Sức bật mới từ đất học
Đăng ngày: 27/11/12Chương trình tín dụng HSSV tại tỉnh Thanh Hóa bắt đầu triển khai từ năm 1998 theo Quyết định 51/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên, khả năng đáp ứng cho vay của chương trình còn hạn chế.

Vượt khó học giỏi
Lô Thị Trang, sinh năm 1988, người Thái ở thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân là một trong hàng nghìn HSSV ở Thanh Hóa may mắn được vay vốn từ NHCSXH để tiếp tục theo học. Năm 2005, sau khi bố Trang, một thương binh nặng không may qua đời sau một vụ tai nạn giao thông, gia đình em gặp rất nhiều khó khăn, một mình mẹ phải gồng gánh cả gia đình với ba đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Lúc đó, Trang mới học lớp 11, thương mẹ nhưng em không biết làm gì giúp mẹ mà chỉ biết nỗ lực phấn đấu học hành.
Vượt qua bao khó khăn, thiếu thốn cả về tinh thần lẫn vật chất, năm 2007, niềm vui nhân đôi khi hai chị em Trang cùng thi đậu đại học. Em gái Trang thi đậu trường Đại học Sư phạm Hà Nội, còn Trang thì học tại Học viện Hành chính Quốc gia. Nhưng lúc đó, khó khăn càng chồng chất vì hai chị em không có tiền đi học, tưởng như Trang và em không thể thực hiện được hoài bão của mình. Thật may, nhờ có Quyết định 157 của Thủ tướng Chinh phủ, hai chị em được vay vốn ưu đãi để có tiền trang trải học hành. "Chúng em bước vào cổng trường đại học với sự tiếp sức của NHCSXH. Nhiều hôm bất chợt về nhà, thấy mẹ và em với bữa cơm chỉ có rau muống luộc, nước mắt lại trào ra nhưng em sẽ cố gắng học tập để không phụ lòng mong đợi của mẹ", Trang chia sẻ.
Được biết, tháng 10/2007, gia đình Trang được NHCSXH huyện Như Xuân cho vay 8 triệu đồng mỗi năm học, tổng số tiền em được vay với lãi suất ưu đãi là 32 triệu đồng. Sau 4 năm học, giờ Trang đã tốt nghiệp ra trường và có việc làm ổn định. Hiện em đang làm việc tại UBND thị trấn Yên Cát. Trang cho biết, thời gian tới sẽ trả dần lãi, gốc cho NHCSXH.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Kính trú tại thôn Gia Cảnh, xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương là hộ nghèo, chủ yếu làm nông nghiệp nên cuộc sống rất bấp bênh. Vợ chồng ông Kính sinh được 3 con, trong đó người con đầu tốt nghiệp trường Cao đẳng Y dược TP. Hồ Chí Minh và hiện đang công tác tại một bệnh viện ở TP. Mỹ Tho (Tiền Giang), với mức lương 3,8 triệu đồng/tháng. Người con thứ hai là Nguyễn Văn Quang, hiện đang học năm cuối trường Đại học Xây dựng Hà Nội; con út thì đang học năm thứ 2 trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Ông Kính cho biết, tuy nghèo nhưng các con ông đều rất ham học. Cuối tháng 5/2009, hai con ông là Dung và Quang cùng xin bố mẹ nộp hồ sơ dự thi đại học, dù đồng ý nhưng trong lòng ông rất lo lắng, bởi nếu các con thi đỗ thì biết lấy đâu ra tiền để nuôi ăn học. "Thấy các con một mực xin bố mẹ được đi thi để sau này có điều kiện thoát khỏi cảnh nghèo mà lòng tôi vô cùng chua xót, lực bất tòng tâm", ông Kính chia sẻ.
Thời điểm đó, điều kiện kinh tế của gia đình ông Kính rất khó khăn, ngoài ngôi nhà cấp 4 cũ nát, tài sản lớn nhất có 1 con trâu (con trâu này có được là nhờ vốn vay từ NHCSXH), ngoài ra còn có đôi lợn chừng 50kg chưa đến kỳ xuất bán. "Bán trâu thì tôi không nỡ vì nhà làm ruộng, bán đi lấy gì làm sức kéo. Vì vậy, vợ chồng tôi quyết định bán đôi lợn được 700.000 đồng để các cháu có tiền đi thi", ông Kinh kể lại mà rơm rớm nước mắt.
Thế rồi, không phụ lòng cha mẹ, Dung và Quang đều nhận được giấy báo trúng tuyển. Gia đình, họ hàng mừng rơi nước mắt, hàng xóm láng giềng cũng sang chúc mừng động viên. Nhưng sau niềm vui ấy là nỗi lo vô bờ bến, vì với mức thu nhập của gia đình cũng chỉ đủ ăn thì lấy gì nuôi một lúc 2 đứa con ăn học? Nhiều đêm sau đó, vợ chồng ông Kính không sao ngủ được vì lo lắng, vì thương con.
