Tăng đầu tư cho nghiên cứu KHCN
Đăng ngày: 16/1/13Ngày 12/1, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) và Liên hiệp các Hội khoa học - Kỹ thuật Việt Nam tổ chức “Hội thảo Đầu tư cho khoa học công nghệ: Hướng phát triển bền vững của doanh nghiệp”.
Tại Hội thảo, nhiều nhà khoa học và doanh nghiệp đã chia sẻ kinh nghiệm ở đơn vị mình, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp và kiến nghị chính sách, chương trình hỗ trợ của Nhà nước nhằm thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng KHCN.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, nếu không đổi mới bằng cách huy động nguồn vốn từ xã hội sẽ không thể có đủ nguồn cho phát triển KHCN. Thực tế ở một số nước trên thế giới, huy động từ xã hội cho KHCN gấp 3 - 4 lần từ ngân sách. Năm 2011, Trung Quốc đầu tư 2% GDP cho KHCN nhưng chỉ 1/3 số đó là từ ngân sách, còn lại là từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Bộ trưởng Nguyễn Quân đưa ra ba vấn đề cần giải quyết. Đầu tiên là nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, để họ hiểu rằng đầu tư cho KHCN chính là đầu tư để phát triển bền vững, giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt. Thứ hai là Nhà nước phải có quy định buộc các doanh nghiệp đầu tư phát triển KHCN của chính doanh nghiệp mình. Thứ ba là khi doanh nghiệp đã dành một phần lợi nhuận đóng góp vào quỹ phát triển KHCN thì nhà nước cần có các quy định để sử dụng quỹ được thuận lợi và có hiệu quả nhất.
Theo TS Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học - Kỹ thuật Việt Nam, trên 95% doanh nghiệp hiện nay thuộc loại nhỏ và siêu nhỏ, do nguồn lực hạn chế nên chỉ tập trung vào đổi mới công nghệ hơn là triển khai nghiên cứu.
Ngoài ra, 30% doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của hoạt động KHCN trong doanh nghiệp. Ngay cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng chưa quan tâm tới nghiên cứu.
Trong giai đoạn 2007 - 2010, tỷ trọng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển trong tổng đầu tư cho KHCN đã giảm mạnh, từ 55,3% năm 2007 xuống còn 38,35% năm 2010. Trong khi đó, chi phí của doanh nghiệp cho đổi mới công nghệ tăng mạnh về giá trị và tỷ trọng trong tổng đầu tư cho KHCN.
Năm 2007, bình quân một doanh nghiệp đầu tư cho đổi mới công nghệ là 712 triệu đồng, đến năm 2010 con số này đã tăng 3 lần, lên trên 2 tỷ đồng. Tương ứng với xu hương này, tỷ trọng đầu tư đổi mới công nghệ của doanh nghiệp trong tổng đầu tư cho KHCN đã tăng từ 33% năm 2007 lên gần 50% năm 2010.
Theo TS Trần Việt Hùng, hạn chế về KHCN là một trong những nguyên nhân của tình trạng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam dù tăng trưởng cao nhưng hiệu quả kinh tế thấp.
Từ Khóa: TB, DN, Hiệu Quả, Quy Định, Bối Cảnh, Cạnh Tranh, Khoa Học,