Tân Biên cần lắm nguồn vốn tín dụng ưu đãi
Đăng ngày: 3/2/12Tỉnh Tây Ninh có 5 huyện giáp biên giới với Vương quốc Campuchia, trong đó có huyện Tân Biên. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, hầu hết các tỉnh thành trong cả nước bình yên và bắt đầu giai đoạn xây dựng, phát triển.
Trong khi đó tỉnh Tây Ninh nói chung và huyện Tân Biên nói riêng vẫn phải ngày đêm giữ gìn biên giới, chống bọn diệt chủng Pôn Pốt luôn rình rập tấn công. Trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, Tân Biên là một trong những huyện biên giới bị thiệt hại nhiều nhất. Hòa bình lập lại, người dân nơi đây bắt tay xây dựng kinh tế với muôn vàn khó khăn và đã thay đổi diện mạo của huyện ven biên, đặc biệt là từ khi có nguồn vốn vay ưu đãi. Phóng viên chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thông (ảnh) - Chủ tịch UBND huyện Tân Biên để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Phóng viên: Ông có thể cho biết những nét cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội của huyện Tân Biên?
Trả lời: Tân Biên không chỉ chịu hậu quả của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam mà trong kháng chiến chống Mỹ cũng là địa phương bị bom đạn tàn phá nặng nề nhất. Bởi vì trên địa bàn huyện có các cơ quan đầu não kháng chiến cực kỳ quan trọng là căn cứ Trung ương Cục miền Nam và căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Do vậy, huyện Tân Biên chỉ thực sự bắt tay vào công cuộc xây dựng lại quê hương từ năm 1979 - sau khi đất nước Campuchia dẹp tan được nạn diệt chủng Pôn Pốt, với xuất phát điểm rất thấp so với nhiều địa phương khác. Lúc đó, người dân Tân Biên từ nhiều nơi lần lượt trở về mảnh đất còn nhiều đạn bom để xây dựng lại cuộc sống. Bước khởi đầu muộn màng như vậy nên việc phát triển kinh tế hết sức khó khăn, cái nghèo luôn đeo bám. Chuyện ăn ở còn chưa đảm bảo đầy đủ thì nói chi đến chuyện học hành. Con em huyện Tân Biên rất ít người học cao, khu vực giáp biên giới càng ít hơn. Nhiều năm qua, hầu hết lực lượng cán bộ làm việc trên địa bàn huyện được điều động từ nơi khác đến, người địa phương chẳng có được bao nhiêu. Tuy nhiên, những năm sau này huyện Tân Biên đã có bước phát triển mạnh mẽ, đời sống nhân dân được nâng cao. Năm 2011, huyện Tân Biên tạo thêm công ăn việc làm cho gần 1 nghìn lao động, số hộ nghèo giảm thêm 1,7%, hơn 91% tỷ lệ hộ dân trong huyện có công trình NS&VSMTNT sử dụng. Đạt được kết quả này là do có sự nỗ lực của NHCSXH huyện Tân Biên.
Từ nguồn vốn của NHCSXH, huyện Tân Biên
có hơn 2 nghìn lao động có công ăn việc làm ổn định
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả hoạt động của NHCSXH trên địa bàn?
Trả lời: NHCSXH tỉnh Tây Ninh thành lập năm 2003 và trong năm này đã thành lập NHCSXH huyện Tân Biên. Khi mới thành lập, Phòng giao dịch huyện tiếp nhận 3 chương trình cho vay ưu đãi là: Cho vay hộ nghèo, GQVL và HSSV với tổng dư nợ khoảng 8,6 tỷ đồng. Những năm tiếp theo, nguồn vốn liên tục được tăng lên và các chương trình cho vay ngày càng mở rộng. Đến nay, tổng dư nợ cho vay của NHCSXH huyện Tân Biên đạt hơn 109 tỷ đồng. Trong đó, ngoài dư nợ cho vay hộ nghèo vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất thì dư nợ cho vay HSSV cũng tăng rất nhanh và chiếm tỷ trọng ngày càng cao. Năm 2007, dư nợ cho vay HSSV chỉ có 2,5 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 6% tổng dư nợ, nhưng đến nay, dư nợ cho vay HSSV đạt đến hơn 25 tỷ đồng, tăng 10 lần so với 4 năm trước và chiếm tỷ trọng đến 23% tổng dư nợ. Riêng chương trình cho vay NS&VSMTNT cũng ngày càng phát triển và đạt gần 8 tỷ đồng dư nợ. Tuy tổng dư nợ của NHCSXH trên địa bàn huyện Tân Biên không lớn so với nhiều địa phương khác, nhưng tốc độ tăng trưởng rất nhanh, kịp đáp ứng nhu cầu của nhân dân địa phương.
Phóng viên: Vai trò của nguồn vốn ưu đãi đối với nhân dân là hết sức to lớn. Góp phần nâng cao đời sống nhân dân vùng biên, những năm qua nguồn vốn này đã giúp nhân dân trên địa bàn huyện?
Trả lời: Nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH có vai trò rất quan trọng và hết sức cần thiết trong việc nâng cao đời sống nhân dân vùng biên giới. Gần 10 năm hoạt động, NHCSXH huyện đã có những đóng góp rất đáng kể vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Qua sự đầu tư cho vay ưu đãi từ các chương trình của NHCSXH đã giúp cho hơn 2 nghìn lượt lao động trên địa bàn huyện có công ăn việc làm ổn định; gần 1.900 hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo; 1.400 HSSV vùng sâu biên giới có điều kiện tiếp tục học tập, trong đó có người sau khi tốt nghiệp đã trở về phục vụ tại địa phương. Riêng chương trình cho vay NS&VSMTNT, toàn huyện có hơn 1.850 hộ dân nông thôn khoan giếng có nước hợp vệ sinh sử dụng và xây dựng được nhà vệ sinh sạch sẽ từ nguồn vốn ưu đãi. Đặc biệt, từ nhiều năm qua, Phòng giao dịch đã tổ chức giao dịch lưu động đến tất cả 10 xã, thị trấn trong huyện làm giảm đáng kể công sức và chi phí cho nhân dân khi giao dịch với NHCSXH.
Phóng viên: Nguồn vốn từ NHCSXH đã có tác động hiệu quả đối với sự phát triển của huyện Tân Biên, để nguồn vốn này đáp ứng nhu cầu người dân, ông có đề xuất gì?
Trả lời: Tới đây, nhu cầu vay vốn tín dụng ưu đãi của nhân dân huyện Tân Biên còn rất lớn bởi vì dù đã có bước phát triển về nhiều mặt, nhưng so với các huyện khác nhân dân Tân Biên vẫn còn khó khăn. Đồng thời, trên địa bàn huyện có nhiều hộ đồng bào dân tộc Khmer sinh sống và đang còn tồn tại một số nét sinh hoạt lạc hậu, vệ sinh môi trường còn hạn chế. Do đó, Tân Biên cần được tăng cường thêm nguồn vốn vay chương trình NS&VSMTNT để giúp người dân vùng biên giới nâng cao chất lượng cuộc sống, hạn chế bệnh tật phát sinh. Đặc biệt, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới đây, lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực là một trong những khâu đột phá của huyện. Chính vì thế, nhu cầu về nguồn vốn vay HSSV chắc chắn sẽ cần nhiều hơn, để ngày càng có nhiều người trẻ ở địa phương học tập tới nơi tới chốn và trở về cống hiến xây dựng cho quê hương.
Xin cảm ơn ông!
Trần Tam Sơn