Nỗ lực chung vai với hộ nghèo
Đăng ngày: 19/1/12Là một ngân hàng vốn dĩ gắn bó với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nhưng khi có Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình về "Xây dựng nông thôn mới" thì NHCSXH tỉnh Quảng Bình như tiếp thêm sức mạnh, chỉ đạo quyết liệt, tích cực hơn trong triển khai cho vay ưu đãi hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là các chương trình gắn bó trực tiếp với 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Những đóng góp bước đầu
Củng cố và kiện toàn Ban đại diện HĐQT các cấp được xem là giải pháp hàng đầu của NHCSXH. Đến nay, đã có 7 Ban đại diện HĐQT ở tỉnh và 6 huyện được cơ cấu đầy đủ thành viên do Phó Chủ tịch UBND tỉnh hoặc huyện làm Trưởng ban và Lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp tham gia. Nhờ vậy, công việc quản trị năng động hơn, từ đề ra định hướng mục tiêu đến triển khai, sơ - tổng kết thực hiện.
Mặt khác, NHCSXH tỉnh Quảng Bình cũng tiến hành song song củng cố tổ chức bộ máy điều hành từ các phòng, ban ở tỉnh đến phòng giao dịch các huyện đảm bảo đủ biên chế có năng lực trình độ, tận tâm với người nghèo, các quy trình nghiệp vụ được vi tính hóa; mở rộng các điểm giao dịch đạt mật độ 1 xã có một điểm giao dịch.
Cùng các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng và kiện toàn các Tổ TK&VV, đến nay, NHCSXH tỉnh Quảng Bình đã có 2.511 Tổ TK&VV, thường xuyên được tập huấn nghiệp vụ và các kiến thức cơ bản về khuyến nông khuyến ngư. Đây chính là các tổ chức như cánh tay vươn dài tận thôn, xóm, bản giúp ngân hàng trong xác định hộ nghèo, nhận tiền gửi tiết kiệm, thu lãi...
Nhưng giải quyết nguồn vốn cho bà con nông dân được vay là khâu quyết định nhất của việc XĐGN. Đầu năm 2010, ngân hàng đã chỉ đạo triển khai huy động vốn với lãi suất theo cơ chế thị trường trong cộng đồng người nghèo. Trong điều kiện có nhiều tổ chức tín dụng cùng cạnh tranh huy động vốn, nên có phần hạn chế trong việc huy động vốn. Nhưng, nhờ có màng lưới rộng khắp, nên đến nay, NHCSXH đã có 42 nghìn tổ viên trong 1.900 Tổ TK&VV tham gia huy động vốn đạt số dư trên 13 tỷ đồng. Cả 6 huyện đều có người tham gia: huyện Minh Hóa là một huyện trong 62 huyện nghèo nhất cả nước cũng có gần 3.600 tổ viên tham gia với số dư tiền gửi tiết kiệm gần 600 triệu đồng. Hay như Tuyên Hóa - là huyện vùng núi rẻo cao cũng có 6.600 tổ viên tham gia với số dư tiền gửi tiết kiệm gần 1.100 triệu đồng... Các nguồn vốn đó cùng với vốn ngân sách Trung ương cấp; hiện nay 6 NHCSXH huyện đã có nguồn vốn gần 1.900 tỷ đồng.
Tuy kết quả chưa cao nhưng cái được lớn nhất là NHCSXH tỉnh Quảng Bình đã tạo được ý thức biết tiết kiệm trong tiêu dùng, xây dựng nếp nghĩ có tính toán trong sử dụng thu nhập ít ỏi của người nghèo để từng bước tích lũy nhiều hơn và vươn lên làm giàu. Bên cạnh đó, ngân hàng đã tranh thủ sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện trích một phần ngân sách do tăng thu, tiết kiệm chi chuyển cho ngân hàng làm nguồn vốn cho vay.
