Tác động không rõ ràng của các giải pháp hỗ trợ từ ECB
Đăng ngày: 17/2/12ECB có thể đã vô tình tạo ra đội quân “ngân hàng yếu” do các khoản nợ xấu chồng chất và tài sản rủi ro trên sổ sách, như đã từng diễn ra tại Nhật Bản trong những năm 1990.
Sau khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) thông báo quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 1% trong tháng thứ hai liên tiếp, bên cạnh những đánh giá tích cực về động thái này của ECB là ngăn ngừa khủng hoảng tín dụng bằng cách cho các ngân hàng vay với lãi suất thấp, cũng có nỗi lo sợ ngấm ngầm là nguồn tín dụng ưu đãi này có thể tạo ra những điều kiện cho khủng hoảng ngân hàng tiếp theo sau vài năm tới.
Một số nhà kinh tế cảnh báo, nguồn tín dụng lãi suất thấp đang giúp các ngân hàng giảm nhẹ căng thẳng trong việc khắc phục khó khăn như loại trừ các khoản nợ xấu và tài sản rủi ro, thậm chí giảm qui mô hoạt động nếu không có hy vọng quay vòng vốn. Với động thái này, ECB có thể đã vô tình tạo ra đội quân “ngân hàng yếu” do các khoản nợ xấu chồng chất và tài sản rủi ro trên sổ sách, như đã từng diễn ra tại Nhật Bản trong những năm 1990.
Giáo sư Charles Wyplosz từ Geneva (Thụy Sĩ) cho rằng, nếu thoát khỏi khủng hoảng, ECB sẽ được đề cao, nhưng nếu không chấm dứt được khủng hoảng, thì các ngân hàng thương mại sẽ lâm vào tình trạng trầm trọng hơn so với trước đây. Theo ông, ECB có thể làm cho hệ thống ngân hàng thêm tổn thương bằng cách khuyến khích các ngân hàng tăng tài sản rủi ro, nhất là trái phiếu của những nước đang gặp khó khăn như Tây Ban Nha hay Italia, khi các ngân hàng có thể sử dụng những tài sản này làm thế chấp vay thêm vốn từ ECB.
Tháng 12 năm ngoái, ECB đã mời các ngân hàng vay với lãi suất 1% trong thời hạn 3 năm, trong khi trước đây chỉ cho vay trong vòng 01 năm. Đây là cơ hội lớn, và 523 ngân hàng đã vay 489 tỉ euro (647 tỉ USD).
Khi tuyên bố tiếp tục hạ lãi suất, ECB sẽ cung cấp tiếp các khoản tín dụng thời hạn 3 năm vào cuối tháng này, đồng thời nới lỏng các qui định thế chấp nhằm khuyến khích các ngân hàng nhỏ tham gia vay vốn. Theo một số dự báo, các ngân hàng có thể tranh thủ nguồn tín dụng giá rẻ này, thậm chí nhiệt tình hơn so với tháng 12 vừa qua.
Dòng tiền mặt lớn đã tăng thêm niềm tin vào khu vực euro và có thể giúp khu vực này tránh suy thoái kinh tế trầm trọng, nhưng thị trường không rõ là các ngân hàng sẽ sử dụng nguồn vốn này như thế nào và liệu họ có chi tiêu một cách khôn ngoan. Trên thực tế, một số ngân hàng đã sử dụng tiền vay để che giấu yếu kém về quản lý trong quá khứ và sổ sách chứa đầy tài sản xấu. Theo đánh giá của João Soares (đối tác của công ty tư vấn quản lý Bain & Company), động thái của ECB giống như sử dụng thuốc, với tác dụng phụ là giảm các áp lực để làm sạch bảng cân đối.
Theo kinh nghiệm Nhật Bản, các ngân hàng yếu có xu hướng duy trì cho vay đối với những khách hàng gặp khó khăn để đảo nợ, tránh bị đưa vào nợ xấu. Kết quả là, những doanh nghiệp lành mạnh và kinh doanh tốt sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn.
Nicolas Veron (chuyên gia cao cấp tại tổ chức nghiên cứu Brussels) cho rằng, các ngân hàng yếu sẽ hỗ trợ doanh nghiệp yếu chứ không phải những doanh nghiệp cần vốn, và điều này không tốt cho nền kinh tế. Ông cho rằng, ECB ý thức được rủi ro nhưng không có cách lựa chọn khác chừng nào các chính phủ Italia hay Tây Ban Nha vẫn gặp khó khăn trong việc phục hồi lòng tin của nhà đầu tư.
