Tận tụy với công việc
Đăng ngày: 15/11/12Vào làm việc tại NHCSXH huyện Đồng Xuân (Phú Yên) từ cuối năm 2008, hai tháng sau, Lê Thanh Tuyền được điều chuyển qua huyện Sông Hinh.

Hiện Lê Thanh Tuyền phụ trách địa bàn các xã Phú Mỡ, Xuân Phước, Xuân Lãnh và thị trấn La Hai; đồng thời, tham gia Tổ giao dịch các xã Xuân Sơn Bắc, Xuân Quang 3, Xuân Quang 1 và Đa Lộc. Hầu hết những xã này (trừ thị trấn La Hai) đều có tỷ lệ hộ nghèo hơn 50%; riêng xã Phú Mỡ gần 100% bà con đồng bào DTTS thuộc diện nghèo. Lê Thanh Tuyền cho biết: Công việc của một cán bộ tín dụng rất bận rộn nên mỗi người phải tự sắp xếp thời gian, lên lịch làm việc và phải thực hiện hàng ngày, không để “nợ” qua ngày khác. Những lúc giao dịch ở các xã xa như Phú Mỡ, Đa Lộc, ngày nắng còn đỡ vất vả, chứ những ngày mưa, nước suối dâng cao ngập hơn nửa bánh xe, cán bộ tín dụng phải nhờ người dân đẩy xe giúp. Có hôm ngân hàng hẹn lịch giao dịch với bà con lúc 8 giờ nhưng vì đường khó đi nên đến 9 - 10 giờ mới có thể đến nơi. Vậy mà đôi khi, cán bộ tín dụng có mặt tại điểm giao dịch xã, rồi phải ngồi chờ vì Tổ trưởng Tổ giao dịch... chưa đến kịp!
Ngoài đi giao dịch định kỳ, mỗi cán bộ tín dụng còn phải sắp xếp thời gian kiểm tra thực tế Tổ TK&VV, hộ vay, nắm bắt những khó khăn do người vay phản ánh. Trong quá trình tiếp xúc với hộ vay, chính anh Tuyền là người phát hiện ra việc đồng bào dân tộc thiểu số thường không có nhà vào ban ngày nên đã đề xuất cho Tổ giao dịch đến làm việc với hộ vay vào buổi chiều tối. Nhờ vậy, việc kiểm tra các Tổ TK&VV có dấu hiệu xâm tiêu vốn cũng kịp thời được phát hiện. “Tuy nhiên, vì làm việc lúc trời tối, đường đi lại khó khăn nên đi kiểm tra hết một thôn thì đồng hồ đã điểm về khuya. Ngày thư thả, anh em có thể ngủ lại, mai về sớm, còn ngày bận giao dịch thì phải đi về trong đêm để tiếp tục làm việc khác”, nhưng anh vẫn nhắc nhở anh em phải cẩn thận trên đường đi về, anh Tuyền chia sẻ.
Theo anh Lê Thanh Tuyền, trong số các chương trình tín dụng mà NHCSXH đang triển khai, chương trình cho HSSV vay là khó quản lý nhất. Số lượng sinh viên, mức cho vay thay đổi theo từng thời kỳ; đối tượng vay là hộ khó khăn tạm thời đảm bảo các tiêu chí do ngân hàng quy định rất khó xác định. Khi đến đợt cho vay, mỗi ngày, cán bộ tín dụng có thể giải ngân vài trăm triệu đồng nên khó tránh khỏi xảy ra nhầm lẫn. Việc phân kỳ hạn nợ để thông báo hộ vay trả lãi, trả gốc cũng gặp nhiều khó khăn... Đối với việc trả nợ, người hiểu được cách tính lãi thì không có ý kiến, người không hiểu thì cán bộ tín dụng phải kiên nhẫn giải thích lại từ đầu. Việc tuyên truyền cho người dân tiết kiệm, trả lãi trước hạn cũng góp phần giảm bớt gánh nặng cho hộ vay khi đến hạn trả nợ.
Theo bà Từ Thị Thu Mai - Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Kỳ Lộ, xã Xuân Quang 1, anh Lê Thanh Tuyền là cán bộ tín dụng nhiệt tình, năng nổ. Tổ TK&VV có điều gì không hiểu, anh đều giải thích tận tình. Nhiều trường hợp hộ vay cần giải ngân vốn gấp để cho con đi học, anh Tuyền cũng nhiệt tình giải quyết, không nề hà thời gian. Nhiều ngày mưa gió, những tưởng cán bộ tín dụng không tới giao dịch được, nhưng cuối cùng anh vẫn tới. “Nhờ thái độ làm việc có trách nhiệm của anh Tuyền, những Tổ trưởng Tổ TK&VV như tôi cũng hăng hái hoàn thành nhiệm vụ để thật sự là cầu nối tín dụng chính sách đến với người nghèo” - bà Mai cho biết.
Còn ông Lê Trọng Khoan - Phó Giám đốc NHCSXH huyện Đồng Xuân, nhận xét: Anh Tuyền về công tác tại đơn vị chưa lâu nhưng rất nhiệt tình, năng nổ, nghiệp vụ lại vững vàng nên Lãnh đạo rất yên tâm khi giao việc. Anh cũng là một cán bộ tín dụng có tinh thần cầu tiến, có nhiều sáng kiến đưa hoạt động nghiệp vụ đi vào chiều sâu và ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.
Lê Hảo