Phong Đưa nước sạch về vùng cao biên giới miền Tây Nghệ An
Đăng ngày: 16/2/12Những năm trước đây, huyện vùng cao Quế Phong, nằm sát biên giới Việt - Lào về phía Tây tỉnh Nghệ An phải đối mặt với hàng loạt những vấn đề xã hội như buôn bán thuốc phiện, phá rừng, ô nhiễm môi trường làm cho cuộc sống người dân nghèo đói và dịch bệnh xảy ra thường xuyên.
Tuy nhiên, đến nay bộ mặt vùng quê này đang khởi sắc, nhất là tình hình NS&VSMTNT đã có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ sử dụng nước sạch ở 27 xã, thị trấn trong huyện bình quân là 70%. Đặc biệt, đại bộ phận hộ dân, bao gồm các hộ đồng bào DTTS đã áp dụng thực hiện xây dựng "3 công trình vệ sinh" phù hợp với thực tế của gia đình và địa phương. Theo ông Lê Đức Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND huyện: "Đạt được kết quả đó là do Quế Phong đang từng bước xã hội hóa cung cấp nước sạch; đa dạng hóa các hình thức đầu tư, trong đó coi trọng hàng đầu việc sử dụng vốn tín dụng của NHCSXH vào các hoạt động xây dựng công trình cung cấp NS&VSMTNT, từng bước nâng cao đời sống".
Nước sạch không chỉ làm thay đổi điều kiện sinh hoạt, sản xuất của hàng nghìn hộ dân 4 xã giáp ranh đường biên giới mà còn mở ra cơ hội mới, làm đòn bẩy phát triển kinh tế cho những thôn bản vùng cao này. Lão nông dân Lò Văn Can, người Thái ở bản Đoàn Kết, xã Nặm Rải cho biết: "Gia đình tôi chủ yếu làm nghề nông nên phụ thuộc nguồn nước tưới, tới mùa cúp điện hay khô hạn phải xoay sở nước rất khổ sở? Từ khi được NHCSXH cho vay vốn đưa nước sạch về bản, gia đình có điều kiện đầu tư cho sản xuất lương thực, không còn tất bật "chạy" lo từng gầu nước ngọt cho sinh hoạt ăn uống nữa. Nhờ vậy, tôi đã trồng được 8 sào rau màu, thu bán quanh năm, thoát nghèo khó, có đồng ra đồng vào".
Chủ tịch Hội PN xã Hạnh Dịch Tha Thị Chỉ phấn khởi cho biết: "Từ khi có vốn vay ưu đãi thực hiện chương trình NS&VSMTNT, nước sạch đã "vượt dốc, băng đèo" về với nông dân để tập trung sản xuất, nâng diện tích lúa trên địa bàn xã lên hơn 300ha, đạt năng suất 60 - 70 tạ/ha".
Hiện tại, nhờ nguồn nước sạch vượt đèo cao đã hòa chung vào mạng lưới nước nhà máy Hòa Bình của huyện, cung cấp đủ nước sinh hoạt, sản xuất các thôn bản dọc 34km đường vành đai biên giới. Riêng ở bản Lũng Cò thì đã có 3/4 số hộ dân sử dụng hơn 400 triệu đồng vay của NHCSXH đưa nước sạch về dùng tại nhà. Nước sạch vượt đèo cao về làng mang theo khát vọng lâu đời cho đồng bào DTTS. Ông Lò Thế Vũ ở xã Tam Thái hồ hởi khoe: "Gia đình tôi sử dụng nước sạch của công trình nước sạch vượt đèo cao, trung bình mỗi tháng 6 người sử dụng hết 15m3 nước, với mức giá 3.500 đồng/m3 thì rất phù hợp với người dân vùng rẻo cao. Đúng là nhờ có chương trình tín dụng NS&VSMTNT đã làm thay đổi bộ mặt vùng quê nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống mới".