Nông dân cũng phải được học cách lập dự án
Đăng ngày: 16/1/12Theo Quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nông dân có thể vay tới 500 triệu đồng không cần thế chấp. Nhưng, đối với các NHTM, muốn vay được số tiền đó nông dân cần phải lập dự án.

Về huyện Giao Thủy (Nam Định), ông Nguyễn Văn Nam - Giám đốc NHCSXH huyện đưa chúng tôi xuống thăm hai cơ sở nuôi trồng thủy sản. Đó là Công ty TNHH nuôi trồng thủy sản Liên Phong, xã Giao Phong do anh Đinh Thanh Khiết làm Giám đốc và hộ nuôi thủy sản Nguyễn Ngọc Khảm ở xóm 1. Mỗi cơ sở có một cách làm khác nhau, nhưng đều có một điểm chung được NHCSXH đầu tư cho vay vốn để mở rộng sản xuất.
Anh Đinh Thanh Khiết cho biết, sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp thủy sản, về quê anh phát hiện ra một tiềm năng mới. Nhìn thấy là làm, năm 2002 từ những hố trũng do nhân dân lấy đất đắp đê biển anh đã khôi phục thành 2ha ao hồ. Trong đó, ngăn ra làm 4 ao nuôi trồng thủy sản thương phẩm, xây 100 bể to, nhỏ (trung bình 5m3/bể) sản xuất con giống tôm sú, cua biển, cá bống bớp, ngao giống, tu hài... cung cấp cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản ở Nam Định và Quảng Ninh. Năm 2006, anh lập dự án nuôi trồng thủy sản và thành lập Công ty TNHH. Có dự án, đầy tính khả thi anh được NHCSXH cho vay 214 triệu đồng từ nguồn vốn vay GQVL thông qua Đoàn TN. "Không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, đặc biệt là NHCSXH, thì khó khăn về vốn như chúng tôi, dù có chí làm ăn cũng khó mà ngóc đầu lên được" - anh Khiết khẳng định.
5 năm nay, mỗi năm Công ty của anh cung cấp ra thị trường hàng trăm triệu con giống thủy sản, hàng chục tấn tôm, cua. Ngoài tổ kỹ thuật, gồm 2 kỹ sư, 6 - 7 cán bộ trung cấp thủy sản; Công ty đảm bảo việc làm thường xuyên cho 34 nhân công, với mức thu nhập trên dưới 2 triệu đồng/người/tháng. Để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày một gia tăng, những năm tới Công ty sẽ phát triển sản xuất thủy sản thương phẩm.
Khác với Công ty Đinh Thanh Khiết, ông Nguyễn Ngọc Khảm nuôi trồng thủy sản hộ gia đình. Với diện tích 1,7ha, thuê của xã 12 triệu đồng/năm, ông cải tạo, đắp thành 6 ao. Trước đây nuôi cá tạp, 3 năm nay ông chuyển hướng thả cá vược, cá sòng, nguồn giống chủ yếu mua cá con của những người đi biển về. Cứ thế, ông đầu tư từ ít đến nhiều. Nguồn lao động của ông Khảm chủ yếu 2 vợ chồng, 2 con trai, thuê thêm 1 - 2 lao động khi cần thiết như lúc thu hoạch. Hiện, ông được NHCSXH cho vay 20 triệu đồng. Hôm chúng tôi đến, một khách sạn ở TP. Nam Định đánh xe xuống tận ao mua cá. Theo vị khách này cho biết, cá ông Khảm nuôi thuộc loại đặc sản, giá khá cao. Cá vược khoảng 85 nghìn đồng/kg, cá sòng 230 nghìn đồng/kg. Mỗi năm ông thu khoảng 6 tấn cá, tính giá trị hàng trăm triệu đồng.
Hỏi tường tận mới rõ, ông không biết và cũng không ai hướng dẫn ông lập dự án trang trại để được vay thêm vốn như chủ trương của Nhà nước. Thực tế ở nông thôn hiện nay có rất nhiều người như ông Khảm, làm ăn giỏi nhưng nói đến chuyện lập dự án "khó như đánh đố". Chính vì vậy, họ không được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ mà đáng lẽ ra họ được thụ hưởng. Trách nhiệm này thuộc về Hội ND, chính quyền cơ sở. Nên chăng, trong hàng nghìn tỷ đồng của chương trình dạy nghề cho nông dân, nên có những dự án mở lớp dạy cho một bộ phận nhà nông cách làm dự án phát triển kinh tế. Có lẽ, đây cũng là cách đưa nông dân vào con đường hội nhập?
Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện