Sức bật mới từ làng nghề
Đăng ngày: 22/2/12Nhằm xóa nghèo bền vững và GQVL cho người lao động ở nông thôn thì việc sử dụng vốn vay NHCSXH gắn với công tác dạy nghề, phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp là giải pháp mà một số địa phương Trà Vinh đang làm và đã có kết quả khả quan.
Minh chứng cho hiệu quả là làng nghề đan giỏ, dệt thảm, dệt chiếu ở xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành thời gian qua đã tạo việc làm, nâng sức thu nhập cho rất nhiều hộ dân nông thôn. Ngày nay ở xã Hưng Mỹ đã có hàng trăm hộ nông dân nghèo vay vốn ưu đãi để học nghề, đầu tư mua sắm nguyên liệu, vật tư, lập nhà xưởng mở mang ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, từ trẻ em đến người già hàng ngày đều có thu nhập từ nghề đan giỏ, dệt thảm. Năm 2010, riêng ông Trần Văn Chuẩn, chủ doanh nghiệp tư nhân ở ấp Bãi Vàng, xã Hưng Mỹ đã vay của NHCSXH huyện Châu Thành 200 triệu đồng xây dựng xưởng dệt thảm, giải quyết cho 30 lao động tập trung và 45 hộ gia đình làm hàng gia công cho doanh nghiệp có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định. Riêng năm ngoái, tiền công người lao động tham gia dệt thảm cho ông khoảng 600 - 800 triệu đồng. Ông Chất chia sẻ, cái nghèo là động lực để ông tìm cách vượt qua để nuôi 8 đứa con ăn học.
Thế là ông lăn lộn đi các nơi tìm được nghề dệt thảm, dệt chiếu từ công tác. Từ cái khó nó ló cái khôn, ông gia nhập Tổ TK&VV của ấp để được vay vốn ưu đãi của Nhà nước dễ dàng, thuận lợi, đồng thời tổ chức dạy nghề thành lập cơ sở sản xuất ngay tại nhà mình.
Kết quả hoạt động của cơ sở học nghề, làm nghề tiểu thủ công nghiệp của ông Chuẩn đã cuốn hút nhiều người đến nhận nguyên liệu về đan giỏ, dệt thảm gia công.
Ông Nguyễn Tấn Minh - Chủ tịch UBND xã Hưng Mỹ khẳng định: Bây giờ làng nghề tiểu thủ công nghiệp là xương sống để giúp địa phương từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo, kéo giảm lao động nông thôn đạt theo tiêu chí xây dựng NTM. Và đúng thật, hiện tại chỉ riêng 3 cơ sở làng nghề, kể cả doanh nghiệp tư nhân dệt thảm của ông Trần Văn Chuẩn của xã là khách hàng có tín nhiệm của NHCSXH đã sử dụng hàng tỷ đồng vốn vay ưu đãi đạt hiệu quả cao, đảm nhận việc giao nguyên liệu, nhận hàng và trả tiền gia công cho hơn 1.500 lao động ở vùng quê sông nước Hậu Giang này. Thu nhập của từng người thấp nhất 40 nghìn đồng/ngày, người đan, dệt thu nhập cao gấp 2,5 đến 3 lần.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tấn Minh cho biết thêm: Xã đang lập quy hoạch chuyển đổi thành làng nghề nông thôn và vay thêm vốn NHCSXH theo phương án phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Trên lợi thế làng nghề hiện hữu tại 6/8 ấp là cơ sở giúp địa phương chuyển dịch lao động, xóa nghèo làm giàu đến năm 2014 đạt được kết quả theo tiêu chí xã NTM.