSSV được đến trường, đồng bào DTTS có điều kiện phát triển kinh tế, xây dựng hàng chục nghìn công trình NS&VSMTNT. Hoạt động của NHCSXH là cánh tay phải của chính quyền địa phương trong việc thực hiện công tác XĐGN và đảm bảo ASXH.
Xuân này bà con ở Lâm Đồng có nhiều niềm vui mới
Phóng viên: Công tác phối hợp giữa NHCSXH và các hội, đoàn thể những năm qua?
Trả lời: Những năm qua NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với các hội, đoàn thể và Tổ TK&VV kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay của hộ dân, định kỳ hàng tháng, hàng quý NHCSXH đều tổ chức cuộc họp giao ban, qua đó nắm bắt tình hình thực tế để có phương hướng, giải pháp thực hiện sao cho có hiệu quả. Tiến hành lồng ghép chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư vào trong các cuộc họp Tổ TK&VV, cuộc họp của hội, đoàn thể và các buổi tập huấn cho Ban quản lý Tổ TK&VV. Qua đó, giúp người dân biết được các ứng dụng của KHKT vào trong sản xuất, chăn nuôi để cùng với vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế gia đình.
Cũng nhờ công tác phối hợp chặt chẽ với hội, đoàn thể mà nguồn vốn cho vay ưu đãi được đảm bảo, hạn chế thấp nhất tình trạng nợ bị xâm tiêu, chiếm dụng và quản lý tốt vốn vay góp phần làm giảm hộ nghèo của tỉnh hết năm 2011 xuống còn 25 nghìn hộ, giảm 7% so với đầu năm.
Phóng viên: Bước sang năm 2012, đứng trước những khó khăn và thử thách UBND tỉnh sẽ có những giải pháp nào giúp đỡ NHCSXH thực hiện nhiệm vụ của mình?
Trả lời: UBND tỉnh Lâm Đồng ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của chi nhánh NHCSXH tỉnh đối với XĐGN, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. Để tiếp tục phát huy hiệu quả kênh tín dụng ưu đãi ở địa phương, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp tốt hơn nữa với NHCSXH để vừa lồng ghép các chương trình quốc gia về XĐGN với các chương trình tín dụng ưu đãi, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư giảm nghèo đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, hàng năm tỉnh sẽ bổ sung nguồn vốn uỷ thác của ngân sách địa phương để NHCSXH mở rộng cho vay, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn đầu tư phát triển SXKD của hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
UBND tỉnh, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo, quan tâm đến hoạt động của chi nhánh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để chi nhánh hoạt động có hiệu quả hơn, góp phần đắc lực trong công cuộc XĐGN, ổn định xã hội và phát triển kinh tế tại địa phương.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Thị Huệ