Sự nhận thức cần thiết về việc quay vòng vốn ưu đãi đối với tín dụng HSSV
Đăng ngày: 7/2/12Để chương trình tín dụng HSSV theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg được bền vững, thì bên cạnh việc giải ngân món vay mới, công tác thu nợ cũng được quan tâm. Cả hai nhiệm vụ trên đang được NHCSXH (VBSP) TP. Hà Nội thực hiện khá tốt, góp phần vào sự nghiệp trồng người của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Nằm trong nhóm tỉnh, thành phố có số lượng HSSV đỗ vào các trường đại học và cao đẳng nhiều nhất nước nên dư nợ chương trình tín dụng HSSV của TP. Hà Nội tương đối cao. Theo VBSP TP. Hà Nội, tính đến hết năm 2011, dư nợ cho vay HSSV đã đạt 1.050 tỷ đồng, tăng 132 tỷ đồng so với đầu năm với trên 76 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay chi nhánh đã thu nợ được hơn 115 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào việc quay vòng vốn cho chương trình tín dụng nhân văn này. Để tìm hiểu thực tế hiệu quả giải ngân chương trình tín dụng HSSV, chúng tôi đã “mục sở thị” tại một số xã của huyện ngoại thành Hà Nội. Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai. Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hương cho biết, Nghĩa Hương nằm cách thị trấn huyện chỉ 4km, cả xã có 1.600 hộ, 7.600 nhân khẩu, trong đó vẫn còn 176 hộ nghèo. Nhờ sự nhanh nhạy với thị trường nên vài năm trở lại đây một số hộ gia đình mạnh dạn đưa ra mô hình kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ vận tải, vì vậy, thu nhập bình quân đầu người cũng đã tăng lên 12 triệu đồng/người/năm - một mức tăng đáng kể so với 5 năm trước.
Thu nhập cao hơn nên dân trí được mở mang dần và các gia đình cũng chăm lo nhiều hơn tới việc học hành của con cái. Đặc biệt, từ khi Chính phủ có chương trình tín dụng HSSV thì nhiều hộ gia đình nghèo đã yên tâm hơn cho con đi học cao đẳng, đại học. Theo ông Thắng, đến nay tổng số HSSV có hộ khẩu tại xã đang học tập tại các trường đại học và cao đẳng khoảng gần 400 người. Riêng trong năm học 2010 - 2011, đã có 30 học sinh đỗ đại học và 20 học sinh đỗ trường cao đẳng. Số HSSV được vay vốn VBSP khoảng 200 người, dư nợ đạt 2,799 tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình cho vay đạt 5,202 tỷ đồng. Để nguồn vốn được hiệu quả, tránh thất thoát, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể thống nhất với VBSP huyện vào ngày mồng 7 hàng tháng là tới UBND xã trả nợ hoặc trả lãi cho các khoản vay. Riêng với chương trình HSSV có dư nợ tăng nhanh nên chính quyền xã và các tổ chức nhận ủy thác vốn vay càng quan tâm.
Chị Lê Thị Hải - Chủ tịch Hội PN xã Nghĩa Hương cho biết, nhiều hộ vay vốn HSSV từ năm 2007 và đến nay đã bắt đầu đến kỳ trả nợ. Hội PN luôn vận động những hộ này bán các vật nuôi như lợn, gà, trâu bò trả nợ đúng hạn thậm chí còn khuyến khích trả nợ trước hạn để không phải trả lãi cho khoản vay. “Hội PN xã cũng có quỹ cho vay tạm thời không tính lãi để một số hộ khó khăn vay trả nợ ngân hàng. Hiện đã có 315 hộ được vay vốn VBSP, riêng tín dụng HSSV là 105 hộ”, bà Hải cho biết.
Gia đình ông Nguyễn Văn Đồng và Nguyễn Thị Tuyên, ở thôn Văn Khê vay vốn cho con trai là Nguyễn Chí Thành đang học năm thứ 5 Đại học Bách khoa Hà Nội từ năm 2008. Theo quy định thì phải hai năm nữa gia đình bà mới phải trả khoản vay của chương trình cho vay HSSV. Tuy nhiên, gia đình ông Đồng đã có ý thức góp tiền ngay từ bây giờ để trả nợ đúng kỳ. Ông Đồng còn cho biết: “Nếu cháu ra trường có việc làm ngay, chắc chắn chúng tôi trả nợ ngân hàng trước thời hạn”.
Không chỉ có huyện Quốc Oai mà nhiều hộ gia đình vay vốn HSSV ở huyện Phúc Thọ cũng có ý thức tới món vay này. Bà Vũ Thị Hiền, thôn Trạch Lôi, xã Trạch Mỹ Lộc, vẫn lâng lâng cảm giác như vừa nghe tin cậu con trai đỗ vào hệ cao đẳng của Đại học Việt Hùng. Bà Hiền nói giọng như nghẹn lại: “Làm cha làm mẹ ai cũng muốn cho con được vào đại học, cao đẳng để có cái nghề sau này. Cả đời mình làm nông nghiệp rồi nên mong sao con cái thành đạt. Nhưng nếu không có chương trình tín dụng của VBSP thì những gia đình nghèo như chúng tôi cũng đành cho con nghỉ học”. Đến nay gia đình bà Hiền đã vay VBSP với tổng số tiền 21 triệu đồng. Theo đánh giá của bà Cao Thị Vượng - Tổ trưởng Tổ TK&VV cụm 3, thôn Trạch Lôi, tổ của bà có 38 hộ vay vốn, trong đó có 20 hộ vay vốn chương trình HSSV. Công tác thu nợ, thu lãi được thực hiện khá tốt. Đến nay, Tổ TK&VV cụm 3 đã có hai hộ gia đình trả hết nợ, 1 hộ sắp hoàn thành. Chỉ cần tổ báo trước 6 tháng trả 1 lần, là các hộ gia đình vay vốn HSSV tự giác trong việc trả nợ.
Bà Khuất Thị Lan - Chủ tịch Hội PN xã Trạch Mỹ Lộc đơn vị nhận ủy thác vốn vay, cho biết: “Để vốn tín dụng HSSV mang lại hiệu quả chúng tôi xây dựng cơ chế bình bầu rất dân chủ. Với các hộ gia đình là hộ nghèo khi có con đỗ đại học, cao đẳng chúng tôi đến chia vui với gia đình và tư vấn cho họ vay vốn VBSP để họ yên tâm cho con đi học. Về biện pháp thu hồi vốn, đây là chu kỳ 5 - 6 năm, nên chúng tôi phải giám sát hộ vay vốn sử dụng đồng vốn đúng mục đích. Đặc biệt, chúng tôi khuyến khích các hộ mỗi tháng tiết kiệm một khoản tiền để trả nợ đúng hạn”.
Ông Hoàng Văn Tứ - Giám đốc VBSP huyện Phúc Thọ cho biết: VBSP huyện Phúc Thọ luôn đôn đốc thông báo tới các gia đình chuẩn bị trả nợ tốt, trả đầy đủ tạo được ý thức, đến nay đã thu được 3,5 tỷ đồng nợ từ đầu năm. Hầu hết người dân hiểu và nhận thức được việc có vay có trả để tạo quỹ quay vòng cho chương trình cho vay HSSV. Việc thu nợ, thu lãi có sự đóng góp đặc biệt hiệu quả của màng lưới Tổ TK&VV ở các thôn, xóm.
Trang Nhung