Tăng nguồn lực cho giảm nghèo
Đăng ngày: 3/2/12Để chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững cho 62 huyện nghèo được thực hiện hiệu quả hơn trong năm 2012.
|
|
Phóng viên: Thứ trưởng có thể cho biết tỷ lệ giảm nghèo của nước ta trong năm vừa qua?
Trả lời: Năm 2011, chúng ta đã đạt mục tiêu giảm 2% hộ nghèo. Theo chuẩn nghèo mới và theo tổng điều tra hộ nghèo vào cuối năm 2010, số hộ nghèo chiếm 14,2% đến cuối năm 2011 giảm xuống còn khoảng 12%. Những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao hầu hết đều ở những vùng khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên, cao nhất là ở Điện Biên, tiếp đó là Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng. Hiện nay, trong số 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a thì chưa có huyện nào rút ra khỏi danh sách huyện nghèo. Tuy nhiên, đời sống người dân và cơ sở hạ tầng ở các huyện này đã có bước phát triển, đặc biệt quan trọng đó là tỷ lệ giảm nghèo ở các huyện này. Phóng viên: Những điểm mới trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo của nước ta tại 62 huyện nghèo, thưa Thứ trưởng? Trả lời: Có thể nói, một trong những điểm mới của năm qua là Chính phủ ban hành chính sách giảm nghèo theo Nghị quyết 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2020. Nếu trước đây chỉ làm 1 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, thì bây giờ, Nghị quyết 80 đã tách ra để huy động được nhiều nguồn lực xã hội, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành tập trung ưu tiên, hỗ trợ cho các huyện nghèo. Bên cạnh đó là do tác động tích cực từ việc triển khai Nghị quyết 30a của Chính phủ về hỗ trợ 62 huyện nghèo giảm nghèo nhanh và bền vững. Sau 3 năm thực hiện, các doanh nghiệp nhận “đỡ đầu” đã làm được khoảng 2 nghìn công trình lớn nhỏ cho các huyện nghèo trong diện hỗ trợ như: Đường giao thông, hệ thống lưới điện, trạm y tế xã, trường học, trường nội trú... tại 62 huyện nghèo trong cả nước. Đổi thay rõ nét nhất là về cơ sở hạ tầng tại các huyện nghèo, hệ thống giao thông thủy lợi, điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng. Tất cả các công trình đó đều bắt nguồn từ nhu cầu của người dân và phù hợp đặc thù của mỗi địa phương, nên đã phát huy được hiệu quả. Tính đến nay, tại 62 huyện nghèo chúng ta đã giảm được 15% hộ nghèo. Phóng viên: Hiệu quả là thế, nhưng một số nơi vẫn “kêu” tiến độ triển khai còn chậm. Điều này là do đâu, thưa Thứ trưởng? Trả lời: Để thực hiện Nghị quyết 30a, Chính phủ đã xác định phải huy động nguồn lực toàn xã hội gồm có ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương, sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân và đặc biệt là sự tham gia của các doanh nghiệp. Trong 3 năm qua, các doanh nghiệp đã tham gia hết sức tích cực. Tuy vậy, thực tế có huyện được hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau nhưng tiến độ thực hiện còn chậm, tỷ lệ hộ nghèo giảm chưa được như mong muốn. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, chúng ta đều biết các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a là những huyện vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp, các điều kiện để phát triển kinh tế cho người dân hầu như rất khó khăn. Chính vì thế, mặc dù được đầu tư đúng hướng nhưng quá trình triển khai thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện này còn chậm. Để hỗ trợ cho 62 huyện nghèo, bình quân mỗi năm, mỗi huyện cần đầu tư khoảng 300 - 350 tỷ đồng. Nhưng hiện nay, tổng nguồn lực để đầu tư cho mỗi huyện nghèo, bao gồm từ Nghị quyết 30a và cả các chương trình mục tiêu quốc gia khác, thậm chí từ huy động trái phiếu, tín phiếu của Chính phủ, thì bình quân cũng chỉ được khoảng 250 tỷ đồng. Nếu có đủ nguồn lực, chúng ta mới thực hiện nhanh và hiệu quả hơn. Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết, với vai trò thường trực thực hiện Nghị quyết 30a, Bộ LĐTB&XH sẽ làm gì để giải quyết khó khăn trên? Trả lời: Trong thời gian tới, Bộ sẽ đề nghị vận động các doanh nghiệp có tiềm lực lớn nhận hỗ trợ thêm huyện nghèo bên cạnh những huyện đã được phân công đỡ đầu. Chẳng hạn, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã nhận thêm 3 huyện ngoài 4 huyện ban đầu được giao. Tới đây tiếp tục vận động thêm Tập đoàn dầu khí, các Ngân hàng thương mại Nhà nước cùng chung vai gánh vác thêm các huyện nghèo khác. Trước hết, là hoàn thành triệt để mục tiêu xóa nhà tạm cho hộ nghèo, xây trường học, trạm xá, giao thông, cầu cống dân sinh và rất nhiều công trình khác, đây là hướng cơ bản. Một cách khác là Ban vận động Quỹ vì người nghèo Trung ương sẽ bàn bạc để điều tiết từ Quỹ Trung ương cho những huyện nghèo nhận được ít hỗ trợ.
Phóng viên: Chương trình giảm nghèo trong giai đoạn tới sẽ có những điểm thay đổi gì, thưa Thứ trưởng?
Trả lời: Hiện nay, khoảng cách chênh lệch giữa các huyện nghèo với các huyện phát triển vẫn còn rất lớn, cả về hạ tầng và sản xuất. Chúng ta đang cố gắng thu hẹp khoảng cách này. Tới đây, Quốc hội sẽ thông qua danh mục Chương trình mục tiêu quốc gia cho 5 năm tới, trong đó có chương trình giảm nghèo. Chúng ta sẽ triển khai chương trình này bắt đầu tư năm 2012. Chương trình tập trung cho 62 huyện nghèo cộng với 7 huyện mới được Thủ tướng bổ sung thêm vào diện 30a. Các xã nằm trong chương trình 135, các xã biên giới, hải đảo và vũng bãi ngang ven biển cũng tiếp tục được tập trung đầu tư. Về ngân sách đầu tư cho giảm nghèo năm 2012 dự tính sẽ tăng lên so với năm 2011, trung bình mỗi huyện được đầu tư 200 - 250 tỷ đồng/năm (trong khi năm 2011, mỗi huyện chỉ được đầu tư trên dưới 200 tỷ đồng). Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Mạnh Minh |