Bên cạnh công tác huy động vốn triển khai rộng khắp và chăm sóc đến từng loại đối tượng, công tác kiểm tra kiểm soát được xem là công việc chỉ đạo hàng đầu; từ kiểm tra của Ban đại diện HĐQT, kiểm tra chuyên trách đến kiểm tra chuyên đề. Qua kiểm tra kiểm soát, NHCSXH tỉnh Quảng Bình đã kịp thời chấn chỉnh uốn nắn những lệch lạc nhằm định hướng cho các đối tượng vay vốn, sử dụng vốn đúng mục đích. Cũng nhờ thế mà việc thu nợ đạt được kế hoạch để có vốn quay vòng. Nhờ vậy, chỉ tính trong hai năm gần đây, ngân hàng đã cho vay gần 980 tỷ đồng, đưa tổng mức dư nợ của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác lên trên 1.800 tỷ đồng. Trong đó: dư nợ cho vay hộ nghèo gần 680 tỷ đồng. Vốn của NHCSXH đã đến 141/141 xã, phường. Huyện Minh Hóa là huyện phải giảm nghèo nhanh và bền vững theo định hướng của Tỉnh ủy Quảng Bình nên được ngân hàng đặc biệt quan tâm cho vay, đưa chỉ tiêu dư nợ từ 200 tỷ đồng (đầu năm 2011) lên 215 tỷ đồng (quý III/2011).
Ngoài cho vay hộ nghèo để phát triển kinh tế, NHCSXH tỉnh Quảng Bình còn cho vay GQVL, XKLĐ, HSSV của gần 30 nghìn hộ nghèo vay. Trong đó, nhiều hộ có từ 2 - 3 con được vay vốn từ mức 900 nghìn lên mức 1 triệu đồng/tháng/HSSV, tạo điều kiện cho gần 46 nghìn HSSV theo học và tiếp tục học ở các trường đại học; trung học; dạy nghề, thúc đẩy sự nghiệp "trồng người", khuyến học khuyến tài, tạo được một đội ngũ nhân tài cho tương lai. NHCSXH cũng cho vay hộ nghèo làm nhà ở, góp phần xóa được 3.400 ngôi nhà tạm bợ, dột nát; cho hơn 15 nghìn hộ vay để xây dựng công trình NS&VSMTNT góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, làm trong sạch môi trường và giảm được nhiều bệnh tật. Công tác cho vay vốn của NHCSXH tỉnh Quảng Bình không chỉ giúp từng hộ mà còn tập trung cho các dự án, mô hình làm ăn kinh tế có hiệu quả, sử dụng nhân lực tại chỗ, qua đó góp phần tạo nhiều mô hình mẫu trong nỗ lực XĐGN của từng địa phương thông qua thâm canh sản xuất như mô hình nuôi tôm sú trên cát của 7 hộ tại xã Nhân Trạch (Bố Trạch) hay củng cố và phát triển làng nghề truyền thống như mô hình sản xuất mây tre đan ở xã Quảng Thọ (Quảng Trạch)...
Ngoài các ưu đãi trên, các huyện có đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn còn được vay vốn phát triển sản xuất với lãi suất 0% Nếu như cuối năm 2009, tổng dư nợ tín dụng cho đối tượng này mới chỉ là 4.700 tỷ đồng, thì đến nay con số này đã là 10.600 tỷ đồng. Qua vay vốn theo chương trình này, đồng bào DTTS phát triển được sản xuất, ổn định được cuộc sống, định canh định cư, xóa dần tình trạng du canh, du cư, từng bước tạo được thu nhập để chủ động trong cuộc sống gia đình, không trông chờ vào sự cứu trợ của Nhà nước.
Qua khảo sát hiệu quả kinh tế - xã hội gần hai năm thực hiện Quyết định 800 cho thấy: đã có gần 16 nghìn hộ thoát ngưỡng đói nghèo, 45 nghìn hộ có đời sống ổn định và có cải thiện hơn trước, tạo việc làm cho gần 7 nghìn lao động. Bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc, xóa được nhiều nhà tranh dột nát tạm bợ. Chất lượng cuộc sống đã được nâng lên rõ rệt... Người nông dân cũng an tâm khi con cái cần chi phí để theo học các trường đại học, trung học, dạy nghề, góp phần từng bước đẩy lời nạn cho vay nặng lãi và họ hụi không lành mạnh. Cũng qua đó ý thức tự lực tự cường của người nông dân từng bước được nâng lên rõ rệt.
