Nỗ lực xóa nghèo xây dựng nông thôn mới ở Tân Phong
Đăng ngày: 3/2/12Xã Tân Phong, huyện Vũ Thư là một trong 70 xã của tỉnh Thái Bình được chọn làm điểm chỉ đạo của huyện và tỉnh phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015.

Trả lời: Tân Phong có 2.536 hộ, nằm ở cửa ngõ phía bắc TP. Thái Bình, thuận lợi để phát triển kinh tế ngành nghề, dịch vụ. Đảng bộ, chính quyền giữ vững danh hiệu trong sạch, vững mạnh nhiều năm. Trật tự, an ninh chính trị ổn định là điều kiện thuận lợi để nhân dân yên tâm, phấn khởi phát triển kinh tế, cải thiện nâng cao đời sống. Năm 2011, tổng giá trị sản xuất toàn xã đạt trên 90 tỷ đồng, tăng trên 13,2% so với năm 2010. Tuy nhiên, do xuất phát điểm từ nền kinh tế thuần nông, tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương còn chậm. Sản xuất nhỏ lẻ, phân tán. Cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất. Tỷ trọng nông nghiệp hiện chiếm trên 40% cơ cấu kinh tế, thu nhập bình quân đầu người đạt dưới 10 triệu đồng/người/năm. Kết quả khảo sát của huyện năm 2011, toàn xã có 255 hộ nghèo, chiếm 10,5% dân số; hộ cận nghèo 105 hộ, chiếm 4,14%. Những hộ này phần lớn thiếu vốn sản xuất, gia đình có người mắc bệnh hiểm nghèo, gặp rủi ro… do đó không có điều kiện về tài sản bảo đảm để thế chấp vay Quỹ Tín dụng nhân dân xã và các Ngân hàng thương mại.
Phóng viên: Xin ông cho biết kết quả đầu tư và hiệu quả sử dụng nguồn vốn của NHCSXH tại địa phương?
Trả lời: Đến hết năm 2011, NHCSXH đã cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách của xã Tân Phong vay với tổng dư nợ 8.107 triệu đồng, gồm 749 hộ đang dư nợ. Trong đó, có 320 hộ nghèo dư nợ 2.571 triệu đồng; cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn gồm 278 hộ dư nợ 4.280 triệu đồng; 16 hộ vay vốn chương trình GQVL dư nợ 320 triệu đồng. Mới đây, ngân hàng vừa cho vay chương trình NS&VSMTNT cho 117 hộ với số tiền 936 triệu đồng, bình quân 8 triệu đồng/hộ. Nhiều hộ gia đình nghèo được ngân hàng cho vay vốn để chăn nuôi, mua phân bón lúa, mở mang ngành nghề đã XĐGN như chị Trần Thị Hường, làm nghề đóng gạch thuê nuôi 2 con nhỏ, trong đó 1 con tàn tật… 10 năm trước đây chị được Ngân hàng Phục vụ người nghèo (nay là NHCSXH) cho vay 500 nghìn để phát triển chăn nuôi, chữa bệnh cho con, nay gia đình chị đã thoát nghèo. Chị Nguyễn Thị Son, hộ nghèo được tổ bình xét cho vay 6 triệu đồng mua 1 con bê, chị nuôi một thời gian bán lấy vốn chuyển sang nghề làm giá đỗ, nay đã hoàn trả vốn ngân hàng. Chị Đồng Thị Hoa vay vốn từ chương trình GQVL 20 triệu đồng, phát triển nghề nuôi lợn gà, buôn cá giống ổn định cuộc sống gia đình.
Trước đây, con em địa phương học xong cấp 3 phần lớn đi làm công nhân ở các khu công nghiệp. Không ít hộ làm ruộng, thu nhập không đủ chu cấp cho các cháu ăn học cao đẳng, đại học. Nguồn vốn ngân hàng đã giúp gần 300 hộ nuôi con em học nghề, cao đẳng, đại học không phải vay lãi ngoài. Đây thực sự là chính sách hợp lòng dân, là cứu cánh cho những hộ gia đình khó khăn khi thực hiện ước mơ “đổi đời” cho thế hệ con cháu. Vì vậy trong quá trình triển khai đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng rất lớn của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành đặc biệt là nhân dân.
Phóng viên: Ông có nhận xét gì về mô hình xã hội hóa hoạt động tín dụng của ngân hàng, cùng với chính quyền, các hội, đoàn thể địa phương đưa đồng vốn ưu đãi đến đối tượng thụ hưởng?
Trả lời: Việc đưa nguồn vốn ưu đãi đến đúng địa chỉ không chỉ có ý nghĩa nhân văn to lớn, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, mà còn góp phần tích cực ổn định tình hình an ninh trật tự địa phương. Ngoài ra, trong tình hình ngân sách hạn hẹp, các hội, đoàn thể nhận ủy thác với ngân hàng có thêm kinh phí từ hoa hồng dịch vụ để hoạt động và thu hút hội viên. Chính vì thế, để giúp NHCSXH hoàn thành nhiệm vụ chuyển tải nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến đúng địa chỉ, đúng đối tượng thụ hưởng, Đảng ủy, UBND xã đã tạo điều kiện thuận lợi, bố trí điểm giao dịch của ngân hàng tại hội trường UBND xã. Xã Tân Phong đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng với NHCSXH triển khai cho vay các chương trình. Năm qua, Ban giảm nghèo của xã được kiện toàn gồm 6 đồng chí do Chủ tịch UBND xã là Trưởng ban, tại 7 thôn của xã đã thành lập được 14 Tổ TK&VV. Khi NHCSXH huyện thông báo bổ sung vốn vay cho Tân Phong, xã tổ chức họp Ban giảm nghèo, thông báo trên loa truyền thanh để các đối tượng thụ hưởng nắm được chủ trương, chủ động thực hiện thủ tục, hồ sơ đề nghị vay vốn. Nhiều năm qua, Tân Phong được NHCSXH huyện đánh giá là đơn vị bảo đảm công khai, dân chủ, phối hợp chặt chẽ với ngân hàng cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích. Đặc biệt toàn xã không có trường hợp nào nợ quá hạn, nợ xâm tiêu.
Tuy nhiên, so với mức độ trượt giá hiện nay, Đảng và Nhà nước cũng nên nâng mức cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi để người dân đủ vốn đầu tư, phát triển kinh tế hướng tới thoát nghèo. Hiện nay, xã Tân Phong đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí để xây dựng nông thôn mới vào năm 2015. Trong đó, kênh dẫn vốn từ NHCSXH là rất quan trọng để góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Xin cảm ơn ông!
Bảo Linh