Những người dẫn vốn tới hộ nghèo
Đăng ngày: 11/11/12Theo chân cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Gia Bình (Bắc Ninh), đến những điểm giao dịch lưu động tại các xã, thị trấn, được trực tiếp trò chuyện với những người làm công tác tín dụng ở cơ sở, chúng tôi mới thấy hết sự đam mê công việc của họ tới nhường nào.

Mặc dù, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng bất cứ khi nào có người vay vốn, những cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Gia Bình lại nhiệt tình hướng dẫn các đối tượng làm thủ tục và luôn thấy tự hào, hãnh diện về những việc mình đã và đang làm. Kể từ khi ra đời đến nay, NHCSXH huyện Gia Bình đã trở thành người bạn thân thiết, đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách, thành quả đó, có phần đóng góp không nhỏ của những người làm công tác tín dụng ở cơ sở.
Nếu trước đây, muốn vay vốn, người dân phải lên tận ngân hàng huyện để làm thủ tục, nhiều người ở xa đi lại mất nhiều thời gian, lại không hiểu rõ thủ tục nên gây ra tâm lý ngại ngần. Nay có những Điểm giao dịch ngay tại xã/phường/thị trấn có thời gian làm việc cụ thể được báo trước đã giúp người dân chủ động sắp xếp thời gian làm việc với ngân hàng. Đến ngày trả lãi, giải ngân, bà con chỉ cần đến làm việc tại các Điểm giao dịch nên mọi thứ đều rất thuận lợi, nhanh chóng. Các Tổ trưởng Tổ TK&VV chính là những người trực tiếp tìm hiểu nhu cầu vay vốn của người dân, thu lãi, gốc và động viên người dân sử dụng đồng vốn có hiệu quả.
Tổ TK&VV của Hội CCB thôn Mỹ Thôn (Xuân Lai), ông Nguyễn Văn Tạc là tấm gương tiêu biểu trong hoạt động đoàn thể của địa phương. Có được điều này không phải vì ông là người cao tuổi, mà còn vì tinh thần trách nhiệm cao và khả năng làm việc hiệu quả, khoa học. Mặc dù, đã 56 tuổi nhưng trong công việc, ông luôn là người đi đầu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Có nhiều kinh nghiệm làm việc với người nghèo, lại thêm đức tính cần cù, cẩn thận nên những khách hàng do ông quản lý đều tin tưởng và nể phục. Đứng trước công việc, ông luôn tâm niệm, phải giải quyết sao cho ổn thỏa và hợp lý, công bằng. Chính vì vậy, mỗi khi có vốn rót về, để khảo sát khách hàng là những đối tượng cần được tiếp cận nguồn vốn, ông đều đi vào buổi trưa hoặc tối, bởi theo ông, "nếu đi giờ hành chính thì không có ai ở nhà".
Tổ TK&VV do ông quản lý từ chỗ chỉ có 8 hộ vay với số tiền 40 triệu đồng, đến nay đã lên đến hơn 700 triệu đồng với 47 tổ viên được vay vốn. Mười năm gắn bó với công việc cũng là 10 năm ông được gặp gỡ, chia sẻ, gần gũi với người nghèo, giúp đỡ, tạo điều kiện để người dân nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn.
"Theo báo cáo của NHCSXH huyện Gia Bình, toàn huyện đã kiện toàn, củng cố và thành lập 226 Tổ TK&VV tại 14 Điểm giao dịch ở các xã, thị trấn. Tổ trưởng các Tổ TK&VV thường xuyên tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ tín dụng ủy thác; tư vấn sản xuất kinh doanh, tham gia lớp dạy nghề ngắn hạn. Tính hết tháng 10, tổng dư nợ của NHCSXH huyện Gia Bình đạt 208,9 tỷ đồng, tăng 21 tỷ đồng so với cuối năm 2011, trong đó: hơn 203 tỷ đồng cho vay ủy thác qua các Tổ (97,17% tổng dư nợ)". |
Ông Tạc cho biết: "Trong công tác cho vay, tôi thực hiện đúng quy trình từ khâu rà soát, bình xét đến công tác kiểm tra đôn đốc hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Từ khi thành lập đến nay, Tổ luôn duy trì họp định kỳ hàng tháng, thu nộp gốc, lãi đầy đủ không có nợ xấu". Bà Nguyễn Thị Mai, thành viên vay vốn của Tổ TK&VV do ông Tạc quản lý cho biết: "Lâu nay, người dân vẫn kêu khó khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Nhưng thông qua các Tổ TK&VV và được các hội, đoàn thể đứng ra tín chấp, người dân nghèo như chúng tôi đã được giải ngân vốn nhanh chóng, kịp thời để thực hiện được kế hoạch SXKD, cũng như trang trải việc học tập cho con em mình...".
Ông Đỗ Văn Hiện - Giám đốc NHCSXH huyện Gia Bình khẳng định: "Nếu không có sự nhiệt tình, tinh thần làm việc có trách nhiệm của những Tổ trưởng Tổ TK&VV, chúng tôi khó có thể hoàn thành nhiệm vụ. Họ là những người sở tại, gần dân, sát dân, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của dân, khảo sát, rà soát các hộ đủ điều kiện trực tiếp đưa nguồn vốn đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách một cách nhanh, hiệu quả".
Hà Linh