Những vướng mắc cần tháo gỡ
Tuy nhiên, qua thực tiễn, một số chính sách, cơ chế liên quan đến NHCSXH cần phải được các cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ngân hàng, góp phần thực hiện tốt hơn các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đó là:
Thị trường đã có những biến động lớn nhưng lãi suất cho vay vẫn giữ nguyên, chưa thay đổi. Nên chăng mức lãi suất cho vay cũng cần điều chỉnh tương ứng với tốc độ lạm phát của những năm qua để một mặt, giảm bớt việc cấp bù lãi suất của ngân sách, mặt khác, các đối tượng vay vốn cũng bắt đầu thực sự phải làm quen dần với lãi suất thị trường. Thêm vào đó, tuy ngân hàng có cho các đối tượng hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn với thời hạn dài, ngắn khác nhau nhưng lãi suất trong mỗi chương trình đó chỉ quy định có một loại lãi suất như nhau. Đó là thực tế thiếu công bằng trong đánh giá khả năng sử dụng vốn. Vì thế nên chăng mỗi chương trình cho vay đều phải có hai loại lãi suất theo hướng ưu tiên cho đặc thù của chương trình "Xây dựng nông thôn mới": lãi suất ngắn hạn nên thấp hơn lãi suất cho vay trung dài hạn.
Theo Thông tư 107/2005/TT-BTC về việc hướng dẫn quản lý sử dụng Quỹ GQVL tại địa phương có quy định "Hàng năm UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào khả năng ngân sách địa phương, nhu cầu GQVL và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, bố trí một phần kinh phí trong dự toán ngân sách địa phương để lập Quỹ việc làm địa phương...". Nhưng những năm qua, tỉnh Quảng Bình có nhu cầu vay vốn để GQVL rất lớn, ngân sách Trung ương phân bổ còn hạn hẹp, trong lúc đó, ngân sách tỉnh chỉ tập trung cấp vốn cho những mục tiêu chương trình và dự án cấp thiết khác nên rất hạn chế trong việc GQVL tại địa phương. Đề nghị UBND tỉnh xem xét điều chỉnh lại cơ cấu phân bổ ngân sách hàng năm để thực hiện theo tinh thần của Thông tư này.
Để thực hiện Chỉ thị 09/2004/CT-TTg về việc nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã ban hành Chỉ thị 158/2004/CT-UB, trong đó yêu cầu: "UBND các huyện, thị xã tranh thủ HĐND cùng cấp chỉ đạo thực hiện việc trích một phần từ nguồn tăng thu giảm chi trong kế hoạch ngân sách hàng năm để chuyển cho NHCSXH trên địa bàn bổ sung vốn tín dụng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách...". Tuy nhiên, chỉ thị này cũng không quy định rõ tỷ lệ là bao nhiêu nên mỗi huyện trích một tỷ lệ khác nhau và trên thực tế chưa hỗ trợ được cho nguồn vốn của ngân hàng. Vì thế Chỉ thị 158/2004/CT-UB nói trên cũng cần bổ sung quy định rõ tỷ lệ này.
Quảng Bình là địa phương còn nghèo, nhu cầu vốn cho xây dựng "Nông thôn mới" cũng như cho SXKD của nông dân còn lớn. Bên cạnh những nỗ lực của NHCSXH tỉnh, rất cần sự hỗ trợ của NHCSXH Trung ương và nguồn ngân sách địa phương để nông thôn Quảng Bình, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đóng góp trong những năm kháng chiến được nhanh chóng thụ hưởng thành quả chung của sự tăng trưởng.
Văn Lạc