Ninh Vân làm giàu từ nghề chế tác đá
Đăng ngày: 20/11/12Thực tế thời gian qua triển khai chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Hoa Lư, vùng giáp danh với TP. Ninh Bình nơi đất chật, người đông đã cho thấy rằng, trong hàng loạt giải pháp thì giải pháp tín dụng chính sách được coi là sự "tiếp sức" hiệu lực nhất để tạo việc làm, phát triển kinh tế cho gia đình và địa phương.
Chứng minh cho hiệu quả đó là ở xã Ninh Vân sau thời gian tổ chức thực hiện "Đề án đổi mới công tác tín dụng chính sách" của Hội ND, phối hợp với NHCSXH tỉnh Ninh Bình đề ra đã giúp nhiều hộ dân giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu nhanh từ lao động ở làng nghề nông thôn.
Theo ông Hoàng Trọng Hiếu - Chủ tịch UBND xã Ninh Vân thì ngay sau khi được chọn là một trong số xã điểm của tỉnh Ninh Bình về thực hiện đề án, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng các phương án chuyển đổi nông nghiệp, chăn nuôi, mở rộng, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Đồng thời, sử dụng vốn vay ưu đãi, kỹ thuật mới vào sản xuất. Xác định việc sản xuất tiểu thủ công nghiệp - làng nghề là khâu mũi nhọn, đột phá trong xây dựng NTM, xã đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) và hộ nghề nghiệp thuê đất làm mặt bằng sản xuất và vay vốn ưu đãi để khôi phục, mở mang ngành nghề.
Đến nay, đã có 45 DNTN và hộ nghề lớn trong xã thuê tổng cộng 22ha đất ven núi, 70 hộ dân chuyển cơ sở sản xuất ra khu làng nghề được thành lập theo quy hoạch. NHCSXH tỉnh, huyện đã có các DNTN và hộ nghề vay hơn 20 tỷ đồng vốn tín dụng từ chương trình GQVL, nhờ vậy mà một số DNTN như Tuấn Thành, Hệ Dường, Thuỵ Thành, Đàm Khánh... có điều kiện đầu tư công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Ngoài việc ưu tiên cho các hộ gia đình có nghề chạm khắc, chế tác đá mỹ nghệ vay vốn ưu đãi, xã còn chủ động liên kết với trường cao đẳng nghề của tỉnh và NHCSXH huyện Hoa Lư để đào tạo nghề cho con em trong xã và đầu tư các dự án hỗ trợ mở mang ngành nghề cho lao động ở nông thôn.
Thực tế hơn 3 năm đổi mới công tác tín dụng chính sách đã đáp ứng được 85% nhu cầu vay vốn GQVL của các hộ làm nghề tiểu thủ công nghiệp ở vùng quê đất chật, người đông và đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Tại thôn 3, xã Ninh Vân trước khi có Đề án đổi mới công tác tín dụng chính sách chỉ có 20 hộ làm nghề khắc đá, đến nay số hộ được nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ đã tăng lên hơn 100 hộ. Nhờ "đòn bẩy" là cơ cấu lao động thay đổi, hiện tại, kinh tế nông nghiệp của Ninh Vân chỉ còn chiếm 20% cơ cấu kinh tế của xã. Nguồn thu của xã cũng nhờ thế tăng đáng kể, với thu nhập bình quân 16 triệu đồng/người/năm. Đối với nghề chế tác đá mỹ nghệ, tập trung ở các thôn 2, 3, 4, trước khi được đầu tư vốn ưu đãi, thu nhập bình quân của thợ chạm khắc chỉ từ 1,6 đến 2 triệu đồng, nay đã tăng lên 6 - 7 triệu đồng/người/tháng, bởi vì cơ sở sản xuất đủ vốn để chủ động về nguyên liệu, thiết bị và người lao động đã được nâng cao tay nghề, yên tâm sáng tạo trong sản xuất.
Cụ thể như anh Trần Khánh Tuấn ở thôn 2 năm 2009 sau khi tốt nghiệp PTTH, anh đăng ký tham gia học nghề chế tác đá tại địa phương. Sau khóa học nghề, Tuấn được vay 3 triệu đồng của NHCSXH để cùng 2 người bạn nữa hùn vốn đầu tư mở xưởng chế tác đá mỹ nghệ tại thôn. Có việc làm ổn định, mỗi tháng anh Tuấn thu nhập 10 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ đối với lao động nông thôn.
Việc sử dụng vốn vay ưu đãi vào mục đích giảm nghèo, phát triển ngành nghề, làm giàu chính đáng đang diễn ra sôi nổi ở xã Ninh Vân đã phần nào nói lên được sự nỗ lực của người lao động và tác dụng thiết thực của đề án đổi mới công tác tín dụng chính sách trong tình hình hiện nay.
Đông Dư