Thái Sơn - xã hai không
Đăng ngày: 14/11/12Về Thái Sơn làm việc với bà Hoàng Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội PN xã. Nghe nói tới xã "hai không", theo thói quen nghề nghiệp, tôi nghĩ ngay tới chuyện sinh đẻ có kế hoạch: không sinh con thứ 3, không bạo lực gia đình.

Thái Sơn vốn là một xã nghèo, thuần nông của huyện Đô Lương (Nghệ An). Xã có 12 xóm thì 4 xóm ở vùng đồi núi, 8 xóm vùng đồng bằng. Mấy năm nay, thực hiện công cuộc đổi mới, xã đi "hai chân": nông nghiệp và dịch vụ, ngành nghề. Trong nông nghiệp, Thái Sơn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý. Xã có 370ha lúa 2 vụ, 80% diện tích cơ cấu giống lúa lai; tăng diện tích lạc trên đất cấy 40ha. Tập trung phát triển đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt đàn trâu, bò đã có gần 1.900 con. Toàn xã xây dựng được 11 trang trại lớn, nhỏ có hiệu quả. Phá thế thuần nông, đến nay Thái Sơn thành lập được 11 xưởng mộc dân dụng, tạo công ăn việc làm cho 170 lao động, với mức thu nhập 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, xã còn có 20 tổ thợ nề, 4 công ty xây dựng thu hút trên 300 lao động địa phương. Bước đầu, xây dựng chợ vùng Thái Sơn, trị giá hơn 1 tỷ đồng, có trên 170 hộ tham gia kinh doanh. Toàn xã hiện có 31 xe ô tô con và ô tô vận tải.
Tuy vậy, đến nay Thái Sơn vẫn còn 223 hộ nghèo (13,2%). Bà Nguyệt cho biết: tính đến ngày 30/10/2012, Hội PN xã nhận ủy thác của NHCSXH 5 tỷ 138 triệu đồng với 328 hộ vay 5 chương trình. Trong đó, dư nợ nhiều nhất cho vay HSSV 3 tỷ 841 triệu đồng (160 hộ vay); tiếp đến cho vay hộ nghèo 961 triệu đồng, 44 hộ vay; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 200 triệu đồng (30 hộ vay); cho vay hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở 136 triệu đồng (17 hộ vay)...
Bà Nguyệt năm nay 46 tuổi, nhưng đã có thâm niên 12 năm làm Chủ tịch Hội PN xã. "Từ một cán bộ phong trào ở cơ sở, nay tôi thực thụ như một cán bộ tín dụng của NHCSXH huyện Đô Lương", bà Nguyệt nói vui mà thật. Bà "thuộc lòng" 6 công đoạn đơn vị ủy thác được phép làm, trong đó quan trọng nhất: sau khi ngân hàng giải ngân được khoảng 1 tháng, hội kết hợp với Tổ TK&VV nói là đến thăm, nhưng thực chất là kiểm tra từng hộ, việc sử dụng vốn vay có đúng mục đích hay không? Sau đó định kỳ kiểm tra 3 tháng, 6 tháng... nếu phát hiện sai sót, hội phối hợp với ngân hàng có cách xử lý kịp thời. Ở Thái Sơn, đúng lịch, ngày 15 hàng tháng giao dịch ở xã, trước đó 2 ngày vào chiều 13, Tổ TK&VV họp thường kỳ với nội dung thu lãi, gửi tiết kiệm, đôn đốc thu nợ đến hạn. Cuối buổi họp lồng ghép thêm chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công giúp bà con nên trồng cây gì, nuôi con gì, làm nghề gì để đồng vốn vay phát huy hiệu quả. Với cách làm này, mấy năm nay Thái Sơn thực hiện được "hai không" - không xâm tiêu, không nợ quá hạn vốn vay. Chị Đặng Thị Sinh ở Tổ TK&VV số 1, có chồng đi XKLĐ bị tai nạn về, không làm được gì, vay 30 triệu trong chương trình hộ nghèo. Chị mua 1 con bò, tiền còn thừa mua máy xay bột làm bánh cuốn, bánh khô. Gia đình có 5 người, đảm bảo mức thu nhập 550 ngàn đồng/người/tháng. Chị Nguyễn Thị Huệ, chồng mất sớm, vay 20 triệu đồng trong chương trình GQVL. Mở nghề đúc ống cống thủy lợi, làm thịt lợn đảm bảo cuộc sống cho 3 con ăn, học...
Huyện Đô Lương vốn cho vay HSSV chiếm gần 69,5% tổng dư nợ. Xã Thái Sơn cũng không ngoại lệ. Điều rất đáng mừng, nhiều hộ nêu cao trách nhiệm trả nợ. Hộ ông Trần Đình Nam được vay vốn cho 2/3 con học đại học, trung cấp, với dư nợ 27 triệu đồng. Khoảng 2 năm nữa mới đến hạn trả nợ, nhưng tháng 9/2012 gia đình có nguồn thu nhập, đã trả hết nợ 9 triệu đồng cho con học trung cấp. Bà Trần Thị Sâm, trước khi đi làm ăn ở miền Nam, đã trả 16 triệu đồng trước hạn 3 năm, vay cho con học đại học. "Kinh tế Thái Sơn đang trên đà phát triển, nguồn vốn cho vay HSSV là rất lớn, chúng tôi vận động mọi gia đình có điều kiện là trả nợ, không chờ đến hạn. Đây vừa là trách nhiệm với ngân hàng, vừa là trách nhiệm với thế hệ trẻ nối tiếp", bà Nguyệt chia sẻ khi ra về. Tôi mong, nhiều xã có Chủ tịch Hội PN cùng suy nghĩ như bà Hoàng Thị Nguyệt ở Thái Sơn.