Tây Ninh, Bình Phước: Nông dân chặt điều để trồng sắn và cao su
Đăng ngày: 15/07/2010Cho rằng giá cả hạt điều thời gian gần đây bấp bênh, hiệu quả kinh tế thấp, nhiều hộ dân ở các địa phương trong tỉnh Bình Phước và Tây Ninh đã chặt bỏ cây điều để trồng sắn và cao su. Câu hỏi được nêu ra là làm sao để người nông dân có hướng đi đúng để phát triển nông nghiệp trong nền kinh tế thị trường.
Có thể nói, nhìn vào giá cả trên thị trường hiện nay đối với mủ cao su và củ sắn luôn luôn ở mức cao, hấp dẫn. Trong khi đó, giá hạt điều lại tiếp tục xuống thấp, không kể thường xuyên bị thương lái ép giá. Thêm vào nữa, năng suất hạt điều phụ thuộc vào thời tiết trong khi loại cây trồng này rất dễ bị sâu bệnh gây hại.
Được biết, vụ thu hoạch điều đầu năm nay, giá hạt điều có thời điểm lên tới 17.000đ/kg, thì hiện nay, điều lại bị thất thu, năng suất rất thấp. Tới gần cuối vụ, giá hạt điều chỉ còn khoảng 5.000đ/kg, điều này đã khiến người nông dân nản lòng. Nhiều hộ không còn muốn tính tới chuyện trồng thêm cây điều nữa.
Thủ phủ của điều bị chặt phá
Tỉnh Bình Phước từ lâu được coi là thủ phủ của cây điều. Người trồng điều và sản phẩm điều ở Bình Phước cũng đã được tôn vinh, mới đây, Lễ hội “Quả điều vàng” được tổ chức tại thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình phước đã khẳng định thêm danh hiệu ấy. Tuy nhiên, sau Lễ hội, người dân Bình Phước thi nhau chặt bỏ cây điều, điều này khiến cho niềm tự hào là quê hương của cây điều đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Rất nhiều hộ dân đang phá bỏ cây điều để thay thế bằng cây cao su hoặc một số cây trồng khác.
Tại huyện Bù Gia Mập, người nông dân đã cưa, chặt bỏ không thương tiếc những cây điều đang xanh tốt, những cây điều cổ thụ gốc to cả người ôm không hết. Sau khi chặt hạ, họ cưa điều thành từng đoạn nhỏ để bán gỗ củi. Dọc hai bên đường từ thị xã Đồng Xoài đi thị xã Phước Long); từ thị xã Phước Long đi huyện Bù Đốp người ta nhìn thấy gỗ củi điều chất dài hàng cây số.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, từ năm 2007 đến nay toàn tỉnh đã mất đi khoảng 16.000 ha điều. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do hiệu quả kinh tế của cây điều không còn hấp dẫn như các loại cây trồng khác, đặc biệt là cao su. Theo tính toán, khi trồng cây cao su người trồng có thể thu được từ 30-50 triệu đồng/ha, còn cây điều thì chỉ được dưới 10 triệu đồng/ha nếu năng suất tốt. Mặc dù vậy, đó cũng chỉ là tính toán, bởi nếu phá một vườn điều đang cho thu hoạch đi để trồng cây cao su, không phải cây cao su cho thu nhập ngay mà còn phải có thời gian ít nhất là 7 năm. Nếu trong khoảng thời gian ấy giá cao su không còn ở mức hấp dẫn nữa và giá điều lại tăng trở lại thì các hộ nông dân sẽ phải xoay xở ra sao?
Tây Ninh cũng phá bỏ điều
Chỉ tính riêng ở xã Tân Hội, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, từ đầu năm đến nay đã có khoảng trên 80 hécta điều bị chặt bỏ để trồng sắn và cao su. Có hộ có tới 10 hécta điều đang xanh tốt cũng bán để cưa thành củi, bán với giá rất rẻ, thậm chí chỉ khoảng 500.000đ/ha cây điều. Những hộ có ba, bốn công điều đua nhau chặt bỏ không thương tiếc. Những người trồng điều cho biết, hiện trạng cây điều trong tỉnh thường bị sâu đục thân dần dần làm cho cành và cây bị chết, chưa có biện pháp diệt sâu hữu hiệu, lại còn tình trạng khi điều trổ bông gặp sương muối hay mưa nắng thất thường cũng rất ảnh hưởng đến năng suất. Trong khi đó, các cơ quan chức năng thì chưa có biện pháp cụ thể, hữu hiệu để giúp người nông dân khắc phục khó khăn và nâng cao năng suất cây điều.
Giải pháp nào để cứu cây điều?
Mặc dù Nhà nước đã có nhiều nỗ lực để phát triển vùng nguyên liệu điều phục vụ xuất khẩu nhưng những nỗ lực ấy vẫn chưa có hiệu quả do các chính sách hỗ trợ chưa hấp dẫn người nông dân. Ngay trong Lễ hội “Quả điều vàng” tổ chức đầu năm nay ở Bình Phước, đã có người lên tiếng quan ngại về tình trạng thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. Hiện nay, nước ta còn phải nhập điều nguyên liệu từ châu Phi. Những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến hạt điều ở Việt Nam phát triển khá nhanh, tổng công suất chế biến rất lớn. Nếu người dân tiếp tục phá bỏ cây điều như hiện nay thì các cơ sở chế biến hạt điều sẽ gặp nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu. Vì vậy, các cấp, ngành chức năng cần có sự tuyên truyền, vận động và có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ, động viên khuyến khích người dân chăm sóc, phát triển diện tích trồng điều./.