Sức sống mới cho các huyện vùng biên tỉnh Tây Ninh
Đăng ngày: 16/1/12Ngày 05/3/2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn để thực hiện một số chế độ, chính sách đặc thù cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, XĐGN nhằm cải thiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, giảm sự chênh lệch về trình độ phát triển so với các vùng khác trong cả nước.

Thực hiện Quyết định số 92 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn và Nghị quyết số 07 của Đảng bộ tỉnh Tây Ninh về tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, NHCSXH tỉnh đã tập trung triển khai, đầu tư phần lớn các nguồn vốn tín dụng ưu đãi vào những địa bàn khó khăn này.
Ông Trương Hồng Đức - Giám đốc NHCSXH tỉnh Tây Ninh cho biết, mặc dù chương trình mới thực hiện trong vòng 3 năm, nguồn vốn còn ít, mới khoảng 10 tỷ đồng, tuy nhiên thời gian qua, chương trình đã góp phần cải thiện tình hình kinh doanh, tăng thu nhập cho hơn 350 hộ gia đình của 20 xã vùng khó khăn, tạo điều kiện để hơn 750 lao động có việc làm, tận dụng phần lớn lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Ông Trương Hồng Đức cũng cho biết thêm: "Nguồn vốn cần để cho vay chương trình này tại địa phương còn rất lớn, trong khi việc huy động vốn tại chỗ khó khăn, do đó chi nhánh chủ yếu giải ngân nguồn vốn điều tiết từ Trung ương nên phần nào chưa đáp ứng hết nguyện vọng của các hộ vay vốn".
Tân Lập, xã biên giới của huyện Tân Biên (Tây Ninh), chúng tôi thật sự bất ngờ bởi sự khang trang và nhộn nhịp của địa phương này. Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới, chị Trương Thị Loan ở ấp Tân Tiến vui mừng nói: "Tôi kinh doanh hàng tạp hóa ở chợ đã lâu, lúc trước không có vốn, chỉ buôn bán nhỏ các mặt hàng thiết yếu. Đầu năm 2010, gia đình tôi được NHCSXH cho vay 25 triệu đồng, có vốn tôi mở rộng cửa hàng kinh doanh, thuê thêm 3 lao động làm công, nhập thêm hàng hóa mà bạn hàng ở Campuchia thường mua. Giờ đây gia đình tôi bớt đi khó khăn, hàng tháng tôi trả nợ, trả lãi đầy đủ, và còn có tiền tích cóp gửi tiết kiệm thông qua Tổ TK&VV".
Đi vào thực tế cuộc sống của người dân vùng biên giới mới thấy hết ý nghĩa của chương trình cho vay thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn. Chương trình mang đến cho những địa phương vùng biên một sức sống mới, một sức bật để những người kinh doanh mạnh dạn đầu tư, làm thay đổi thói quen buôn bán nhỏ lẻ, nhiều hộ còn bán hàng hóa ra ngoài tỉnh, thậm chí còn xuất khẩu sang cả nước bạn Campuchia.
Gặp anh Nguyễn Văn Danh ở ấp Đông Thành, xã Tân Đông, huyện Tân Châu tâm sự: "Xã trước kia vắng người và ít người buôn bán, gia đình tôi làm cửa nhôm phục vụ cho bà con tại địa phương, may nhờ có NHCSXH huyện cho vay 30 triệu đồng để đầu tư mua máy cắt, mua thêm nguyên liệu, thuê 5 lao động tại địa phương vào làm việc, giờ đây tôi đã có một cơ sở sản xuất hiện đại với hàng trăm đơn đặt hàng, tôi còn xuất hàng sang cả nước bạn Campuchia, thu nhập của gia đình đã được cải thiện rất nhiều". Có thể nói, chương trình cho vay thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn đã thực sự phát huy được hiệu quả, tác động rất lớn vào quá trình sản xuất, trao đổi hàng hóa tại các huyện vùng biên tỉnh Tây Ninh. Việc triển khai tín dụng ưu đãi đối với những thương nhân SXKD tại 20 xã thuộc vùng khó khăn của tỉnh, NHCSXH đã góp phần xây dựng nông thôn mới ở những nơi này, tạo sự gắn bó của nhân dân sinh sống trên địa bàn biên giới với nhau, với chính quyền và ngược lại. Trên tổng thể, chương trình đã mang lại hiệu quả thiết thực, phục vụ tốt đời sống nhân dân. Người dân vùng biên giới giờ đây đã an cư, dần dần hình thành tập quán sản xuất mới, kinh tế phát triển, cho nên hàng năm đều giảm số hộ nghèo, an ninh chính trị trong khu vực ổn định, tạo nền móng cho việc xây dựng các xã biên giới, vùng sâu vững mạnh và phát triển.
Bài và ảnh Ngô Duy Tường