"Tôi nhớ mãi buổi chiều hôm đó, vừa cột con trâu vào gốc dứa thì vợ tôi hớn hở chạy ra nói như hét: Chiều nay đi họp Tổ TK&VV, Tổ trưởng vừa có thông báo NHCSXH đang cho vay Chương trình tín dụng HSSV, gia đình lại thuộc diện hộ nghèo, chấp hành tốt các quy định nên tôi đã đăng ký vay vốn và được tổ bình xét cho vay. Mà nhà tôi còn được vay cả hai đứa. Quả thật, lúc đó tôi mừng đến rơi cả nước mắt, vậy là vợ chồng tôi đã bớt đi nỗi lo bấy lâu nay, các con tôi sẽ tự tin bước chân vào giảng đường đại học như bao người khác", ông Kính tâm sự.
Hiện, con lớn của vợ chồng ông Kính mới ra trường nhưng hàng tháng đã tích góp gửi về cho bố mẹ 1 triệu đồng để trả nợ. Đầu năm 2012, gia đình ông Kính bắt đầu đăng ký trả lãi hàng tháng.
Chắp cánh ước mơ
Sau 5 năm thực hiện Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đã giúp hơn 120.000 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn để con em đến trường học tập, thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ là không để HSSV nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính.
Tính đến 30/9/2012, dư nợ Chương trình tín dụng HSSV trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt 2.352 tỷ đồng, giúp 158.571 HSSV có đủ tiền trang trải chi phí học tập tại các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề trên khắp cả nước. Qua đó, chương trình góp phần vào việc đào tạo đội ngũ trí thức, lao động có tay nghề, đáp ứng nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa nói riêng, đất nước nói chung theo hướng công nghiệp Hóa, hiện đại hóa. Theo báo cáo của NHCSXH tỉnh Thanh Hóa, doanh số cho vay của đơn vị tính đến 30/9/2012 đạt 2.795 tỷ đồng, doanh số thu nợ 460,8 tỷ đồng, nợ quá hạn 11 tỷ đồng (chiếm 0,46% tổng dư nợ).
Được biết, để thực hiện tốt Quyết định 157, NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều biện pháp để củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV, hoạt động uỷ thác của các tổ chức hội, đoàn thể, các Tổ giao dịch lưu động và Điểm giao dịch tại xã. Đến nay, NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng được mạng lưới 10.802 Tổ TK&VV; phủ kín khắp các thôn, bản trong toàn tỉnh, với 637 Điểm giao dịch tại xã. NHCSXH tỉnh Thanh Hóa cũng thực hiện tốt công tác quản lý và thu hồi nợ đến hạn; hộ vay vốn đã có ý thức, trách nhiệm trả nợ ngân hàng. Đặc biệt, kể từ khi NHCSXH chuyển phương thức cho vay trực tiếp HSSV sang cho vay thông qua hộ gia đình thì những đồng vốn ưu đãi của Nhà nước càng phát huy hiệu quả. Theo đó, hộ gia đình là người trực tiếp nhận nợ và cũng là người chịu trách nhiệm trả nợ, có địa chỉ rõ ràng, đồng thời là thành viên của Tổ TK&VV.
NHCSXH cũng phối hợp với Sở GD&ĐT, các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo nghề giải đáp kịp thời những thắc mắc trong quá trình thực hiện cho vay vốn tại các địa phương, các trường, các cơ sở đào tạo cũng như các đối tượng thụ hưởng... Đồng thời, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, kịp thời kiến nghị các cấp, ngành liên quan để có biện pháp giải quyết, tháo gỡ. Tích cực tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền các địa phương, đặc biệt là UBND cấp xã xác định nơi cư trú, xác định đối tượng HSSV có hoàn cảnh khó khăn... để NHCSXH làm cơ sở đầu tư vốn vay.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, NHCSXH tỉnh Thanh Hóa cũng gặp một số khó khăn như chưa thực hiện việc khảo sát điều tra bổ sung kịp thời hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình khó khăn đột xuất về tài chính trong quá trình xác nhận cho các đối tượng này vay vốn, nhiều địa phương triển khai khác nhau, có nơi thì quá chặt, có nơi lại lỏng lẻo; một số trường hợp HSSV khi ra trường không có việc làm, không có thu nhập, trong khi gia đình vẫn thuộc diện hộ nghèo nên việc thu hồi nợ đến hạn đối với những hộ này gặp nhiều khó khăn.