‘Nợ quốc gia vẫn trong giới hạn an toàn’
Đăng ngày: 20/10/2010Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 trước Quốc hội sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định mức nợ công tương đương 56,7% GDP của Việt Nam hiện vẫn trong giới hạn an toàn.
Sau phần phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011.
Về tình hình tổng quát, Chính phủ cho rằng kinh tế Việt Nam trong năm 2010 đã bước đầu đi vào giai đoạn phục hồi nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn thách thức. Trong bối cảnh đó, việc ngăn chặn lạm phát, thúc đẩy kinh tế phục hồi ở mức khá cao được Chính phủ đánh giá là một thành công trong công tác điều hành năm qua.
Cụ thể, tốc độ tăng GDP năm 2010 của toàn nền kinh tế ước tăng khoảng 6,7% so với năm 2009, góp phần đưa mức tăng GDP bình quân trong giai đoạn 2006 - 2010 đạt khoảng 7% một năm. Thu nhập bình quân của người Việt Nam, tính đến cuối năm 2010, đạt khoảng 1.160 USD.
Bên cạnh việc đưa GDP vượt mục tiêu đề ra (6,5%), Chính phủ cho biết các cân đối lớn của nền kinh tế cũng cơ bản được giữ ổn định. Tổng thu ngân sách Nhà nước tăng 12% so với dự toán, góp phần đưa mức bội chi xuống dưới 6%.
Tính đến hết năm 2010, dư nợ Chính phủ ước tương đương 44% GDP, nợ nước ngoài đạt 42,2% GDP trong khi nợ công của toàn nền kinh tế đã xấp xỉ 56,7% GDP. Các khoản nợ này đều cao hơn so với số liệu được Chính phủ cung cấp cho Thường vụ Quốc hội hồi cuối tháng 9. Tuy nhiên, theo khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các khoản nợ nói trên “đều trong ngưỡng an toàn”.
Về xuất nhập khẩu, Chính phủ khẳng định nhập siêu trong năm 2010 của nền kinh tế ước tương đương 13,5% giá trị xuất khẩu, thấp hơn so với năm 2009 và đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, mối quan ngại lớn lại được đặt vào tỷ lệ lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được Chính phủ dự báo ở mức 8% cho năm nay. Theo Thủ tướng, tuy con số này cao hơn mục tiêu 7% được Quốc hội chấp thuận, nhưng trong điều kiện phức tạp của nền kinh tế, việc giữ được lạm phát dưới 2 con số đã là một cố gắng lớn của Chính phủ.
Khai mạc sáng nay tại Hà Nội, kỳ họp Quốc hội lần này sẽ kéo dài tới 27/11 với tổng cộng 32 ngày làm việc. Nội dung họp bàn liên quan đến nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có công tác xây dựng luật, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngân sách 2010, xây dựng kế hoạch cho năm 2011.
Về hoạt động xây dựng luật pháp, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật và cho ý kiến 9 dự án luật khác. Đây được xem là một chương trình xây dựng pháp luật tương đối “nặng” cho một kỳ họp cuối năm.
Một nội dung đáng chú ý khác trong kỳ họp lần này là việc Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về tình hình hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), báo cáo tổng kết công trình quan trọng quốc gia dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, góp ý kiến về các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XI...
Theo dự kiến, Quốc hội sẽ họp 46 phiên toàn thể với 13 phiên được truyền hình trực tiếp.
Vnexpress