Phong trào bắt đầu vào nề nếp
Đăng ngày: 12/1/12Tỉnh Bắc Kạn có tới 86% dân số là đồng bào DTTS.

Xin được bắt đầu bài viết từ hai huyện nghèo nhất của tỉnh Bắc Kạn là Ba Bể và Pác Nặm, nơi gần 100% đồng bào DTTS sinh sống. "Địa bàn chia cắt, dân cư thưa thớt, đi lại khó khăn... Việc đưa hoạt động tín dụng chính sách gần dân mỗi nơi một cách, phong phú như cây rừng mà hiệu quả", ông Lưu Thông Hiểu - Giám đốc NHCSXH huyện Pác Nặm khẳng định. Theo chân ông Hiểu, chúng tôi đến gặp chị Ma Thị Xuyến - Tổ trưởng Tổ TK&VV ở Bản Cảm, của xã vùng sâu Cổ Linh. Chị kể, người dân ở trong bản còn nghèo lắm, những năm qua nhờ được vay vốn của NHCSXH nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên. Việc huy động tiết kiệm là chuyện mới lạ đối với bà con trong bản, buổi đầu chưa hiểu, nhiều người chưa nhất trí. Chị Xuyến đã không quản ngại đến tận từng hộ xa xôi nhất, dùng cả tiếng địa phương để tuyên truyền, động viên bà con tiết kiệm. Một lần chưa được thì 2 lần, rồi ba lần, khi đã nghe "thủng cái đầu", "con gái bản nói phải, mình gửi đồng tiền nhỏ nó lớn dần để có đồng tiền to hơn" mọi người nghe theo. 52 hội viên trong tổ đều thực hiện gửi tiết kiệm với tổng số tiền trên 3 triệu đồng.
Khác với chị Xuyến ở Pác Nặm, anh Lý Phúc Ba (35 tuổi), dân tộc Dao, ở thôn Nà Hai, xã Quảng Khê, huyện Ba Bể từng là Trưởng thôn, giờ là Bí thư chi bộ. "Mình là đảng viên phải đi trước" - anh Ba nói, từ vốn vay của NHCSXH anh phát triển kinh tế gia đình theo mô hình VAC, là người đầu tiên đưa con nhím về nuôi ở địa phương. Từ một nhà anh, giờ cả thôn Nà Hai đã có 6 - 7 hộ nuôi nhím, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đi tiên phong trong chuyện làm ăn, Bí thư Ba còn là "cổ động viên" tích cực cho phong trào tiết kiệm trong thôn, xã. "Mỗi tháng vài chục nghìn, bà con mình phải "nhịn tiêu" mới có. Thông qua Tổ TK&VV, NHCSXH giữ tiền cho mình, mình tích cực tiết kiệm, từ những khoản tiền nho nhỏ góp lại lâu ngày thành lớn". Nói là làm, đến nay, sau hơn một năm tham gia gửi tiết kiệm, gia đình anh Ba đã gửi được hơn 1 triệu đồng. "Năm tới, mình sẽ cố gắng gửi nhiều hơn", anh Ba hứa với Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Nà Hai.
Không chịu thua thế hệ anh, chị, tuổi trẻ tỉnh Bắc Kạn đến với tín dụng chính sách rất hăng hái. Đó là Đoàn TN xã Lương Hạ, huyện Na Rỳ, quản lý 2 Tổ TK&VV thôn Khuổi Nằn I và II, có 69 đoàn viên, thanh niên chủ yếu dân tộc Dao. Do làm tốt công tác tuyên truyền, cả 2 tổ triển khai xây dựng qui chế gửi tiền tiết kiệm rất cụ thể, nên cuối năm số tiền gửi tiết kiệm đạt trên 10 triệu đồng.
Năm 2011, tỉnh Bắc Kạn là một trong những tỉnh đầu tiên tổ chức hội nghị đánh giá sau một năm huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ TK&VV. Nhờ cách làm bài bản, huy động được các tổ chức hội, đoàn thể từ tỉnh xuống đến huyện, xã; đặc biệt quan tâm đến mạng lưới Tổ trưởng Tổ TK&VV tận thôn, bản, nên phong trào có sức lan tỏa về chiều rộng và đi vào chiều sâu, thu được kết quả khả quan. Với nguồn vốn huy động được trên 9,5 tỷ đồng, năm qua NHCSXH tỉnh đã bổ sung nguồn vốn cho vay 2 tỷ đồng, chương trình cho vay GQVL và chương trình hộ gia đình SXKDVKK. Ông Trần Xuân Lễ - Giám đốc NHCSXH tỉnh Bắc Kạn nói: "Hơn hết, những đồng tiền tiết kiệm dù ít ỏi cũng đã làm được một việc lớn, đó là thay đổi suy nghĩ, nhận thức của hộ nghèo. Việc gửi tiết kiệm từ chỗ chỉ làm phong trào, giờ đi vào nề nếp và trở thành ý thức tự giác của mỗi gia đình nông dân".
Hồ Khánh Thiện