Ý định của ECB là các ngân hàng sẽ sử dụng tiền để cấp tín dụng cho các doanh nghiệp và hỗ trợ nền kinh tế, đây là vấn đề cấp bách tại châu Âu. Trong đó, vốn ngân hàng vẫn là nguồn tín dụng chủ yếu của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nghi ngờ, các ngân hàng sẽ sử dụng phần lớn lượng tiền để mua trái phiếu chính phủ, điều này giải thích tại sao lãi suất trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha và Italia giảm mạnh trong những tuần qua. Vay từ ECB với lãi suất 1% và mua trái phiếu chính phủ với lãi suất cao hơn nhiều là mảng kinh doanh tốt đối với ngân hàng, chừng nào các tổ chức phát hành vẫn còn khả năng thanh toán, làm tăng cơ hội để Italia và Tây Ban Nha có khả năng đáp ứng dịch vụ nợ bằng cách giảm chi phí lãi suất.
Ông Jorg Rocholl (Trường Quản lý và công nghệ Berlin) cho rằng, nguy hiểm ở đây là nguồn tiền mặt từ ECB có thể sẽ khuyến khích các ngân hàng yếu cho vay mạo hiểm với rủi ro cao, như mua trái phiếu chính phủ Bồ Đào Nha với lãi suất cao. Trong tình huống khó khăn, các ngân hàng không nghĩ đến các quyết định cho vay thận trọng, mà họ bắt đầu mạo hiểm.
Một số chuyên gia cho rằng, các ngân hàng yếu không hẳn là vấn đề trầm trọng, một phần do các cơ quan quản lý buộc các ngân hàng tăng vốn phù hợp với lượng tiền cho vay, áp lực này sẽ phơi bày những ngân hàng yếu.
Mặc dù các chuyên gia và phân tích kinh tế buồn phiền về khả năng tiền mặt từ ECB sẽ gây biến dạng hệ thống ngân hàng, song phần lớn cho rằng, ECB không có lựa chọn khác, nhất là từ khi các nước châu Âu không có cơ chế để xử lý những ngân hàng yếu kém.
Giờ đây, trách nhiệm là các chính phủ phải lấy lại lòng tin của các nhà đầu tư, yếu tố cơ bản để cải thiện tình hình ngân hàng bằng cách tăng giá trị trái phiếu chính phủ đang nắm giữ, mà trong nhiều trường hợp là khối lượng khổng lồ. Đây là nhiệm vụ khó khăn, do tình hình châu Âu chưa có dấu hiệu cải thiện, nhiều nước khu vực euro đang bị tổn thương về tài chính do tác động của khủng hoảng. Ngày 13/2/2012, Moody's đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm nợ của Italia, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, đồng thời đưa ra triển vọng tiêu cực đối với cộng hòa Pháp, vương quốc Anh và Austria. Ngoài ra, ba nước Slovenia, Slovakia và Malta cũng bị đánh tụt bậc xếp hạng tín nhiệm. Tổ chức này hoài nghi khả năng tiến hành cải cách thể chế trong eurozone và việc liệu các nguồn lực thích hợp có được huy động đồng thời để giải quyết cuộc khủng hoảng này hay không. Trước đó, ngày 10/02, S&P đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm tín dụng của 34 ngân hàng Italia do những lo ngại về sự thiếu ổn định trong khu vực tài chính cùng với những dự đoán về việc sụt giảm lợi nhuận của các ngân hàng này.
Nhìn chung, quyết định tiếp tục duy trì lãi suất thấp là giải pháp bắt buộc và mang tính tình thế, nhưng ECB phải giám sát chặt chẽ tình hình sử dụng vốn vay và thực hiện thêm những giải pháp kèm theo, nhằm ổn định hệ thống ngân hàng châu Âu, làm cơ sở để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư và đưa châu Âu thoát dần khỏi khủng hoảng.
Từ Khóa: Thụy Sỹ, ECB, Khủng Hoảng, NHTM, Hệ Thống, Tài Sản, Trái Phiếu,