Phụ nữ Mường So đa tài
Đăng ngày: 1/2/13Càng về những ngày cuối năm, Hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm Trường Sinh ở bản Tây An, xã Mường So, huyện Phong Thổ (Lai Châu) càng bận rộn, nhộn nhịp khung cảnh lao động.

Là người dân tộc Thái, chị Đèo Thị Hạnh trước kia chỉ biết ngày ngày lên nương rẫy trồng lúa. Mỗi năm thu được vài ba tạ thóc không đủ trang trải sinh hoạt gia đình. Những khi mùa màng xong, rảnh rỗi chị chẳng biết làm gì để kiếm thêm thu nhập. Vốn có sở thích dệt thổ cẩm, đan móc ren từ thuở nhỏ, nên chị được Hội Phụ nữ động viên khuyến khích và NHCSXH tạo điều kiện giúp đỡ, chị là một trong số phụ nữ dân tộc đầu tiên nơi vùng cao Phong Thổ đã vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn để mua máy móc, nguyên liệu mở một xưởng dệt rộng hơn 100m2 thuộc HTX dệt thổ cẩm Trường Sinh. Tiếp đó, chị đã phối hợp với Hội Phụ nữ vận động chị em tham gia lớp học nghề dệt may tại huyện và vào làm việc tại HTX của chị, nhận gia công dệt thổ cẩm cho HTX dệt thổ cẩm Trường Sinh.
Sau 4 năm vay vốn, sử dụng vốn vay ưu đãi đúng mục đích, HTX dệt thổ cẩm của chị Đèo Thị Hạnh đã tạo việc làm thường xuyên tại chỗ cho 16 lao động và từ 50 - 55 lao động gia công hàng dệt, đan, trong đó: hầu hết là phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo ở xã Mường So. Chủ nhiệm Đèo Thị Hạnh đã giao từng công đoạn sản xuất cho chị em trong xưởng, trong từng tổ phụ nữ dệt thành từng mảng, sau khi dệt xong, chị trực tiếp kiểm hàng và nhập lại cho bộ phận lắp ráp thành phẩm. Vì vậy, các lô hàng thổ cẩm của HTX dệt thổ cẩm Trường Sinh đảm bảo đủ số lượng, chất lượng xuất khẩu và số lao động trực tiếp làm việc tại xưởng cũng như gia công cho HTX đều có việc làm thường xuyên, ổn định với mức lương từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng/tháng/người. Nhiều chị đã cải thiện được cuộc sống gia đình chăm lo chu đáo việc học hành của con cái. Tiêu biểu như chị Nông Thị Phượng là người có thu nhập khá cao của HTX, mỗi tháng chị thu nhập bằng nghề dệt thổ cẩm khoảng 4 triệu đồng, có tháng lên tới 4,5 triệu đồng. Cũng như chị Phượng, trước khi học nghề dệt, chị Đèo Thị Mỳ chỉ biết vào rừng kiếm củi. Kinh tế gia đình khó khăn nên đứa con đầu phải nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình. Tuy là người mới vào làm ở xưởng dệt 1 năm, chị đã có thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình cũng đỡ vất vả hơn trước nhiều.
Riêng Chủ nhiệm HTX Trường Sinh Đèo Thị Hạnh không những kinh tế gia đình khá giả, đạt danh hiệu nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của toàn quốc, mà còn có niềm vui là đã tạo công ăn, việc làm cho nhiều chị em trong thôn bản và thường xuyên trao đổi kinh nghiệm sản xuất, giúp đỡ tiền vay không tính lãi với bà con xung quanh để cùng chung sức vượt nghèo khó, ổn định đời sống nơi vùng cao.
Mai Hoa