Những hiệu ứng tích cực sau khi NH giảm lãi suất
Đăng ngày: 23/4/12Tổng Giám đốc Maritime Bank nhận định, năm 2012 hứa hẹn sẽ có thêm 3-4 đợt giảm lãi suất nữa.
Cùng ngày, Maritime Bank cũng đã quyết định hạ lãi suất tín dụng đối với nhiều nhóm doanh nghiệp. Mức lãi suất tối thiểu được áp dụng ngay từ ngày 16/4 là 15%. Đợt giảm lãi suất này Maritime Bank dành 2.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực chế biến thủy hải sản; sản xuất, kinh doanh phân bón; thuốc, hóa dược và nhựa… Được vay với lãi suất ưu đãi từ 16-18%. Đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông lâm - ngư nghiệp, Maritime Bank còn dành thêm 5.000 tỷ đồng cho vay với mức lãi suất chỉ có 15%. Với quyết định này, kể từ đầu tháng 2 đến nay, Maritime Bank đã 5 lần giảm lãi suất cho vay, tổng cộng đến 6% đối với khoản vay bằng VND và 4,5% đối với USD.
Đưa ra quyết định trên, ông Trần Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Maritime Bank còn nhận định, năm 2012 hứa hẹn sẽ có thêm 3-4 đợt giảm lãi suất nữa. Các ngân hàng khác như BIDV, Techcombank… cũng lần lượt công bố dành một vài ngàn tỷ đồng để cho vay với mức lãi suất giảm. Những thông tin trên đã nhanh chóng lan tỏa, tác động tích cực đến cả thị trường bất động sản (BĐS), chứng khoán và nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Thị trường BĐS đóng băng đã khá lâu, doanh nghiệp (DN) BĐS thua lỗ kéo dài, kéo theo 74 mã cổ phiếu ngành BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán TP Hồ Chí Minh trở về với các chỉ số âm. Nhưng từ tín hiệu trên, ngay phiên giao dịch ngày 12/4, chỉ số VN Index đã tăng thêm 6,52 điểm; hơn 106 triệu CP được mua bán với tổng giá trị giao dịch đạt trên 1.761 tỉ đồng. Trong phiên này dòng tiền đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu BĐS khiến hầu hết cổ phiếu trong nhóm VN30 có phiên tăng kịch trần, kể cả cổ phiếu thuộc diện cảnh báo do đã lỗ nặng trước đó.
Các phiên gần đây giao dịch mua bán cũng đã tăng mạnh, đạt số lượng bình quân 102,6 triệu CP/phiên; giá trị đạt đến 1.521,7 tỷ đồng/phiên, cao gấp nhiều lần lúc thị trường chứng khoán xuống đáy. Giá cổ phiếu tăng nhanh, tính thanh khoản trên thị trường này tăng mạnh, nên theo chuyên gia phân tích chứng khoán Fiachra Mac Cana, Giám đốc điều hành của HSC: Với đà này, chỉ số VN index cán mốc 500 điểm là không khó. Lãi suất giảm, thị trường chứng khoán khởi sắc khi một lượng tiền lớn từ ngân hàng đang quay lại với thị trường này. Vì vậy, để giữ chân người gửi tiền, nhiều ngân hàng vẫn dùng cách khuyến mại, tặng quà để bù đắp khoản lãi suất sụt giảm cho khách hàng.
Là địa bàn có tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ chiếm hơn 25% cả nước, lĩnh vực sản xuất, trung chuyển, phân phối hàng hóa tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh tác động rất lớn đến chỉ số giá cả hàng hóa của cả nước. Song nhiều đại diện DN thuộc lĩnh vực này đều cho rằng không thể gánh nổi mức lãi suất trên dưới 20%/năm. Và như vậy, dù có được ngân hàng rộng cửa, các chủ DN vừa và nhỏ cũng hầu như cũng không “hấp thụ” nổi nguồn vốn vay ngân hàng với lãi suất cao thời gian qua.
Ông Tuấn, chủ một tổng đại lý phân phối thực phẩm ở quận Thủ Đức cho biết: Lợi nhuận thu về của mỗi mặt hàng chỉ chừng một vài phần trăm. Vì vậy dù biết trước các đợt tăng giá, ôm hàng về sẽ lãi cao hơn nhưng cũng chẳng dám thế chấp tài sản, vay vốn ngân hàng để làm. “Lãi suất ngân hàng nặng, làm chỉ đủ trả lãi trong khi rủi ro với người kinh doanh cao thì vay làm chi”, ông Tuấn lý giải.
Theo các đại diện DN, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa phục vụ tiêu dùng chỉ có thể chịu đựng được mức lãi suất cho vay 10%/năm. Mức này mới có thể giữ được giá cả hàng hóa không tăng, nhất là trong lúc chi phí đầu vào, giá nguyên liệu vật tư tăng liên tục hiện nay.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, sau công bố trên lãi suất huy động chỉ có 2,5-3%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn; tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 tháng lãi suất phổ biến từ 3,5-4%/năm; chỉ tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên mới có lãi suất là 11,5-12%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ phổ biến vẫn ở mức 13,5-16%/năm; mức 16-19%/năm đối với sản xuất kinh doanh khác và lĩnh vực phi sản xuất từ 19-25%/năm.
Lãi suất đầu vào, đầu ra vẫn có mức chênh lệch quá lớn; quá trình giảm lãi suất huy động và giảm lãi cho vay của các ngân hàng từ đầu năm đến nay còn phản ánh: Đầu vào chỉ giảm 1-2%, song lãi cho vay ra đã được giảm nhiều lần, tổng cộng đến 6-7%. Điều này chứng tỏ việc “buôn tiền” của các ngân hàng đã thu lợi lớn và lãi suất cho vay vẫn có thể giảm xuống được hơn nữa.
Theo Đức Thắng
CAND